Chủ nhật, 24/11/2024, 22:48[GMT+7]

Đại tướng bình dân

Thứ 7, 30/04/2022 | 00:11:26
9,037 lượt xem
Người đương thời gọi Đại tướng Hoàng Văn Thái bằng cái tên thân mật “Đại tướng bình dân”. Ông tên thật là Hoàng Văn Xiêm, bí danh Mười Khang, sinh ngày 1/5/1915 tại làng An Khang, tổng Đại Hoàng (nay thuộc thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải). Đại tướng Hoàng Văn Thái là vị tướng quân đội tài đức song toàn, một người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và với quê hương Thái Bình. Đại tướng có lối sống giản dị, trung thực, khiêm tốn, được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân kính trọng. Đại tướng được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Sao vàng, tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Nhà lưu niệm cố Đại tướng Hoàng Văn Thái tại xã Tây An (cũ), nay là thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa quân sự khẳng định, những năm tháng trải nghiệm trên chiến trường Đại tướng Hoàng Văn Thái giữ nhiều trọng trách, chính yếu, có nhiều cống hiến to lớn với sự nghiệp giải phóng dân tộc, đóng góp lớn trong công tác nghiên cứu khoa học quân sự, tổng kết chiến tranh và xây dựng ngành lịch sử quân sự Việt Nam. Với tư duy quân sự sắc sảo, Đại tướng Hoàng Văn Thái đánh giá đúng về địch, về ta để đề ra một phương thức tác chiến phù hợp bằng chiến tranh toàn dân, toàn diện kết hợp nhuần nhuyễn giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chủ lực.

Cuộc đời cách mạng của người thanh niên “vùng quê trước biển” là hành trình hiện thân của một thế hệ cách mạng tài trí, kiên cường, bất khuất, trung kiên, trưởng thành từ thực tiễn ở cơ sở trong đấu tranh cách mạng. Năm 13 tuổi “cậu bé Xiêm” phải đi làm thuê kiếm sống. Năm 18 tuổi, Xiêm đã trở thành một chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú, dạn dĩ. Tìm đường theo cách mạng, anh Xiêm làm “phu” từ mỏ than Hòn Gai (Quảng Ninh) đến Tĩnh Túc (Cao Bằng). Tại đây, Xiêm được giác ngộ chủ nghĩa cộng sản và tham gia các hoạt động bãi công. Năm 1936, anh trở về Tiền Hải tập hợp thanh niên trong làng, trong vùng thành lập Đoàn Thanh niên Dân chủ, rải truyền đơn, vận động nhân dân chống sưu cao thuế nặng, chống bắt phu, bắt lính, đấu tranh giành quyền tự do dân chủ. Với những hoạt động cách mạng tích cực, năm 1938, Hoàng Văn Xiêm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Lúc này mật thám Pháp “đánh hơi” thấy anh, năm 1940, anh bị thực dân Pháp bắt và giam lỏng tại phủ Kiến Xương. Bị thực dân Pháp tra khảo nhưng Hoàng Văn Xiêm vẫn kiên định mục tiêu đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì nhân dân. Giặc không khai thác được gì ở chàng trai miền biển nên đành “thả” để theo dõi. Tháng 3/1941, anh được tổ chức cử lên Bắc Sơn (Lạng Sơn) để tăng cường cho Đội du kích Bắc Sơn. Tháng 4/1941, anh được phân công chỉ huy một tiểu đội du kích Bắc Sơn. Tháng 9/1941, Hoàng Văn Xiêm (lúc này lấy bí danh là Quốc Bình) được tổ chức cử đi học tại Trường Quân sự Liễu Châu, Trung Quốc. Cuối tháng 9/1944, Hoàng Quốc Bình trở về nước, đổi tên là Hoàng Văn Thái. Ông được phân công phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập với 34 đội viên được chọn lọc từ các đơn vị Cứu quốc quân và các đội du kích đơn lẻ, tháng 4/1945, hội nghị quân sự Bắc Kỳ quyết định sáp nhập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang khác thành Việt Nam giải phóng quân. Tháng 6/1945, Trường Quân chính kháng Nhật được thành lập tại Tân Trào, ông được phân công giữ trọng trách hiệu trưởng đầu tiên của Trường. Trường Quân chính kháng Nhật có nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự cho lực lượng vũ trang của “Việt Nam giải phóng quân”, đặt nền tảng cho hệ thống đào tạo cán bộ quân sự Việt Nam sau này. Ông cũng là chỉ huy một số đơn vị Giải phóng quân hỗ trợ giành chính quyền tại Lục An Châu, chỉ huy Giải phóng quân đánh chiếm các đồn Nhật tại tỉnh lỵ Tuyên Quang. Tháng 8/1945, Hoàng Văn Thái cùng một số đơn vị Giải phóng quân tiến về Hà Nội cùng với các đội viên Giải phóng quân tham gia công tác giữ gìn an ninh cho buổi lễ tuyên ngôn độc lập ngày mùng 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Bộ Tham mưu và chỉ định ông làm Tham mưu trưởng. Năm 1946, thực dân Pháp quay lại gây hấn, ngày 20/1/1948, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái được phong quân hàm Thiếu tướng.

