Thứ 4, 08/01/2025, 23:39[GMT+7]

Đổi thay ở “Làng kiểu mẫu”

Thứ 2, 23/08/2021 | 10:13:42
12,039 lượt xem
Làng Nguyễn xưa - xã Nguyên Xá (Đông Hưng) nay vốn bình dị nhưng khi Tổ quốc cần đã vùng lên rào làng kháng chiến, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, trở thành “Làng kiểu mẫu”, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nguyên Xá ngày càng đổi mới.

Mảnh đất anh hùng

Khi thực dân Pháp tràn về chiếm đóng Thái Bình, người dân Nguyên Xá không chỉ “sáng rối, tối chèo” mà đem sức người, sức của cùng nhau đào hào, đắp lũy, đánh mống tre, xây ụ chiến đấu để xây dựng làng kháng chiến, biến Nguyên Xá thành pháo đài bất khả xâm phạm. Chỉ hơn 1 tháng lao động khẩn trương, quân và dân Nguyên Xá đã hoàn thành khối lượng trên 16.000m2 đất đào đắp, 13,2km giao thông hào, 24,7km lũy tre hóa, gần 25.000 hố hầm cá nhân quanh làng. Quân và dân Nguyên Xá còn thực hiện tốt lệnh “tiêu thổ kháng chiến” của trung ương, phá bỏ nhiều đoạn đường, cầu cống, nhà cửa để địch không thể xây dựng căn cứ quân sự hoặc làm nơi đóng quân, trú ẩn. 

Ông Nguyễn Như Ngô, 89 tuổi, thôn Đề Quang, xã Nguyên Xá, thành viên đội quân báo năm xưa tự hào kể: Dù nằm lọt giữa vòng vây của địch song ngay từ những trận càn đầu tiên của chúng, quân và dân Nguyên Xá đã chiến đấu ngoan cường làm thất bại chính sách “giết sạch, đốt sạch, phá sạch” nhằm triệt hạ làng Nguyễn của thực dân Pháp. Với tiếng kèn đồng rền vang của du kích làng Nguyễn, quân chủ lực của ta ở nhiều nơi đạp lũy xông ra truy kích quân địch, tiêu diệt hàng chục tên, thu nhiều vũ khí, mở ra triển vọng mới cho chiến thuật đánh giặc liên hoàn giữa các xã trong vùng du kích. 

Với nhiều chiến công xuất sắc, nhân dân và lực lượng vũ trang Nguyên Xá đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ ghi 5 chữ vàng: “Nguyên Xá - Làng kiểu mẫu”, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nguyên Xá còn có vinh dự 2 lần được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, động viên. Sự quan tâm, động viên, khích lệ của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Thái Bình nói chung, xã Nguyên Xá nói riêng đánh thắng mọi kẻ thù, vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập. Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được gấp rút hoàn thiện tại xã Nguyên Xá là tình cảm đặc biệt, sự tri ân của cán bộ, nhân dân quê lúa với vị tướng tài của dân tộc.

Không ngừng đổi mới

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, bức tranh làng quê Nguyên Xá hôm nay đã mang một gam màu tươi sáng: sản xuất phát triển - đời sống sung túc - diện mạo sạch sẽ - thôn xóm văn minh - quản lý dân chủ. Với sự vào cuộc quyết liệt, sự đồng thuận, ủng hộ tinh thần, vật chất của các tầng lớp nhân dân, Nguyên Xá đã cơ bản hoàn thành 11 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, đang chờ tỉnh thẩm định. 

Theo ông Nguyễn Đăng Dần, Chủ tịch UBND xã: Địa phương xác định phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương phát triển kinh tế từ 3 trụ cột: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại, dịch vụ và nông nghiệp. Là xã có nghề truyền thống sản xuất bánh cáy, xã tạo điều kiện và khuyến khích các hộ duy trì, mở rộng nghề này, đồng thời sản xuất thêm nhiều loại bánh khác như kẹo dồi, kẹo lạc, bánh dẻo, bánh nướng... Toàn xã hiện có khoảng 1.500 hộ làm bánh kẹo, trong đó 95 cơ sở sản xuất, kinh doanh quanh năm với số lượng bánh kẹo lớn. Các hộ chủ động tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất, giảm công lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, mỗi năm xuất bán hàng nghìn tấn bánh kẹo các loại. 

Anh Trần Văn Đức, chủ xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức cho biết: Bình quân mỗi tháng xưởng sản xuất 8 tấn bánh, những tháng cao điểm giáp tết sản xuất 14 - 15 tấn bánh/tháng. Xưởng giải quyết việc làm cho 70 - 100 lao động địa phương. Sản phẩm bánh cáy của xưởng vừa được công nhận sản phẩm OCOP. Đây là cơ hội để xưởng cũng như các hộ sản xuất bánh kẹo trong xã tiếp tục đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu bền vững, làm giàu cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Bên cạnh nghề truyền thống, xã tích cực thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn, lấp đầy cụm công nghiệp Nguyên Xá. Đến nay, toàn xã có 4 công ty, 7 cơ sở sản xuất lớn và 418 hộ cá thể, tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.800 lao động, thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 song 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản của xã vẫn đạt gần 199 tỷ đồng.

Trước kia, thương mại, dịch vụ của Nguyên Xá không mấy phát triển thì nay chiếm tỷ trọng trên 36% trong cơ cấu kinh tế. Hầu hết các hộ ven quốc lộ 39 đều tận dụng thế mạnh về giao thông, giáp thị trấn Đông Hưng để buôn bán, làm dịch vụ vận tải... Toàn xã có trên 350 hộ kinh doanh và làm dịch vụ, tạo việc làm cho trên 450 lao động. Giá trị ngành thương mại, dịch vụ của xã 6 tháng đầu năm cũng đạt trên 126 tỷ đồng. Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân Nguyên Xá  thay đổi tư duy, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn rộng 50ha và 1 cánh đồng 4 vụ/năm với diện tích 6ha, ứng dụng tiến bộ, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng với gần 70% diện tích cấy máy mạ khay, trở thành xã có năng suất lúa dẫn đầu huyện.

Tượng đài du kích làng Nguyễn.

Nguyên Xá hôm nay đã có nhiều đổi mới, xóm làng sầm uất với những ngôi nhà cao tầng san sát, đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Tượng đài du kích làng Nguyễn nằm ngay trong khuôn viên trụ sở xã là niềm tự hào, nhắc nhở các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, đoàn kết, nỗ lực xây dựng “Làng kiểu mẫu” xưa sớm trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Thu Hiền - Tất Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày