Thủ lĩnh của những chiến binh áo trắng
Những ngày căng mình chống dịch
Tháng 7/2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam, đoàn cán bộ y tế Thái Bình gồm 60 bác sĩ, điều dưỡng đã lên đường làm nhiệm vụ, bác sĩ Vũ Sơn Tùng được phân công làm trưởng đoàn. Khi vào Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Sau đó, đoàn được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh điều động sang hỗ trợ Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 6. Đây là bệnh viện thuộc tầng 2 trong mô hình tháp điều trị 3 tầng tại Thành phố Hồ Chí Minh với công suất 6.000 giường bệnh. Nhận nhiệm vụ, bác sĩ Tùng được lãnh đạo Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 6 tin tưởng phân công tham gia thiết lập và vận hành Khoa Cấp cứu. Khoa có nhiệm vụ tiếp nhận, thăm khám, cấp cứu và điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nặng, cao tuổi, có bệnh nền chuyển đến từ tất cả các nơi. Với vai trò Trưởng khoa Cấp cứu, sau này là Khoa Cấp cứu 1, bác sĩ Vũ Sơn Tùng đã chia ca, kíp trực 24/24 giờ bảo đảm điều trị và chăm sóc toàn diện cho các bệnh nhân; theo dõi sát sao diễn biến lâm sàng của bệnh nhân, hội chẩn chuyên môn với các khoa và bệnh viện tầng 3 để chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên kịp thời.
Bác sĩ Vũ Sơn Tùng chia sẻ: Đến bây giờ tôi cũng không hiểu sao mình có thể vượt qua quãng thời gian đầy áp lực, căng thẳng đó. Bệnh viện dã chiến mới thiết lập nhiều thiếu thốn, mọi thứ phải thiết lập từ đầu. Khoa Cấp cứu lại là khoa xương sống của bệnh viện, thực hiện tiếp nhận, điều trị ban đầu. Mỗi bệnh nhân mỗi độ tuổi, tình trạng bệnh khác nhau, có người kèm thêm cả bệnh loạn thần nhưng điểm chung là triệu chứng nặng, bị tổn thương phổi. Nhiều bệnh nhân tiến triển nặng rất nhanh, lại không có người thân chăm sóc nên áp lực lên các bác sĩ, điều dưỡng rất lớn. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các bác sĩ, nhân viên y tế phải làm mọi việc từ chăm sóc, vệ sinh cho người bệnh đến dọn dẹp, xử lý rác thải... Nhân lực ít, bệnh nhân đông, có ngày lên đến 180 bệnh nhân điều trị. Lúc nào cũng có hơn 10 bệnh nhân thở oxy dòng cao. Sau thời gian dài làm việc, mặc quần áo bảo hộ liên tục trong điều kiện thời tiết nóng bức, nhiều cán bộ y tế đã kiệt sức, ngất xỉu. Thêm vào đó, khi cán bộ, nhân viên đoàn khác bị mắc Covid-19, mọi người trong đoàn khá lo lắng. Sau mỗi ngày làm việc, tôi động viên, khích lệ các đồng nghiệp cùng cố gắng. Động viên như vậy nhưng chính bản thân tôi cũng chưa biết ngày trở về. Áp lực công việc khiến tôi nhiều đêm không ngủ, tình trạng mất ngủ kéo dài nên bị giảm 7kg.
Đoàn cán bộ, nhân viên y tế Thái Bình do bác sĩ Vũ Sơn Tùng làm trưởng đoàn hỗ trợ phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Liều “doping” tinh thần khi bệnh nhân xuất viện
Bác sĩ Vũ Sơn Tùng chia sẻ thêm: Đặc thù của người mắc Covid-19 nặng là giảm oxy máu thầm lặng. Có những người vừa nói chuyện bình thường, tháo oxy đi ra khỏi giường đã ngã khụy. Vì thế, nếu không theo dõi sát rất dễ tử vong. Dịch Covid-19 không chừa một ai và nguy cơ tử vong cũng vậy. Trong điều trị bệnh nhân Covid-19, nỗi buồn lớn nhất là nhìn bệnh nhân tiến triển nặng, nguy kịch, tử vong mà không thể cứu được. Những ngày điều trị cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Tùng cùng đồng nghiệp đã chứng kiến nhiều bệnh nhân không thể vượt qua cửa tử, trong đó có cả bệnh nhân trẻ, tuổi đời mới hơn 20 và là em của một thành viên trong đoàn. Song bên cạnh đó cũng có những trường hợp tiến triển rất thần kỳ. Đó là bệnh nhân nữ 30 tuổi, thể trạng béo phì mắc Covid-19 phải đặt ống thở máy, nguy cơ tử vong rất cao. Thế nhưng, chỉ sau 2 ngày điều trị bệnh nhân đã không phải thở máy. Có cụ bà gần 90 tuổi bị lẫn, có bệnh nền tăng huyết áp, suy hô hấp nặng, nguy kịch phải thở oxy dòng cao. Sau nhiều ngày, bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt, cai thở oxy dòng cao, chuyển sang thở oxy gọng kính, vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Gia đình bệnh nhân rất xúc động, thường xuyên nhắn tin cảm ơn. Nhiều gia đình còn viết thư gửi lời cảm ơn vì đã hồi sinh sự sống cho người thân của họ. Đó chính là niềm vui lớn nhất trong những ngày ở tâm dịch, là liều “doping” tinh thần với chúng tôi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những niềm vui khác khi luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành y tế Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo đơn vị và tình cảm của các tổ chức, cá nhân thông qua những phần quà là trang thiết bị phòng, chống dịch.
Liều “doping” tinh thần cho các y bác sĩ khi có nhiều bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi.
Trong gần 3 tháng hỗ trợ phòng, chống dịch, Khoa Cấp cứu do các thành viên đoàn Thái Bình phụ trách đã điều trị cho hơn 1.030 ca nhiễm Covid-19 nặng. Quên đi những bỡ ngỡ khi lần đầu tiên điều trị bệnh nhân Covid-19, quên ngày, quên tháng, quên nỗi nhớ nhà, quên thực tế đầy khó khăn, vất vả, các thành viên vừa học vừa làm vừa sáng tạo để nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Họ học cách làm quen với những món ăn khác khẩu vị, tiếng máy lọc máu, tiếng thở, tiếng rên yếu ớt của bệnh nhân và quen cả tiếng xe cứu thương suốt ngày đêm... Đó là những trải nghiệm chưa từng có trong trận chiến chống dịch Covid-19 đầy khốc liệt, cam go.
Sau những ngày tháng ấy, bác sĩ Vũ Sơn Tùng cùng các đồng nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ. Trở về quê hương với kinh nghiệm tích lũy được, họ tiếp tục tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Bác sĩ Vũ Sơn Tùng cũng vừa hoàn thành nhiệm vụ Phó Giám đốc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại Trường Đại học Thái Bình với hơn 1.300 bệnh nhân Covid-19. Những kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế đã được bác sĩ Tùng vận dụng sáng tạo khi điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tỉnh; thường xuyên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với đồng nghiệp các tuyến để có thêm nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi mỗi ngày.
Hoàng Lanh
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024