Thứ 6, 29/03/2024, 14:13[GMT+7]

Thái Bình: Tự hào quá khứ - vững bước đi lên

Thứ 6, 30/04/2021 | 11:30:41
11,146 lượt xem

Thành phố Thái Bình. Ảnh: Tiến Đạt

Những ngày này, trên khắp nẻo đường từ thành thị đến nông thôn đều rực rỡ sắc đỏ của cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021). Trong quá khứ, “Quê hương năm tấn” tự hào đã đóng góp cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến, cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hôm nay, mỗi người dân Thái Bình đều tự hào về sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ của quê hương.

Tự hào quá khứ

Năm 1965 khi vừa tròn 19 tuổi, ông Nguyễn Xuân Liêm, xã Thăng Long (Đông Hưng) tình nguyện lên đường nhập ngũ. Tháng 5/1972, khi đang học lớp đào tạo cán bộ sơ cấp, do yêu cầu thực tế của chiến trường, ông được điều về Binh chủng Tăng - Thiết giáp học công tác chỉ huy, điều hành trên xe tăng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đơn vị của ông đã tham gia chiến đấu giải phóng thị xã Phước Long, giải phóng Lâm Đồng, đánh Xuân Lộc - cửa ngõ vào Sài Gòn, đánh chiếm Trảng Bom, Hố Nai và sân bay Biên Hòa…, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, ông Liêm vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Anh hùng Nguyễn Xuân Liêm chia sẻ: Các trận đánh chúng tôi tham gia đều vô cùng cam go, ác liệt nhưng anh em trong đơn vị luôn xác định kiên trì, bình tĩnh bám trụ, chiến đấu đến cùng. Xe tăng của địch tiến ra thì chúng tôi chặn bắn, tiêu diệt. Trong quá trình lực lượng của ta vây ép địch không thể ngoan cố giữ được Xuân Lộc nên chúng phải rút lui bỏ chạy. Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam khiến cả thế giới phải nể phục. Chúng tôi luôn tự hào về điều đó.

Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn đã mở rộng, 5 cánh quân hừng hực khí thế tiến về Sài Gòn với một niềm tin tất thắng. Trong ký ức của cựu chiến binh Phạm Duy Đô, nguyên Đại đội trưởng Đặc công Đoàn M16 vẫn còn nhớ như in hình ảnh chiếc xe tăng T54 đi đầu húc vào cửa sắt dinh Độc Lập vào 11 giờ 10 phút.  

Ông Đô chia sẻ: Tôi và đồng đội cùng cầm cờ chạy lên ban công cao phía trước dinh Độc Lập, đứng phất cờ để báo hiệu cho quân ta tiếp tục tiến vào. Để rồi sau đó lá cờ do Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận được kéo lên cột cờ chính trước ban công đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, toàn thắng đã về ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình tự hào vì đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thái Bình đã huy động cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến; trên 21 vạn người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, là tỉnh có tỷ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc (18%); chi viện trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm, đóng góp gần 1,8 triệu ngày công cho tiền tuyến. 34.403 người con Thái Bình đã anh dũng hy sinh, 32.500 người đã hiến dâng một phần xương máu nơi chiến trường, gần 34.000 người nhiễm chất độc da cam/Điôxin. 

Ông Đỗ Quang Thường, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong mỗi thời khắc lịch sử, trong mọi chiến công của quân và dân cả nước đều có đóng góp của những người con Thái Bình. Sự hy sinh to lớn đó đã góp phần “làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”, tô thắm thêm cho lá cờ Tổ quốc và truyền thống vẻ vang, kiên cường, bất khuất, cách mạng của quê hương Thái Bình.

Đổi thay trên quê hương Trọng Quan (Đông Hưng).

Vững bước đi lên

Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của các thế hệ cha anh, 46 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực không ngừng xây dựng Đảng bộ, chính quyền vững mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu to lớn, vô cùng tự hào, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh đạt 8,66%. Năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 song GRDP của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng 3,23%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.100 USD, cao gấp 1,7 lần so với năm 2015. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cao gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2015. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 đạt 19.336,6 tỷ đồng, gấp 1,35 lần so với năm 2015. Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt 3 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. 100% dân cư nông thôn được cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, vượt 2 năm so với mục tiêu Đại hội XIX. Diện mạo từ thành thị đến nông thôn có sự đổi thay toàn diện theo hướng văn minh, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,35%. 

Trong những năm qua, Thái Bình đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các tỉnh duyên hải Bắc Bộ, tạo điều kiện để thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào tỉnh, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, Khu kinh tế Thái Bình đang được đầu tư xây dựng đã nâng tầm vị thế của tỉnh trong khu vực và đưa Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu của 5 khu chức năng và chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khu công nghiệp Liên Hà Thái với quy mô gần 600ha trong Khu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đang triển khai đầu tư hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là thu hút các nhà đầu tư có năng lực.

Thời điểm này, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX với những giải pháp đồng bộ, cách làm sáng tạo, chương trình hành động bài bản, khoa học, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, quyết tâm tạo bứt phá ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ, phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. 

Ông Vũ Hồng Thái, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thái Bình, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh chia sẻ: Chúng tôi tự hào về một thời oanh liệt “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” góp phần để đất nước Việt Nam có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay và càng tự hào khi thấy quê hương Thái Bình ngày càng đổi mới và phát triển, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Quá khứ hào hùng, những dấu son lịch sử vẫn còn mãi, trở thành điểm tựa vững chắc cho mỗi bước đi trên trong hành trình phát triển của Thái Bình hôm nay và mai sau. Những thành tựu mà Thái Bình đã đạt được sẽ cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh để mỗi người dân không ngừng phấn đấu, ra sức thi đua, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng “Quê hương năm tấn” ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguyễn Hình - Tất Đạt