Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm (31/12/1966 - 31/12/2021) Địa chỉ đỏ trên quê hương cách mạng
Xuôi theo tỉnh lộ 223, chúng tôi tìm về địa chỉ đỏ Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, giữa những ngày cuối năm vàng nắng. Trên khuôn viên rộng 5.000m2, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng với kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ kết hợp những yếu tố hiện đại với bốn hạng mục: hồ sen, nhà trưng bày hiện vật, nhà khách và ngôi nhà lá 6 gian nơi Bác nghỉ chân giữa rợp bóng cây xanh. Năm 1986, Khu lưu niệm đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nơi đây ghi dấu chân Người và những tình cảm thiêng liêng của Hồ Chủ tịch dành cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình lúc sinh thời. Giữa nhà trưng bày, bức tượng đồng tạc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua làn khói hương như uy nghiêm mà hiền hậu. Hình bóng Người như lan tỏa trong từng hình ảnh hiện vật của Bác về thăm Thái Bình, vẫn còn đây chiếc thuyền gỗ đưa Bác qua bến đò cống Vực tối ngày 31/12/1966, còn đây phích nước, bộ ấm chén, gạt tàn thuốc lá, chiếc mũ, đôi dép cao su, chiếc đèn bão... những hiện vật bình dị của Người đã dùng khi nghỉ lại Tân Hòa. Qua khu nhà trưng bày, sân gạch nhỏ dẫn xuống căn nhà lá 6 gian, địa điểm làm việc và sinh hoạt của Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Ðông giai đoạn 1966 - 1967. Trong không gian tĩnh mịch giữa căn phòng nhỏ, chiếc bàn làm việc, giường gỗ đơn sơ nửa thế kỷ trôi qua như còn ấm hơi Người.
Ông Phạm Văn Đát, người cán bộ già gần 20 năm gắn bó, trông coi Khu lưu niệm chia sẻ: Giữa lúc đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc nhưng nghe tin Thái Bình sản xuất giỏi, Bác đã về thăm, đây là lần thứ năm, cũng là lần cuối cùng Bác về thăm quê hương năm tấn. Khi Bác về đến nơi đã hơn 20 giờ. Lần trở lại thăm Thái Bình này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhận thấy Bác đã yếu hơn trước nhiều. Ai cũng lo cho sức khỏe của Bác. Nhưng Bác nói chỉ cần nghỉ ngơi một chút cho lại sức. Khoảng 15 phút sau, các đồng chí phục vụ đã chuẩn bị cơm nước xong, Bác tươi cười mời mọi người cùng ăn cơm. Bác mời đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lê Thị Định cùng ngồi bên Bác. Mọi người đều ăn cơm nấu. Riêng Bác vẫn ăn cơm nắm, “tiêu chuẩn” giản dị của Người khi đi công tác. Mặc dù đồng chí Định khẩn khoản mời, Bác vẫn không ăn cơm nấu. Bác nói: “Bác ăn cơm nắm quen rồi!”... Tại ngôi nhà lá trong nơi sơ tán của Tỉnh ủy, Bác đã nói chuyện với các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân. Đêm đó, Bác làm việc tới tận 1 giờ sáng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải mời Bác đi ngủ. Buổi sáng đầu năm mới 1967, Bác đã dậy rất sớm, xách đèn bão đi chúc tết mọi người: “Năm mới, Bác chúc tết các đồng chí!” và sang Đình Phương Cáp nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thái Bình.
Sau khi Bác đi xa, tưởng nhớ đến tình cảm và công lao to lớn của Bác, Tỉnh ủy đã quyết định bảo vệ, giữ gìn khu sơ tán, đồng thời trưng bày, giới thiệu những tài liệu, hiện vật, hình ảnh thể hiện tình cảm của Bác đối với Ðảng bộ, nhân dân Thái Bình và tình cảm của nhân dân Thái Bình đối với Người. Nơi đây vinh dự được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn quy hoạch xây dựng thành Khu lưu niệm Bác Hồ. Hiện nay, Khu lưu niệm Bác Hồ đang là nơi lưu giữ những kỷ vật của 5 lần Bác về thăm Thái Bình, trở thành nơi hội tụ, niềm tin, lòng kính yêu vô hạn của các thế hệ người dân Thái Bình với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Căn nhà lá tại Khu lưu niệm Bác Hồ (xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư).
Vinh dự được đón Bác về thăm, thực hiện mong ước của Bác “Thái Bình có nhiều tiến bộ, Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”, Đảng bộ xã Tân Hòa đã phát động phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ, toàn dân, ra sức lao động sản xuất, công tác, học tập đạt thành tích cao nhất. Tân Hòa đã giành thắng lợi toàn diện trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, chi viện cho miền Nam, cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Bằng tư duy sáng tạo và tinh thần đổi mới, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin và sức mạnh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ từ tỉnh, huyện và các nguồn vốn xã hội hóa, năm 2015, Tân Hòa đã cán đích xã nông thôn mới, giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,26%/năm. Đảng bộ liên tục đạt trong sạch, vững mạnh, an ninh chính trị được giữ vững, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Ông Bùi Công Trứ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa cho biết: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Tân Hòa luôn cố gắng vươn lên để xứng đáng với truyền thống cách mạng của một vùng quê anh hùng. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Tân Hòa đã hưởng ứng thực hiện với tình cảm đặc biệt, tạo nên động lực mới để quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh. Cùng với việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước, trên mảnh đất ghi dấu chân Bác về thăm, kết cấu hạ tầng nông thôn mới được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, mức sống của người dân từng bước được cải thiện, chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một nâng cao. Năm 2021, trước ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, song với tinh thần vượt khó vươn lên, kinh tế - xã hội địa phương có bước phát triển khá, tổng giá trị sản xuất ước đạt 403,1 tỷ đồng, tăng 11,48%, năng suất lúa cả năm đạt 121 tạ/ha, thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,6%, 100% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh... Năm 2021, xã Tân Hòa được huyện chọn là 1 trong 4 xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao, hiện tại địa phương đang đẩy mạnh thi công, hoàn thiện một số công trình như đường trục thôn, phòng học trường mầm non, nhà văn hóa thôn, với tinh thần thi công bảo đảm chất lượng, an toàn và đúng tiến độ, phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất.
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng anh hùng, trong công cuộc đổi mới, nguồn sức mạnh của những dấu son lịch sử hơn nửa thế kỷ vinh dự được đón Bác về thăm như điểm tựa để đất và người Tân Hòa chung sức, đồng lòng cùng nhân dân Thái Bình viết nên những trang sử mới.
Minh Hưng
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024