Thứ 6, 29/03/2024, 04:01[GMT+7]

Tiểu đoàn trưởng Bảy Triều

Thứ 6, 30/04/2021 | 10:50:10
12,298 lượt xem
Nhắc về ngày 30 tháng 4 lịch sử, nhắc về những năm tháng gian lao, khốc liệt, cựu chiến binh Phạm Hải Triều ở số nhà 502, đường Long Hưng, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình tự hào trong cuộc đời quân ngũ của mình đã có gần mười năm tham gia lực lượng đặc công Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ông vinh dự được tham gia trận đánh cuối cùng và chứng kiến giây phút lịch sử của dân tộc “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà.

Cựu chiến binh Phạm Hải Triều và kỷ vật hoạt động trong lực lượng đặc công Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ.

“Bảy Triều” là tên do bà má miền Nam Huỳnh Thị Nhương, còn gọi là má Sáu ở phường 1, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh đặt cho chiến sĩ đặc công biệt động nội thành con nuôi của má. Má Huỳnh Thị Nhương là mẹ đẻ nhà văn Bùi Đức Ái (Anh Đức), bà đã về cõi tiên ngày 15/7/1983, còn người con nuôi Bảy Triều của má có tên là Phạm Hải Triều, quê ở xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông Triều nhập ngũ tháng 10/1963 và được huấn luyện tại Binh chủng Đặc công, tháng 9/1967 vào chiến trường miền Đông Nam Bộ và được tham gia lực lượng đặc công Biệt động nội thành 354 (N10). Với riêng Bảy Triều, ông khắc cốt ghi tâm lời má Huỳnh Thị Nhương: “Má thương các con lắm! Thương mấy thằng bộ đội miền Bắc, nó xa nhà, xa bố mẹ, xa gia đình vào đây chiến đấu ác liệt lắm. Các con ơi! Má sợ dữ lắm. Chúng mày sinh đất Bắc đánh giặc phương Nam, lúc nào có nhiệm vụ cứ tìm về với má. Má sẽ luôn bên cạnh các con...”.

Ở tuổi 78, cựu chiến binh (CCB) Bảy Triều vẫn giữ được dáng vóc nhanh nhẹn, minh mẫn nhớ về những kỷ niệm của thời cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu của lực lượng đặc công Biệt động nội thành Sài Gòn. Ông Bảy Triều nhắc về má Huỳnh Thị Nhương - một nhân cốt của Đảng và lực lượng vũ trang, là cơ sở bí mật giúp đỡ cách mạng, giúp đỡ lực lượng đặc công Biệt động nội thành làm nên những chiến công, những trận đánh “xuất qủy nhập thần” bao lần làm kẻ thù khiếp đảm. 46 năm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ký ức của một thời chiến tranh và những kỷ niệm sâu sắc về sự hy sinh của đồng chí, đồng đội ở chiến trường trọng điểm “Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định” là hang ổ, là sào huyệt của bộ máy cai trị, đầu não ngụy quân, ngụy quyền và quân xâm lược Mỹ, là nơi rất nhiều lần Bảy Triều đối mặt với sự hy sinh, ở nơi mà lòng quả cảm của ông cùng đồng đội thực hiện phương châm “Đánh nở hoa trong lòng địch”, là nơi Bảy Triều và đồng đội được nhân dân chở che, đùm bọc như mẹ nuôi Huỳnh Thị Nhương ông luôn tôn kính phụng thờ.

CCB Bảy Triều kể: Tháng 10/1974, trên cương vị Phó Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Đặc công Gia Định, Bảy Triều được Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội 2 và 3 cùng một Trung đội trinh sát thực hành mở đường thông tuyến đưa lực lượng chủ lực của quân giải phóng xuống đứng chân ở vùng sâu gồm ba xã Quới Xuân, Thạch Lộc, Tân Thới Hiệp, quận Gò Vấp sát nách Sài Gòn. Đơn vị còn có nhiệm vụ “xây dựng căn cứ, mở rộng địa bàn hoạt động, quan hệ chặt chẽ với dân, điều nghiên trinh sát nắm địch, chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị hậu cần, sẵn sàng đánh địch khi có lệnh, hỗ trợ cho phong trào cách mạng ở địa phương”. 

