Học và làm theo Bác bằng trái tim
Còn sức khỏe, còn cống hiến
Mặc dù đã ở tuổi 70, lại là bệnh binh 2/3 song ông Đoàn Đình Chiến, thôn Ngải Châu, xã Đông Minh (Tiền Hải) vẫn luôn trăn trở, tìm tòi những hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Cách đây 1 năm, ông mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để cải tạo 2.000m2 ao nuôi tôm theo phương thức truyền thống sang nuôi trong nhà bạt theo công nghệ hiện đại. Ông cho biết: Sau khi tìm hiểu thực tế nhiều mô hình, tôi đầu tư xây dựng nhà bạt, chia nhỏ ao, nâng nền ao nuôi theo kiểu ao nổi. Ao nhỏ nên việc quản lý môi trường trong ao thuận lợi, chính xác hơn nên có thể tăng mật độ nuôi; vì vậy, tuy là ao nhỏ nhưng cho sản lượng lớn, hiệu quả còn hơn cả những ao to. Trước đây không có nhà bạt tôi chỉ nuôi được 1 - 2 vụ/năm, hiện nay tôi có thể nuôi từ 3 - 4 vụ/năm. Ngoài nuôi tôm, ông Chiến còn nuôi cá song, cá vược. Tổng diện tích các loại ao nuôi của gia đình ông hiện nay gần 1,2ha. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. Ông chia sẻ: Nhiều người vẫn bảo tôi rằng con cháu đã trưởng thành, hàng tháng đều có lương sao không chọn cuộc sống an nhàn nhưng tôi thấy mình còn sức khỏe, đồng thời khắc ghi lời Bác “Lao động là vinh quang, có lao động, phẩm giá, nhân cách con người mới được rèn luyện, nâng cao”, vì vậy tôi vẫn cố gắng làm kinh tế, cũng là để cho con cháu noi gương mà phấn đấu.
Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đông Minh: Từ mô hình của ông Chiến đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển. Không chỉ tích cực phát triển kinh tế gia đình, ông Chiến còn là hội viên cựu chiến binh tích cực, hạt nhân tiêu biểu trong các phong trào, hoạt động của địa phương, là tấm gương sáng trong học và làm theo Bác.
Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm
Trở về quê hương sau những ngày tháng làm công nhân xứ người, ông Phạm Đức Hanh, thôn Hệ, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) luôn ấp ủ ước mơ một ngày có thể mang nước sạch về cho người dân địa phương. Ông chia sẻ: Trước đây, người dân quê tôi chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, tuy nhiên do vị trí gần biển nên nguồn nước bị nhiễm mặn, nước có vị lợ. Các gia đình có xây bể dự trữ nước mưa nhưng không đủ dùng. Vì vậy, khi tỉnh có chủ trương xã hội hóa nước sạch nông thôn, tôi đã mạnh dạn huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch. Do nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, gần 50 tỷ đồng nên tôi phải vay mượn nhiều nơi, áp lực nặng nề song tôi luôn tâm niệm lời dạy của Bác “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”. Đây cũng là động lực để tôi nỗ lực khắc phục khó khăn xây dựng thành công nhà máy nước sạch Thành Thụy. Với công suất 5.000m3/ngày đêm, nhà máy hiện cung cấp nước sạch cho nhân dân 5 xã: Thụy Ninh, Thụy Dân, Thụy Việt, Thụy Hưng, Thụy Phúc, doanh thu mỗi năm đạt gần 6 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động. Để có thể đưa nước sạch đến tất cả các hộ dân, nhà máy áp dụng chính sách miễn giảm từ 500.000 - 2.000.000 đồng chi phí lắp đặt đồng hồ cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người già neo đơn. Đồng thời, nhà máy luôn chú trọng bảo đảm chất lượng nước, được nhân dân và chính quyền địa phương đánh giá cao.