Đại tướng Hoàng Văn Thái ngoài cương vị Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam còn kiêm nhiệm Tham mưu trưởng các chiến dịch: Việt Bắc (1947), Biên giới (1950), Trung Du (1950), Đồng Bằng (1951), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Ông là vị tướng trận mạc, từng có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất trong suốt 30 năm chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Ngày 31/8/1959, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái được phong quân hàm Trung tướng. Tháng 8/1966, Trung tướng Hoàng Văn Thái được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu V. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với bí danh Mười Khang ông là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu V. Ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo khác chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng đánh bại hầu hết các chiến lược, chiến thuật quân sự của Mỹ - ngụy, mở ra cục diện mới cả về thế và lực trên chiến trường miền Nam, tạo tiền đề cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đại thắng mùa xuân năm 1975. Đế quốc Mỹ từng coi Hoàng Văn Thái là “nhân vật số 1” của Cộng sản miền Nam Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, Đại tướng Hoàng Văn Thái không chỉ là vị tướng trận mạc mà còn là “linh hồn” của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Theo hồi ký của Đại tướng Hoàng Văn Thái, những năm tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm tướng của ông là những năm tháng đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX, đặc biệt là mùa xuân 1975, những ngày ông chủ trì cơ quan Bộ Tổng tham mưu thay Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại tướng nhắc đến năm 1967, sau khi Mỹ tăng cường số quân trên chiến trường miền Nam, ông được giao nhiệm vụ làm Phó Bí thư Trung ương Cục, Phó Bí thư Quân ủy Miền, kiêm Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam với bí danh Mười Khang. Ông là Tư lệnh các chiến dịch lớn như chiến dịch Lộc Ninh (1967), Tây Ninh (1968), Tết Mậu Thân (1968), Xuân Hè (1972). Tháng 1/1974, ông được Trung ương điều ra Bắc nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Tổng Tham mưu trưởng Thứ nhất, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tháng 4 cùng năm, Trung tướng Hoàng Văn Thái được thăng quân hàm Thượng tướng. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung tướng Hoàng Văn Thái đã cống hiến nhiều công sức, trí tuệ, tâm huyết xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cụ thể hóa quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhằm tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ giành thắng lợi trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp “người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã rất xúc động khi viết về Đại tướng Hoàng Văn Thái: “… Trong những năm tháng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong Đảng, trong quân đội, anh Mười Khang vẫn giữ lối sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, xa lạ với thói xa hoa hình thức, càng xa lạ với tệ tham nhũng, lãng phí… Anh siêng rèn luyện thân thể, lao động chân tay, đến cuối đời vẫn giữ nếp trồng rau, làm vườn như người nông dân xưa ở Tiền Hải quê anh…”. Năm 1980, ông được phong hàm Đại tướng, được phân công công tác chỉ đạo tổng kết chiến tranh, chỉ đạo công tác nhà trường quân đội và công tác tổ chức cán bộ quân đội. Trong giai đoạn này, Đại tướng đã tập trung nghiên cứu và hoàn thành nhiều tài liệu có giá trị về quá trình xây dựng và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 2/7/1986, Đại tướng Hoàng Văn Thái đột ngột “ra đi” sau một cơn đau tim tại Bệnh viện Quân y 108, hưởng thọ 71 tuổi.


Quang Viện