Thứ 2, 25/11/2024, 03:43[GMT+7]

Người tạo việc làm giúp nông dân “ly nông bất ly hương”

Thứ 7, 25/12/2021 | 10:06:49
4,361 lượt xem
Đó là ông Phạm Bá Hợp, sinh năm 1963, là hội viên nông dân thôn Trung Quý, xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương. Ông đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì và phát triển nghề mây tre đan trở thành một nghề chính, gắn liền với đời sống của rất nhiều người nông dân trong xã.

Ông Phạm Bá Hợp (áo xanh) giới thiệu sản phẩm mây tre đan với lãnh đạo Hội nông dân tỉnh. Ảnh tư liệu.

Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, năm 1987 ông Phạm Bá Hợp bắt đầu nối nghiệp truyền thống của gia đình làm nghề mây tre đan. Thời gian đầu, ông tham gia làm thợ kỹ thuật cho một số cơ sở mây tre đan trong xã. Sau thời gian dài làm kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, rồi từ thợ lành nghề ông trở thành chủ cơ sở lớn, làm đầu mối tiếp nhận cho nhiều cơ sở vệ tinh và các hộ gia đình làm mây tre đan ở địa phương.

Nói về những khó khăn trong quá trình phát triển nghề, ông Hợp cho biết: Sau một thời gian duy trì, số lượng đơn đặt hàng của cơ sở giảm dần, một phần do nhu cầu xã hội, một phần do chất lượng sản phẩm không bảo đảm, không bán được, công lao động thấp nên người dân trong xã không còn mặn mà với nghề. Điều này xảy ra không chỉ ở cơ sở của tôi, mà mấy cơ sở lớn trong xã cũng rất khó khăn, nhất là tìm kiếm đơn hàng mới, lúc đó tưởng chừng như nghề mây tre đan mai một đi…

Nhưng không vì thế mà ông buông xuôi, rút kinh nghiệm từ việc sản phẩm sản xuất ra phải bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, ông quyết tâm đầu tư công sức để tìm kiếm các đơn vị có các mặt hàng bảo đảm theo thị hiếu người tiêu dùng và xu thế xã hội. Bên cạnh đó, ông xác định phải tuân thủ nghiêm ngặt quá trình sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, bảo quản sản phẩm. Từ đó, ông đã mạnh dạn đưa những mẫu mã hàng mây tre đan để làm các sản phẩm nội thất như bàn, ghế và đa dạng các hình dáng đan như hình mắt cáo, caro, hình quả trám... về địa phương. Ngoài ra ông còn đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào các công đoạn sản xuất mây và bảo quản sản phẩm như ngâm, tẩy, phơi, sấy, chống mốc… Vừa bảo đảm sự dẻo dai của sợi mây và độ bền sản phẩm, vừa bảo đảm thẩm mỹ cho sản phẩm mà lại không độc hại cho người sử dụng.

Chia sẻ về quá trình từ “thợ thành thầy”, ông Hợp cho biết: Tôi tự học hỏi tích lũy kinh nghiệm từ các sản phẩm đã làm, dần dần truyền lại cho những người mới bắt đầu làm. Lúc trước, các lao động tập trung tại cơ sở của gia đình để cùng làm nghề, khi họ lành nghề rồi, tôi chuyển nguyên liệu mây sợi cho các hộ gia đình tự làm tại nhà, tôi chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm. Từ đó họ trở thành các vệ tinh thường xuyên cho cho cơ sở của tôi.

Sau thời gian phục hồi, duy trì, cơ sở sản xuất mây tre đan của ông Hợp ngày càng phát triển bền vững. Bình quân sau khi trừ chi phí các loại, gia đình ông có thu nhập ổn định từ 400 - 500 triệu đồng/năm. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho gia đình, từ hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ sở của ông đã bảo đảm việc làm thường xuyên cho trên 250 lao động trong xã làm việc tại nhà, thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Kể cả ở những thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, ông vẫn cung ứng đủ mây sợi cho các gia đình, nhiều sản phẩm mây tre đan của các hộ gia đình đã gia công xong, ông thu gom lại để bảo quản và chi trả trước ½ số tiền công cho người làm.

Mong muốn của ông trong thời gian tới là sẽ ký được những hợp đồng sản xuất mây tre đan lớn với nhiều mặt hàng mẫu mã đa dạng. Vì thế ông đã quyết định thành lập công ty để thuận lợi cho việc đặt hàng và tiêu thụ sản phẩm. Ông cũng sẵn sàng mở rộng quy mô nhà xưởng, nâng cấp thiết bị, đầu tư kỹ thuật để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của sản phẩm mây tre đan trong xu thế hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững thương hiệu làng nghề truyền thống của địa phương và quảng bá sản phẩm mây tre đan Thượng Hiền với các đối tác trong và ngoài nước.

Lại Phượng

(Hội Nông dân tỉnh)

  • Từ khóa