Thứ 5, 09/01/2025, 18:46[GMT+7]

Thái Bình vươn mình đổi mới

Thứ 2, 22/03/2021 | 11:15:08
10,463 lượt xem
Thái Bình - vùng quê giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng. Trong kháng chiến, dù bị đạn bom tàn phá song người dân Thái Bình vẫn một lòng bám trụ giữ đất, giữ làng, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhân dân Thái Bình luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng dựng xây quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Đường giao thông nông thôn mới xã Việt Hùng (Vũ Thư)

Từ một vùng quê giàu truyền thống cách mạng

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên 1.534,4 km2, là vùng đất phù sa màu mỡ. Suốt quá trình hình thành và phát triển, với vị trí trọng yếu cửa ngõ, ba mặt giáp sông một mặt giáp biển, mảnh đất này đã sớm phải đương đầu với thiên tai, địch họa. Đối mặt với những khó khăn, thách thức ấy, người dân Thái Bình đã đoàn kết, bó bện, không ngừng bồi đắp ý chí kiên cường, bất khuất, lập nên bao kỳ tích trong xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Thái Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Gần 152.000 người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc. 

Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, những người con của quê hương Thái Bình đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và công tác, lập nên những chiến công xuất sắc. Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, trên 52.000 người con quê hương đã anh dũng hy sinh; gần 33.000 thương binh, bệnh binh; hơn 6.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; hơn 2.000 cán bộ lão thành cách mạng; gần 50.000 gia đình có công với nước... Nhiều người con Thái Bình đã ghi tên vào lịch sử gắn liền với các sự kiện vĩ đại, đánh dấu những dấu son chói lọi của dân tộc. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tự hào vì đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vươn mình đổi mới

Suốt hành trình 35 năm cùng đất nước đổi mới, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tỉnh Thái Bình luôn chủ động tìm những bước đi mới, cách làm mới; là một trong những tỉnh đi đầu trong đổi mới tư duy kinh tế. 20 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã thực hiện thành công chương trình “điện, đường, trường, trạm”, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn. Thực hiện 5 trọng tâm phát triển kinh tế đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh đã quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế biển, đưa nền kinh tế của tỉnh thoát khỏi tình trạng trì trệ, duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế liên tục đạt mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế không ngừng được nâng lên; bình quân 5 năm 2016 - 2020, GRDP ước tăng 10,13%/năm, vượt xa mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra (8,6%/năm), gấp 1,5 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/năm) và là một trong ba tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh. Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh, nhiều tuyến giao thông kết nối, công trình, dự án trọng điểm đang khẩn trương được đầu tư xây dựng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hứa hẹn đưa Thái Bình chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai. Thái Bình đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã thành lập Khu kinh tế Thái Bình với quy mô 30.583ha và khu công nghiệp chuyên nông nghiệp Thaco - Thái Bình diện tích gần 200ha; khởi công xây dựng tuyến đường bộ ven biển và một số công trình giao thông lớn cùng cơ chế hợp tác liên kết vùng, kết nối Thái Bình với các tỉnh lân cận và các tỉnh, thành phố duyên hải Bắc Bộ sẽ tạo động lực mới, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh.

Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, Thái Bình luôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 

Đến cuối năm 2019, Thái Bình đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh; là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã và tất cả các huyện, thành phố được công nhận đạt tiêu chí quốc gia. Trong đó có những tiêu chí mà Thái Bình là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành với quy mô toàn tỉnh (như cấp nước sạch cho 100% người dân nông thôn, kiên cố đường giao thông nội đồng và giao thông thôn xóm...). Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; dân chủ ở cơ sở và vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy; hệ thống chính trị được củng cố; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và vai trò, sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm; các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm còn hơn 2%, bằng một nửa so với mức bình quân chung của cả nước.

Phát huy thành quả và kinh nghiệm đạt được, nhiệm kỳ 2020 - 2025, mục tiêu của tỉnh là xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Khẩn trương đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đi vào cuộc sống, ngay những tháng của năm đầu thực hiện Nghị quyết, Thái Bình đã khởi động các dự án trọng điểm như tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn; hợp long cầu vượt sông Trà Lý nằm trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình; công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái…, hứa hẹn một nhiệm kỳ tiếp tục đổi mới, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Những thành tựu kinh tế - xã hội mà Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đạt được thời gian qua là những dấu ấn quan trọng và rất đỗi tự hào. Đó cũng là cơ sở vững chắc, là động lực tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, lao động cần cù, sáng tạo và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày