Thứ 2, 25/11/2024, 02:01[GMT+7]

“Sơn công lý”

Thứ 2, 14/03/2022 | 09:04:08
5,067 lượt xem
12 năm trước, cựu chiến binh (CCB) Trần Ngọc Sơn ở thôn 4, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương đã có việc làm thật phi thường. Ông được mọi người trìu mến gọi là “Sơn công lý”. Bắt đầu từ ngày 5/1/2010 đến ngày 30/7/2010, CCB Trần Ngọc Sơn đã thực hiện hành trình đạp xe xuyên Việt đến các tỉnh trong cả nước tự nguyện vận động xin chữ ký đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Việt Nam.

Vợ chồng cựu chiến binh Trần Ngọc Sơn cùng xem lại cuốn nhật ký.

Gặp lại ông Sơn những ngày này, dù đã ở tuổi 68 nhưng phong thái vẫn nhanh nhẹn và cởi mở. Lật từng trang cuốn nhật ký hành trình xuyên Việt để tự nguyện vận động xin chữ ký đấu tranh tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Việt Nam từ 12 năm trước, CCB Trần Ngọc Sơn kể lại: Trước khi thực hiện ý định đạp xe xuyên Việt và đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước vận động xin chữ ký đấu tranh tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Việt Nam, tôi đã có nhiều tháng chuẩn bị, tiết kiệm một phần kinh phí từ trợ cấp thương tật, sửa xe chắc chắn, chuẩn bị mang theo những miếng vá xăm, chiếc bơm xe đạp và chiếc ba lô cũ đựng mấy bộ quần áo và mấy đồ thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt dọc đường. Tôi lặng lẽ đến Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh Thái Bình trình bày ý định với Chủ tịch Hội và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành. Duy chỉ có vợ và gia đình là biết việc tôi thực hiện đạp xe xuyên Việt trước đó hai ngày. Thoạt đầu vợ và các con ngần ngại vì ai cũng lo khi ấy tôi ở tuổi 56, liệu có đủ sức đạp xe ròng rã trong nhiều ngày, nhiều tháng, hàng nghìn ki-lô-mét đường trường, đường đồng bằng, đường miền núi, rồi những rủi ro ốm đau bất thường dọc đường ai lo. Quyết tâm thuyết phục vợ con để thực hiện tâm nguyện và gạt bỏ những lời dèm pha cho rằng ông bị “khùng”, “điên”, tôi đã quyết thực hiện bằng được tâm nguyện vì nạn nhân chất độc da cam trong cả nước.

Kinh phí nào giúp ông trang trải hàng ngày và trong cả chuyến hành trình. CCB Trần Ngọc Sơn thật thà: Tôi tự túc kinh phí và không đặt vấn đề xin, nhờ vả bất cứ sự hỗ trợ nào của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh. Chỉ có duy nhất cửa hàng dịch vụ Liên Thắng ở thôn 3, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương biết việc này đã tặng tôi chiếc áo mưa là tôi nhận để mang theo trên đường. Quyết tâm thật cao, chuẩn bị đơn giản, hành trình phi thường CCB Trần Ngọc Sơn chỉ với chiếc xe đạp bình thường, kinh phí tự túc và sự động viên của gia đình, đồng đội đã làm một việc mà ít có người dấn thân.

Trong nhật ký hành trình, CCB Trần Ngọc Sơn viết từ ngày 5/1/2010 đến ngày 15/1/2010: Tôi thử sức đạp xe đến các cơ quan trong tỉnh và các huyện, thành phố khi chân đã dẻo và có thêm động viên của nhiều người nữa tiếp cho tôi nghị lực. Từ ngày 25/1/2010, tôi đạp xe đi tỉnh Hưng Yên, sau đó đi tiếp Hà Nội. Hôm đó, cả dừng lại liên hệ xin chữ ký và đạp xe trên đường tôi thực hiện trên 150km đường trường. Vừa nghỉ vừa làm việc với nhiều cơ quan ở Hà Nội trong hai ngày, tôi đi tiếp các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn rồi vòng xuống tỉnh Quảng Ninh. Chặng tiếp theo là đến các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn. Chuyến đi Bắc Kạn là vất vả nhất hành trình do xe đạp bị hỏng, người bị sốt, tôi phải gửi xe lên ô tô và về Thái Bình tiêm thuốc cả tuần mới khỏi. Khi sức khỏe ổn định, CCB Trần Ngọc Sơn lại tiếp hành trình vào các tỉnh miền Trung và Nam Bộ.