Chỉ sau 2 ngày 3 đêm nhận nhiệm vụ, Bảy Triều đã chỉ huy đơn vị vượt lộ, luồn lách qua các đồn bốt địch, vượt sông Rạch Tra, xã Bình Mỹ, sân nhảy dù xã Đông Thạnh, rạch Bà Hồng, xã Nhị Bình... thông đường mở tuyến xuống địa bàn Gò Sao - Vườn Cau Đỏ. 

Ngày 12/3/1975, Bảy Triều trực tiếp chỉ huy tổ trinh sát gồm 6 người áp sát nhà tên thiếu úy Đực, tên ác ôn khét tiếng. Được tăng cường hai tổ đặc công gồm 9 chiến đấu viên bí mật luồn sâu bắt liên lạc với nhân cốt trong lực lượng phòng vệ dân sự, thu của địch 54 khẩu súng và nổ súng tiêu diệt tên ác ôn Đực, bắt sống 54 tên trong đại đội phòng vệ dân sự và tiến hành tuyên truyền, giáo dục chính sách khoan hồng của mặt trận giải phóng, rồi tha cho 54 tù binh về nhà. 

Đêm ngày 2/4/1975, trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Đặc công, Bảy Triều trực tiếp chỉ huy Đại đội 2 chia làm 3 tổ chiến đấu bí mật luồn sâu, áp sát Phân Chi Khu - Nhà làng xã Thới Tam cách trung tâm chi khu và quận lỵ Hóc Môn hơn 300 mét, đơn vị nổ súng bất ngờ tấn công tiêu diệt gọn lực lượng Phân Chi Khu và nhà làng gồm 75 tên địch, toàn bộ lực lượng của ta an toàn. 

Chiều ngày 20/4/1975, Tiểu đoàn trưởng Bảy Triều cùng chính trị viên tiểu đoàn Ba Niệm được nhận nhiệm vụ tại Sở chỉ huy cánh quân Tây Bắc Sài Gòn để đưa đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Bảy Triều được giao trọng trách đội trưởng kiêm Bí thư chi bộ đội điều nghiên chuẩn bị chiến trường, nhiệm vụ cụ thể: Xác định vị trí 2 cửa mở sân bay Tân Sơn Nhất, nắm địch trên tuyến lộ 15 đoạn từ ngã ba Đài Phát thanh Quán Tre đến ngã 5 Gò Vấp và cầu Chợ Mới. Xác định đường tiếp cận, vị trí tập kết, hướng, mục tiêu tiến công của Tiểu đoàn. Cấp trên yêu cầu phải hoàn thành nhiệm vụ và báo cáo quyết tâm chiến đấu của Tiểu đoàn chậm nhất chiều ngày 25/4/1975. Nhiệm vụ được giao nặng nề, mục tiêu rộng lớn, thời gian ngắn, Bảy Triều đã chỉ huy đồng đội ém mình, chui ống cống, nằm trong nghĩa địa, đội lục bình dưới lòng kênh rạch chịu đựng qua ngày với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. 

Đến 4 giờ sáng ngày 24/4/1975 đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Chỉ huy Tiểu đoàn đã báo cáo quyết tâm chiến đấu với Bộ Tư lệnh Quân khu. Tiểu đoàn của Bảy Triều được Quân khu bổ sung quân số và vũ khí trang bị, sẵn sàng chờ lệnh xuất kích... 

Lúc 24 giờ ngày 28/4/1975 đúng “giờ G”, Tiểu đoàn trưởng Bảy Triều ra lệnh cho Đại đội 2, Đại đội 3 đồng loạt cho nổ 36 quả mìn ĐH10 mở thông hai cửa làm lệnh cho cả cánh quân hướng Tây Bắc tấn công vào sào huyệt cuối cùng chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đại đội 1 thực hiện tiêu diệt các bốt của địch, đánh chiếm chốt giữ cầu Chợ Mới, phát triển quét sạch địch trên đường 15 đến Đài Phát thanh Quán Tre. Đại đội biệt động cùng trung đội trinh sát phối hợp với hỏa lực của Đại đội 4 phát triển theo trục lộ 15 đánh chiếm phân chi khu Thông - Tây - Hội, trại Nguyễn Cư Trinh, Thành Quân Cụ đến ngã 5 Gò Vấp. 

Đúng 5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lệnh tổng tiến công và tổng công kích vào Sài Gòn bắt đầu, Bảy Triều chỉ huy tiểu đoàn chia thành 2 mũi phát triển đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, giao cho Đại đội 2 đánh chiếm khu để máy bay của địch, Đại đội 3 đánh chiếm nhà ga, Đại đội 1 phát triển đến trại Đa Vít để phối hợp với “Ban liên hợp quân sự 4 bên” của ta. 8 giờ 45 phút, Tư lệnh Quân khu giao Tiểu đoàn trưởng Bảy Triều tổ chức lực lượng đánh sâu vào thành phố gồm các mục tiêu Ty Cảnh sát quận 3, Trung tâm Cảnh sát quốc gia quận 10, cư xá sĩ quan Bắc Hải, Trung tâm văn hóa Mỹ đường Ngô Thì Nhậm và Bệnh viện Vì dân, yêu cầu chiếm ngay kho thuốc, quản lý toàn bộ nhân viên, đón tất cả các thương binh đưa về đây điều trị. Tất cả các nhiệm vụ trên Bảy Triều đã chỉ huy đơn vị hoàn thành vào lúc 10 giờ 30 phút và đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Bảy Triều cùng các đồng đội xúc động, ôm nhau trong nước mắt rơi, thương nhớ các đồng đội đã ngã xuống trước giờ miền Nam toàn thắng. Cả một đêm tưng bừng, cả một đêm không ngủ, một khúc khải hoàn ca được đổi bằng máu xương và nước mắt của rất nhiều chiến sĩ và đồng bào. 

Ngay sáng ngày 1/5/1975, Bảy Triều chỉ huy tiểu đoàn về đứng chân ở ba phường “Tây Nhất, Tây Nhì, Tây Ba” quận Phú Nhuận làm nhiệm vụ quân quản thành phố. 

Tháng 3/1979, Bảy Triều chia tay Sài Gòn và đồng đội ra biên giới phía Bắc của Tổ quốc tiếp tục làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên cương và sau đó được điều động trở về công tác quân sự địa phương của tỉnh Thái Bình, giữ cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 856 Thái Bình. 

Sau 26 năm quân ngũ Bảy Triều đã trực tiếp chiến đấu, chỉ huy chiến đấu qua các chiến dịch vô cùng cam go, ác liệt. Chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, chiến dịch mùa xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và chiến dịch A78 giúp nước bạn Campuchia, Bảy Triều đã thực chiến và chỉ huy thực chiến hơn 50 trận đánh lớn nhỏ, cùng đồng đội lập nhiều chiến công xuất sắc, được tặng thưởng nhiều huân chương chiến công và bằng khen trong chiến đấu. 

Tháng 10/1989, Trung tá thương binh Phạm Hải Triều được Quân đội cho về nghỉ hưu. CCB Phạm Hải Triều tiếp tục tham gia công tác xã hội, Hội CCB Thành phố Thái Bình, Phó trưởng ban liên lạc truyền thống Bộ đội đặc công tỉnh Thái Bình, Trưởng ban liên lạc truyền thống đặc công Biệt động Sài Gòn - Gia Định tỉnh Thái Bình.

Nguyễn Công Liêm

Thành phố Thái Bình

Hà Thủy - 3 năm trước

Thật may mắn khi con đã từng được nghe câu chuyện của Bác cách đây 7 năm và giờ đây con lại được đọc thật chi tiết, khung cảnh ấy như tái hiện trong trí tưởng tượng của con. Mong Bác luôn sống khỏe như câu chuyện không bao giờ tắt của Bác.

Tải thêm