Thứ 4, 24/04/2024, 13:39[GMT+7]

Những tỷ phú nông dân

Thứ 3, 09/02/2021 | 14:46:16
10,789 lượt xem
Tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều hội viên nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư vốn, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho thu nhập cả trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp.

Ông Tuyến làm trang trại

Hơn 20 năm làm kinh tế VAC, anh Nguyễn Ngọc Tuyến, thôn Hải Triều, xã Tân Lễ (Hưng Hà) đã xây dựng cho mình trang trại tổng hợp với diện tích gần 5 mẫu. Trong đó, ông đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn và cứng hóa ao nuôi cá truyền thống. Trong khi các hộ chăn nuôi lợn điêu đứng vì bệnh dịch tả lợn châu Phi thì mô hình của ông Tuyến lại an toàn do phòng dịch tốt. 

Ông Tuyến chia sẻ: Tôi thiết kế các chuồng nuôi không quá gần nhau và thường xuyên phun hóa chất khử khuẩn, sử dụng vôi bột rắc từ ngoài đường vào đến khu chăn nuôi nên đã hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan trên đàn lợn. Bên cạnh đó, chuồng trại tôi cũng hạn chế người ra vào, vôi bột được rải cả trong chuồng nuôi và thường xuyên tiến hành vệ sinh chuồng nuôi bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát. Nhờ làm tốt công tác phòng dịch nên năm 2020, tôi đã xuất bán hơn 300 lợn thịt, hơn chục tấn nhãn, chục tấn cá truyền thống thu về hơn 1,5 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Đãng thu về hơn 600 triệu đồng/năm từ mô hình trồng đào.

Ông Đãng trồng cây cảnh

Đến vườn đào phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) hỏi mô hình của nông dân Trương Văn Đãng người dân ở đây ai cũng biết bởi ông không chỉ là một trong những hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương mà còn rất nhiệt huyết với phong trào nông dân. Hiện ông Đãng là tổ trưởng tổ đào cảnh của phường Hoàng Diệu với 99 thành viên. Gần 30 năm kinh nghiệm cầm kéo và tạo thế cho từng gốc đào, ông Đãng đã xây dựng cho mình một “cơ ngơi” với hơn 350 gốc đào rừng to, cổ thụ và hàng trăm gốc đào nhỏ các loại. 

Ông Đãng chia sẻ: Chăm đào khó nhất là phải tỉa lá đúng dịp để căn cho hoa nở đúng đợt tết Nguyên đán thì giá trị cây đào mới cao. Ngoài những gốc đào cổ thụ, đào rừng to, nhiều sần sùi, rêu mốc với giá trị càng cao thì tôi còn ghép thêm cả một số loại hoa lan vào gốc và cành cây đào để tạo ra một chậu cây đào không chỉ có sắc mà còn có cả hương, giá trị của chậu đào sẽ tăng cao hơn nữa. Như mọi năm, nếu như cho thuê hoặc bán được hết vườn đào cổ thụ, đào rừng và cả vườn đào nhỏ thì gia đình tôi cũng thu về hơn 600 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 - 6 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 250.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Tôi mong thời gian tới, hội nông dân các cấp sẽ hỗ trợ hội viên nông dân thành lập HTX trồng đào phường Hoàng Diệu, từng bước xây dựng thương hiệu cho cây đào của phường cũng như tăng giá trị cây trồng và thu nhập cho hội viên.

Anh Nguyễn Văn Hùng nuôi 6.000 gà Ai Cập nhưng vẫn bảo đảm tỷ lệ đẻ trứng đạt hơn 80%.

Anh Hùng nuôi gà Ai Cập

Chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi gà Ai Cập cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Quang Minh, xã Tây Sơn (Kiến Xương). 

Anh Hùng cho biết: Năm 2020, gia đình tôi thắng lớn nhờ nuôi gà Ai Cập, xuất bán được hơn 9 vạn trứng gà, bán thêm cả gà thịt, xuất hơn 1.000 ngan, vịt và cá truyền thống thu về gần 700 triệu đồng, trong đó riêng tiền bán gà thịt và trứng đã thu gần 500 triệu đồng.

Mô hình của nông dân Nguyễn Văn Hùng đem lại hiệu quả kinh tế cao bởi anh đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi. Chuồng nuôi được thiết kế thoáng mát, có hệ thống điều hòa không khí, sử dụng men vi sinh để hạn chế mùi hôi. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật mà anh Hùng có thể nuôi 6.000 gà đẻ nhưng vẫn bảo đảm tỷ lệ đẻ trứng hơn 80%. Chính điều này đã giúp anh thắng lớn trong chăn nuôi.

Anh Hùng, ông Đãng, ông Tuyến là ba trong rất nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh dám nghĩ, dám làm, đầu tư tiền của, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và áp dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, cho thu nhập cao. Những mô hình trên là điển hình nông dân tiêu biểu, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, của địa phương nói riêng.


Bà Bùi Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Hội nông dân các cấp luôn khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để hội viên phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Toàn hội đã phát động và triển khai sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tạo sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Thời gian tới, những mô hình cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng sẽ được hội nông dân từ tỉnh tới cơ sở nhân rộng, tạo điều kiện giúp hội viên có nguyện vọng vay vốn, đầu tư sản xuất, chăn nuôi góp phần cùng hội viên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Ông Vũ Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hưng Hà
Năm 2020, Hội Nông dân huyện đã hướng dẫn, tuyên truyền tới hội viên, nông dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như cam, bưởi, cam đường canh, cam vinh. Chúng tôi xây dựng các mô hình điểm hội viên làm kinh tế VAC giỏi để nhân rộng ra toàn huyện nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Tôi mong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ có những cơ chế, khuyến khích hội viên tham gia tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, hiệu quả và nâng cao thu nhập cho gia đình.

Tiến Đạt