Thứ 6, 29/03/2024, 13:37[GMT+7]

Làm giàu từ nuôi ốc nhồi giống

Thứ 2, 12/07/2021 | 09:09:20
7,564 lượt xem
Gần 10 năm nay, nhiều hộ dân xã Hồng Lý (Vũ Thư) nuôi ốc nhồi thương phẩm cho thu nhập khá và ổn định. Cùng nuôi ốc nhồi nhưng anh Lê Mạnh Cường, thôn Gia Lạc, xã Hồng Lý lại chọn hướng đi riêng là nuôi ốc nhồi giống. Hiệu quả mô hình nuôi ốc nhồi giống được khẳng định bằng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Lê Mạnh Cường thu về bình quân 300 triệu đồng/năm từ nuôi ốc nhồi giống.

Từng làm trong lĩnh vực cơ khí, năm 2017, anh Cường rời thành phố về quê tiếp quản 1 ao nhỏ nuôi ốc nhồi thương phẩm từ bố mẹ mình. Tuy nhiên, anh chọn hướng đi sản xuất ốc giống chứ không nuôi ốc thương phẩm bởi theo anh, nhu cầu ốc giống rất lớn trong khi nguồn cung hạn chế. Anh mượn thêm 1 ao khác không sử dụng của gia đình vợ, đưa tổng diện tích ao nuôi đạt trên 1.000m2 đầu tư, nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất ốc giống, thả trên 1 vạn ốc bố mẹ. Theo chu kỳ, mỗi năm ốc bố mẹ sẽ có thời kỳ nghỉ đông, đến tháng 4, ốc bắt đầu đẻ trứng, thời kỳ đẻ trứng kéo dài đến khoảng tháng 11. Hàng ngày, vào sáng sớm, anh Cường tỉ mỉ, khéo léo thu lượm toàn bộ trứng ốc ở ao mang về ương ở khu vực riêng, bảo đảm nhiệt độ từ 25 - 30oC. Vào mùa hè, nhiệt độ cao, anh sử dụng các biện pháp làm mát như phủ khăn vải ẩm, quạt hơi nước; vào mùa đông, anh sử dụng lò ấp điện để ấp trứng; anh lưu ý tránh gió Tây thổi vào làm hỏng trứng. Nhờ chịu khó tìm hiểu, rút kinh nghiệm, tỷ lệ trứng ốc nở đạt khoảng 90%. Sau khi trứng nở, anh phân loại ốc con theo độ tuổi, nuôi ở từng tráng riêng trong ao. Khu vực ao nuôi ốc con anh luôn chú ý vì chỉ cần 1 con chuột hay một vài con cá rô, cá rô phi, cá chuối ở ao nuôi, chúng sẽ nhanh chóng ăn hại hàng vạn ốc con chỉ trong 1 đêm.

Anh Cường nuôi ốc nhồi giống trong ao nhân tạo.

“Khâu quan trọng nhất trong nuôi ốc nhồi và ốc nhồi giống là bảo đảm nguồn nước tại ao nuôi sạch sẽ, vệ sinh. Vì vậy, mỗi năm, sau khi hết mùa thu hoạch ốc giống, tôi thường tát cạn ao, dùng vôi bột khử trùng, phơi khô bùn ở đáy ao, xử lý đáy ao thật kỹ mới đưa lứa ốc mới vào nuôi thả. Thức ăn của ốc rất đơn giản, chỉ cần bèo tấm, hoa quả hỏng như mít, đu đủ, mướp nhưng cần bảo đảm không có hóa chất vì nếu ốc ăn phải các loại hoa quả có sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản sẽ khiến ốc chết hàng loạt. Khi cho ăn, tôi cũng chú trọng lượng thức ăn cho ốc vừa đủ, tránh dư thừa làm ô nhiễm nước trong ao nuôi. Ngoài ra, định kỳ 2 tuần/lần tôi bổ sung men vi sinh, cân bằng môi trường nước ao nuôi và bổ sung các vi chất dinh dưỡng thông qua thức ăn để ốc bố mẹ và ốc con tăng sức đề kháng, khỏe mạnh, ít bệnh. Mùa hè, nhiệt độ nước ao nuôi rất cao, tôi tăng lượng nước trong ao, sử dụng lưới đen che phủ, làm mát mặt ao; nhưng về mùa đông, giá rét, sương muối, có khi chỉ để mực nước trong ao từ 2 - 3cm và phải che chắn tránh sương muối làm hại ốc. Nhìn chung, nuôi ốc nhồi giống tương tự như chăm con mọn, phải thật sự kiên trì, tỉ mỉ, chịu khó tìm hiểu, thử nghiệm và phải đam mê, tâm huyết lắm mới có thể bám trụ được” - anh Cường chia sẻ.

Ngoài chịu khó tìm hiểu đặc tính sinh trưởng phát triển, kỹ thuật nuôi ốc nhồi giống, anh Cường còn nhạy bén ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm ốc giống, ốc thương phẩm trên mạng xã hội. Nhờ đó, sản phẩm ốc giống của anh được khách hàng ở thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước biết đến và tiêu thụ khá thuận lợi. Với hơn 1 vạn ốc bố mẹ, mỗi năm anh Cường xuất ra thị trường hơn 100 vạn con ốc giống. Tùy từng thời điểm trong năm, giá ốc giống đầu vụ thường đạt 5 - 5,5 triệu đồng/vạn con, cuối vụ thường đạt 2,5 triệu đồng/vạn con. Với hơn 100 vạn con ốc giống, trừ chi phí sản xuất, anh thu về bình quân 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tại ao nuôi, anh kết hợp nuôi thêm từ 6 - 8 vạn con ốc thương phẩm, thu về từ 2 - 2,5 tấn ốc, tạo thêm nguồn thu từ 150 - 170 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, mô hình nuôi ốc nhồi giống của anh Lê Mạnh Cường còn góp phần đáp ứng nhu cầu ốc giống cho nông dân địa phương nuôi ốc thương phẩm và bảo tồn giống ốc nhồi hay còn gọi là ốc bươu ta ngày càng hiếm gặp trên đồng ruộng và ao hồ nông thôn hiện nay.

Quỳnh Lưu