Thứ 2, 25/11/2024, 04:00[GMT+7]

Cuộc sống mới ngày trở về

Thứ 3, 16/11/2021 | 22:25:48
8,367 lượt xem
Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều công dân tỉnh Thái Bình vì những lý do khác nhau buộc phải trở về nhà, nơi mà vài năm trước họ tạm biệt gia đình đi tìm cuộc sống mới. Đối với nhiều người ngày trở về có thể là hụt hẫng, là thất vọng. Nhưng trong cái khó, vẫn thấy những hy vọng, những cơ hội mở ra đối với những con người có ý chí, có niềm tin và tràn đầy nhựa sống.

Tấm ảnh kỷ niệm chụp trong phòng cách ly tập trung của gia đình em Đoàn Quốc Cường, quê xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình)

Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in câu nói đầy âu lo, phấp phỏng của cậu thanh niên sinh năm 1997 Đoàn Quốc Cường, quê xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải vào đêm 13/10 vừa qua từ thành phố Hồ Chí Minh: “Con chào chú ạ! Chú ơi, vợ con đang mang bầu. Đã đăng ký nguyện vọng về quê trên cổng thông tin (đăng ký tại xã Nam Hồng) theo căn cước công dân, nhưng hiện tại hộ khẩu ở xã Nam Hải nên chưa được chấp nhận. Con thì xong thủ tục rồi. Mong chú nói giúp chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hai vợ chồng con về cùng đợt này”. Sau cuộc trao đổi ngắn trong đêm với các đồng chí lãnh đạo địa phương, ngày hôm sau trường hợp của vợ chồng Cường đã được giải quyết.

Ngày 17/10, chuyến tàu Thống Nhất số hiệu SE 14 xuất phát từ ga Sài Gòn dừng bánh trên sân ga Nam Định, đưa những công dân đầu tiên của tỉnh Thái Bình (trong đó có vợ chồng Cường cùng cô con gái nhỏ) hồi hương tránh dịch. Cường tâm sự thật lòng: “Vợ con làm công nhân, còn bản thân làm cho Công ty bất động sản Hoàng Hưng Thịnh. Dịch bị nghỉ việc và cắt lượng 4 tháng nay”. Chàng trai cho biết, trước học ngành kỹ thuật, đang làm ở Hà Nội khá ổn, nhưng nghĩ thành phố Hồ Chí Minh dễ sống nên vào đây, ai ngờ vướng dịch. “Trong đầu vẫn nghĩ sẽ quay lại Sài Gòn chứ”. Tôi hỏi. “Chưa chắc chắn có quay lại không chú vì nếu ngoài này làm ăn ổn không vô nữa chú ạ”. Cường trả lời.

Trong câu chuyện của mình, Cường bật mí: Nhà có 4 anh chị em, ba mẹ gần đây cũng thúc dục trở về. Ngoài này nhiều việc, nhất là làm kỹ thuật như Cường, còn bà xã xin vào Công ty may cũng ổn. Sáng 3/11, gia đình Cường chính thức hoàn thành cách ly theo quy định. Cậu thanh niên sinh năm 97 nói dí dỏm: “Hôm qua vợ chồng con đi xét nghiệm để được trở về nhà. Hồi hộp lắm ạ vì chỉ sợ 2 vạch có bầu”.

Cũng trở về từ tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày đầu tháng 10 vừa qua, cô gái trẻ Vũ Thị Việt Hà quê phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) cùng chồng và con nhỏ 2 tuổi đang bắt đầu cuộc sống bình thường mới. Hà tâm sự rằng, sẽ về hẳn và không quay lại thành phố Hồ Chí Minh bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, ông bà bên nội bên ngoại ở Thái Bình. Thứ hai, anh xã đã tìm được công việc ổn định ngay trên quê nhà. Có lẽ, đối với vợ chồng Hà, sự trở về lần này chỉ là may rủi của  cuộc sống. Cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Cặp đôi từng có 4-5 năm bám trụ ở Sài Gòn lập nghiệp. Hà học thủy lợi rồi làm tư vấn cho một Công ty tư nhân, anh xã đang hợp đồng tại bệnh viện Trưng Vương. Chắt chiu, dành dụm từng ấy năm, đôi vợ chồng trẻ cũng mua được mảnh đất tại Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Nhưng rồi dịch bệnh ập đến, cuộc sống khó khăn hơn và họ quyết định trở về quê sinh sống. Rất may mắn cho gia đình Hà, anh xã với hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc tại bệnh viện, hiện đang đầu quân cho một phòng khám đa khoa tư nhân tại huyện Tiền Hải với chức danh giám đốc điều hành. Còn Hà cũng đang tính dần, trước mắt là xin việc tại thành phố hoặc khu vực huyện Kiến Xương, Tiền Hải để dễ bề đi về trong ngày.

Hà Minh Toản (bên trái) quê thôn Gia Lễ, xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) bên các con trong ngày trở về sau dịch.

Làn sóng dịch thứ 4 vừa qua đang làm cho nhiều người buộc phải thay đổi cách nghĩ, cách sống và tự chuyển hóa để thích nghi theo lẽ tự nhiên. Hà Minh Toản, sinh năm 1986, quê thôn Gia Lễ, xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) là một ví dụ như vậy. Vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống hơn 17 năm nay, Toản khởi đầu bằng việc học sửa chữa ô tô vì nhà có gara. Sau đó, đi học công nghệ thông tin rồi vào làm trong ngành du lịch, nhà hàng. Cuối cùng bén duyên, gắn bó và mở quán, lúc cao điểm sở hữu 7 quán ăn, nhưng rồi đóng dần, đóng dần do những khó khăn về tài chính. Đợt dịch Covid-19 lần này kéo dài nhiều tháng khiến Toản lao đao không trụ nổi và đi đến quyết định quay về Thái Bình. “Em đang tìm cách ở lại cho gần gia đình. Chứ đi xa phát triển cũng tốt, nhưng dịch hoành hành giữ như này thì cũng về số 0. Lựa chọn về quê làm lại từ đầu anh ạ”. Toản cho biết.

Toản có hai nhóc, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi. Đợt chưa có dịch em cho con về chơi hè, ngay sau đó dịch bùng phát mạnh nên hai bé ở nhà với ông bà nội học luôn đến giờ. Do đi xa lâu ngày, đường xá chưa quen nên mấy ngày nay Toản đi theo chú em gần nhà làm tiếp thị cho thông thuộc địa bàn và thâm nhập tìm cơ hội cho riêng mình. Toản cho hay, ba mẹ muốn em về lâu rồi. Chỉ có điều ra đi 17 năm trời, giờ về làm lại từ đầu chắc sẽ rất gian nan, nhưng em nghĩ em sẽ vượt qua được. Tôi rất tâm đắc với cách suy nghĩ lạc quan của Toản. Cậu nói, Sài Gòn cơ hội nhiều và cạnh tranh cũng nhiều. Thái Bình cơ hội ít nên sự cạnh tranh cũng dễ thở hơn. Nếu nắm bắt được thì sống sung túc em nghĩ được anh ạ!

Những câu chuyện vừa kể có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng tựu chung đều ánh lên niềm tin và hy vọng về một cuộc sống cộng sinh hài hòa với dịch bệnh. Nỗ lực vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình bằng trí tuệ và sự lạc quan, tràn đầy năng lượng luôn đem đến cho mỗi người một tâm thế chủ động, sẵn sàng thích nghi với cuộc sống mới ngày trở về.

MAI TÚ

Hà Minh Toản - 3 năm trước

Trân trọng cảm ơn Phóng viên, Nhà báo MAI TÚ đã cho lên sóng một trong những số hoàn cảnh từ việc phải tha phương đến khi ngộ ra và trở lại quê nhà lập nghiệp, nơi chôn nhau cắt rốn đầy ký ức. Kính chúc anh và gia đình luôn mạnh khoẻ và gặp nhiều may mắn. Kính chúc bà con tỉnh nhà ngày một thành đạt và thành đạt hơn nữa kể cả khi lập nghiệp ở trong và ngoài tỉnh

Tải thêm