Đọc tiếp cuốn nhật ký hành trình của CCB Trần Ngọc Sơn, ông viết: Ngày 16/4/2010, tôi đạp xe đến tỉnh Phú Yên và được nghỉ ở nhà khách Bộ CHQS tỉnh Phú Yên. Tại đây tôi đã gặp và trò chuyện với bác Tâm là cán bộ Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Việt Nam về dự Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh Phú Yên. Bác Tâm đã bắt tay động viên cổ vũ, hoan nghênh tinh thần và việc làm của tôi cho đồng đội, góp phần đòi công lý cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam. Ngày 28/4/2010, bác sĩ Đoàn Văn Tòng, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã viết trong cuốn nhật ký hành trình xuyên Việt của CCB Trần Ngọc Sơn như sau: “Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoan nghênh tinh thần tình nguyện của ông Trần Ngọc Sơn, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh Thái Bình trong việc đi vận động cộng đồng tham gia đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”... 14 giờ ngày 28/4/2010, tôi đạp xe đến trụ sở Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Thành phố Hồ Chí Minh và đã gặp nhà báo Đào Văn Sử, Văn phòng đại diện Báo Quân đội nhân dân. Tôi được nhà báo chụp ảnh và viết bài biểu dương tinh thần người thương binh, CCB đi xe đạp xuyên Việt vận động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Việt Nam. Tháng 5/2010, tôi đạp xe đến các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp rồi trở lại Hậu Giang, Cần Thơ. Từ ngày 20/5, tôi đạp xe lên các tỉnh Tây Nguyên và ở bất cứ nơi nào khi tôi trình bày tâm nguyện của mình đều nhận được sự nhiệt tình ủng hộ động viên chia sẻ với nạn nhân da cam. Kỷ niệm tôi nhớ nhất là 10 giờ sáng ngày 28/7/2010 khi đạp xe đến bản Tảo Tình, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, tôi gặp một thanh niên đang loay hoay với cái xe đạp bị xẹp lốp. Tôi đã dừng lại và dùng đồ nghề mang theo vá liền một lúc 5 miếng vá giúp chàng thanh niên. Sau việc đó chàng thanh niên ôm choàng lấy tôi và khóc: “Cháu biết ơn chú rất nhiều, không có chú giúp hôm nay cháu không biết xử lý thế nào, chú xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ của nhân dân cho chúng cháu học tập. Chúc chú hành trình bình an thắng lợi. Tên cháu là Vừ Vả Páo dân tộc Mông chú nhé”... Còn rất nhiều những lưu bút viết lời cảm phục với CCB Trần Ngọc Sơn trong chuyến hành trình đạp xe xuyên Việt và đi khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tự nguyện vận động xin chữ ký đấu tranh tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Việt Nam.

Tổng kết trong 6 tháng liên tục của hành trình đạp xe xuyên Việt và đi đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, CCB Trần Ngọc Sơn đã đạp xe trên 7.660km, đã đến được 390 cơ quan, đơn vị và gia đình xin được gần 21 triệu chữ ký của cán bộ, nhân dân, các cựu chiến binh, nạn nhân da cam đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Việt Nam.

Cùng vợ đọc lại cuốn nhật ký hành trình xuyên Việt, CCB Trần Ngọc Sơn tự hào về tâm nguyện và việc làm của ông dành cho đồng đội, dành cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin trong cả nước đã được thực hiện trọn vẹn. Với CCB Trần Ngọc Sơn trong cuộc đời này dẫu chỉ một lần trải nghiệm dọc dài đất nước, một lần trải nghiệm để hiểu thêm về những mất mát đau thương với những người lính trở về sau chiến tranh bị nhiễm chất độc da cam và cuộc trải nghiệm thật phi thường, thật ý nghĩa này với gần 21 triệu chữ ký góp phần đấu tranh tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam/Điôxin Việt Nam. Phần cuối bài viết này xin được chép lại lưu bút của em Nguyễn Thị Thu ở Thượng Hà, Bản Yên, tỉnh Lào Cai dành cho CCB Trần Ngọc Sơn: “Hôm nay, ngày 16/7/2010 cháu gặp bác thương binh, CCB Trần Ngọc Sơn đạp xe đi trong trời nắng, chúng cháu vô cùng khâm phục. Bình thường chúng cháu chỉ nhìn thấy người nước ngoài đạp xe trên tỉnh vùng cao, còn hôm nay cháu thấy bác Sơn đạp xe đi tìm công lý cho những người bị nhiễm chất độc da cam. Cháu thật may mắn vì gặp được bác, cháu vô cùng cảm phục khi được chứng kiến những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán của bác Sơn. Cháu chúc bác luôn luôn khỏe mạnh để tiếp tục hành trình tìm công lý giúp những người bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có nhiều người của quê hương Lào Cai của cháu. Cháu yêu bác Sơn nhiều lắm”.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)