Thứ 4, 08/01/2025, 01:42[GMT+7]

Bỏ phố về quê trồng rau hữu cơ

Thứ 3, 14/12/2021 | 08:37:41
3,789 lượt xem
Vùng đất bãi rộng 32ha ven sông Hồng thuộc địa phận xã Hồng Phong (Vũ Thư) được anh Nghiêm Đình Hào thuê từ năm 2018. Nằm biệt lập với vùng sản xuất của người dân, xa khu dân cư, anh coi đây là điều kiện thuận lợi để cải tạo đất, sản xuất theo hướng hữu cơ.

Mỗi tuần anh Hào thu hoạch rau một lần, bán với giá trung bình 35.000 đồng/kg.

 Khác so với những mô hình tích tụ ruộng đất mà chúng tôi từng được tìm hiểu, ngoài diện tích trồng rau an toàn được đầu tư, bố trí khoa học, vùng trồng bưởi, chuối như khu sinh thái, cỏ mọc um tùm như chưa hề có bàn tay chăm sóc của con người. Khi được hỏi về lý do, động lực khiến anh lựa chọn từ bỏ cuộc sống an nhàn, sung túc tại Hà Nội để dấn thân vào nông nghiệp, anh chia sẻ: Tôi tham gia vào nhóm “Nông dân sân thượng” trên mạng xã hội Facebook, không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng rau sạch, rau an toàn tại nhà, thông qua nhóm tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân rất lớn, nhất là trong bối cảnh thực phẩm độc hại và không rõ nguồn gốc tràn lan, khó kiểm soát như hiện nay. Tôi luôn nung nấu ý tưởng sẽ thuê đất trồng rau, củ sạch để phục vụ gia đình, người thân. Tình cờ qua bạn bè, tôi thuê được 32ha đất bãi tại xã Hồng Phong. Ban đầu tôi trồng rau với diện tích nhỏ phục vụ gia đình và rồi càng làm càng say, khát khao thay đổi cách làm nông nghiệp đã cũ của bà con thôi thúc tôi mở rộng từ 1,2 mẫu lên 10 mẫu, diện tích còn lại tôi trồng bưởi, chuối.

Theo anh Hào, suốt quá trình dài canh tác, nông dân chạy theo sản lượng, sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trở thành vòng luẩn quẩn khiến đất đai chai lì, thiếu dinh dưỡng, ngày càng kiệt quệ, hệ sinh thái của đất bị biến dạng... Vì vậy, cần phải xác định lấy cái gì của đất thì phải trả lại cái đó, để gìn giữ cho thế hệ mai sau. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hình thức sản xuất có quy trình chặt chẽ, bảo đảm hệ sinh thái, luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt “6 không”: không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không kích thích sinh trưởng, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không chất bảo quản. Mặt khác, cỏ phải được nhổ bằng tay. Quanh khu vực là hàng rào đệm được trồng cỏ để ngăn các chất vô cơ của đất liền kề xâm nhập... Với quy trình đó, sản phẩm hữu cơ không chỉ an toàn cho cả người sử dụng và người sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Anh Hào lắp đặt hệ thống ống tưới nhằm tiết kiệm lao động, nước.

Anh Hào chia sẻ: Lựa chọn canh tác theo hướng hữu cơ, người sản xuất cần xác định mất ít nhất từ 2 - 3 năm để cải tạo đất, vì vậy năng suất cây trồng, hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng làm nông nghiệp hữu cơ sẽ được về sau, đất đai được cải tạo tăng độ phì nhiêu, hệ sinh thái cân bằng giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Cũng vì thế, tại Thái Bình chưa nhiều mô hình sản xuất theo hướng này, hình thành tự phát, không quy vùng tập trung nên phát triển thiếu bền vững. Hiện tại, do đang trong quá trình cải tạo đất nên sản phẩm của tôi chưa được gọi là hữu cơ nhưng với quy trình canh tác an toàn, rau thu hoạch đến đâu được khách hàng chủ yếu là thành viên trong nhóm “Nông dân sân thượng” đặt mua với giá bán trung bình 35.000 đồng/kg.

Định hướng mang tính dài hơi mà anh Hào hướng tới là xây dựng vùng sản xuất rau màu hữu cơ diện tích từ 8 - 10ha, có mã số vùng trồng, đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc, chế biến rau, củ sấy khô xuất khẩu, từ đó lan tỏa ra cộng đồng nhằm góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày