Thứ 6, 22/11/2024, 11:34[GMT+7]

Xứng danh mảnh đất anh hùng

Thứ 7, 30/04/2022 | 22:48:15
18,927 lượt xem
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã An Khê (Quỳnh Phụ) là một trong những địa bàn trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ nhằm chia cắt sự chi viện và vận chuyển hàng hóa với các tỉnh và địa phương lân cận. Sau chiến tranh, dù bộn bề khó khăn song Đảng bộ và nhân dân An Khê luôn đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, không ngừng đổi mới, vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ông Ngô Viết Quế cùng lãnh đạo xã An Khê bên quả bom được lưu giữ tại UBND xã.

Tự hào mảnh đất anh hùng

Năm nay 80 tuổi, mặc dù sức khỏe yếu, việc đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng gần đến ngày thống nhất đất nước, ông Ngô Viết Quế, thôn Lộng Khê và người dân xã An Khê lại háo hức cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đứng bên cạnh quả bom còn sót lại do chính ông và đồng đội gỡ bỏ, ông Quế tâm sự: Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, An Khê là địa bàn địch đánh trọng điểm vì có giao thông thủy bộ với 3 bến phà của 3 tỉnh, thành phố là Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương. Để chia cắt, quân đội Mỹ đã liên tiếp bắn phá nhằm ngăn chặn sự chi viện và vận chuyển hàng hóa. Trước sự đánh phá của địch, cuối năm 1964, xã An Khê đã thành lập tổ săn máy bay; tháng 8/1965, thành lập trung đội công binh phá bom nổ chậm, xây dựng 5 trận địa bắn máy bay tầm thấp. Năm 1966, thực hiện trực chiến ban ngày, xã thành lập 2 trận địa, 2 đài quan sát báo động. Năm 1968, xã tổ chức lực lượng dân quân du kích chống biệt kích nhảy dù với sự tham gia của 631 người... Với lực lượng hiện có, quân và dân An Khê đã phối hợp tổ chức nhiều trận đánh chống đế quốc Mỹ phá hoại. Điển hình là ngày 15/6/1967, máy bay địch liên tiếp bắn phá khu vực nhà máy xay Ninh Giang (Hải Dương) làm chết hàng trăm người. Vượt lên lửa đạn, dân quân du kích xã vẫn lao xuống cứu tàu thuyền bị cháy, đưa người chết và bị thương vào bờ, thu trả cho nhà nước 25 tấn hàng, 2 tàu máy kéo, 8 xà lan, 3 thuyền vận tải...

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã An Khê có 188 người con vĩnh viễn nằm lại chiến trường; 175 người là thương bệnh binh; 57 người bị địch bắt tù đày; 138 người bị nhiễm chất độc da cam... Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã An Khê đã được tặng thưởng 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, 3 Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt, năm 2010 xã An Khê vinh dự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Vươn mình đổi mới

Bước vào thời kỳ đổi mới, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ và nhân dân An Khê tập trung phát triển kinh tế từ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và phát triển nghề và làng nghề. 

Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch chuyên màu, lúa chất lượng cao được thực hiện hiệu quả. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất từ trồng trọt ước đạt 80.074,14 triệu đồng, tăng 1.498,24 triệu đồng so với năm 2020; năng suất lúa cả năm đạt 116,7 tạ/ha. Xã có 8 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 80 gia trại và 1 mô hình nuôi bò thương phẩm. Toàn xã hiện có 12 công ty và 8 cơ sở may, giày da duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Bên cạnh đó, trên 100 tổ thợ xây dựng với gần 1.500 lao động tiếp tục khẳng định uy tín trong xây dựng các công trình dân dụng. Cùng với đó, sự phát triển ổn định của làng nghề Lộng Khê mang lại cho địa phương thu nhập gần 200 tỷ đồng/năm từ lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, góp phần nâng thu nhập bình quân đạt trên 50,2 triệu đồng/người/năm.

Diện mạo quê hương An Khê ngày nay.

Trong xây dựng nông thôn mới, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014, Đảng bộ và nhân dân An Khê tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, có lộ trình cụ thể xây dựng nông thôn mới nâng cao. Từ năm 2015 - 2020, địa phương đã đầu tư trên 47,7 tỷ đồng hoàn thành xây dựng trụ sở hành chính, nhà văn hóa xã, 18 phòng học của 3 trường; xây dựng sân vận động trung tâm xã, 3 nhà văn hóa thôn và 9km đường giao thông trục chính nội đồng… Với những cố gắng, nỗ lực của mình, An Khê đã hoàn thành 11 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, được tỉnh thẩm định và chờ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Những kết quả Đảng bộ và nhân dân An Khê đạt được là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nguyễn Cường