Theo ông Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Ninh: Không chỉ đưa nước sạch về với người dân, ông Hanh còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. Vừa qua, ông đã tình nguyện phá dỡ 64m tường bao cổng dậu của gia đình, hiến 150m2 đất để mở rộng đường giao thông trong xóm; ủng hộ 30 triệu đồng sửa chữa nhà văn hóa thôn và ủng hộ xi măng làm sân thể thao thôn. Hiện nay, mặc dù công việc kinh doanh bận rộn song ông vẫn tham gia nhiều đoàn thể của địa phương và là trưởng ban quản lý khu di tích đền Hệ. Việc có lợi cho dân, có ích cho tập thể là ông tham gia rất nhiệt tình. Với ông Hanh, được đóng góp, cống hiến cho quê hương chính là niềm vui, niềm hạnh phúc và cũng là việc làm thiết thực noi gương Bác Hồ kính yêu.
Xung phong vào tâm dịch
Trong những ngày Thành phố Hồ Chí Minh căng mình chống dịch Covid-19, anh Hoàng Minh Nhữ, Phó Trưởng phòng Quản lý - Đào tạo sau đại học, giảng viên chính bộ môn ngoại, Trường Đại học Y Dược Thái Bình không quản khó khăn, nguy hiểm, xung phong đi chống dịch. Anh chia sẻ: Là cán bộ, giảng viên công tác trong ngành y tế, thấm nhuần lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ tôi thấy mình phải có trách nhiệm góp sức cùng với các đồng nghiệp nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vì vậy, tôi đã tình nguyện lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch với hành trang là một trái tim yêu nghề, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Anh Nhữ được giao nhiệm vụ trưởng đoàn công tác của Trường vào hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch với 350 thành viên. Ngoài phối hợp với các đơn vị bố trí công việc cho các thành viên trong đoàn tại 6 quận, anh còn trực tiếp tham gia nhóm chống dịch tại quận 10. Anh cho biết: Việc quản lý số lượng người đông, hoạt động ở các địa bàn khác nhau trong điều kiện đặc biệt của Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là điều rất khó khăn, đặc biệt là việc bảo đảm thực phẩm cũng như vật tư y tế trang bị cho các thành viên trong đoàn. Ngoài vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch được cấp, anh Nhữ còn vận động quyên góp ủng hộ được gần 30.000 khẩu trang y tế các loại, 3.000 bộ đồ bảo hộ, 200 lít cồn sát khuẩn và nhiều vật tư y tế khác phục vụ cho đoàn chống dịch. Đồng thời, vận động các cá nhân, đơn vị hỗ trợ thêm lương thực, thực phẩm và thuốc thiết yếu cho các nhóm để bảo đảm sức khỏe cho mọi người làm việc. Ngoài ra anh còn vận động ủng hộ được gần 300 triệu đồng để mua vật tư y tế, thực phẩm cho đoàn. Trong quá trình chống dịch, một số thành viên trong đoàn không may bị nhiễm bệnh hoặc ốm, anh đều kịp thời động viên, ân cần chăm sóc để các bạn sớm bình phục. Anh còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện và vận động các thành viên trong đoàn đóng góp trao 400 thùng bánh, 200 phần quà gồm gạo, trứng, rau, quả cho bà con nghèo trị giá khoảng 420 triệu đồng. Với những đóng góp trong chuyến đi vào tâm dịch, anh Nhữ được các cấp, các ngành biểu dương khen thưởng; song với anh, sức khỏe của đồng bào và sự trở về an toàn của cả đoàn mới là thành tích quý giá nhất.
Cùng với ông Chiến, ông Hanh và anh Nhữ, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều cá nhân, tập thể điển hình với những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong học tập và làm theo gương Bác. Đây đều là những tấm gương sáng để mỗi chúng ta cùng soi, cùng học, từ đó sống tốt hơn và làm tốt hơn công việc của mình.
Đào Quyên
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024