Chủ nhật, 24/11/2024, 08:35[GMT+7]

Thăm nhà Anh hùng lao động Nguyễn Thị Mận

Thứ 3, 31/08/2010 | 16:11:05
4,505 lượt xem
Đi qua lối ngõ những cây bưởi đơm hoa trắng ngát, những rặng nhãn vừa bật lộc tươi rói, con đường vào nhà anh hùng lao động Nguyễn Thị Mận vẫn còn khấp khểnh đất mộc, hai bên ao tiếp nối ao. Về Vũ Vân (Vũ Thư) - xã duyên giang nằm bên sông Hồng, hỏi đến tên chị, từ cụ già tới em nhỏ, ai cũng có thể chỉ đường dễ dàng, cởi mở: Nhà cô Mận ngay sau UBND xã.

Anh hùng Nguyễn Thị Mận

Chị Mận dáng người chắc nịch, khỏe, trẻ hơn so với tuổi thực. Thật khó hình dung gần 50 năm trước, ở tuổi 15, thấp bé, mảnh khảnh, chị xung phong vào đội dân công, rồi đội thủy lợi chuyên trách 202 Quang Trung, cùng 45 anh chị em đã bền bỉ vác đất trên khắp các công trường đào sông Kiến Giang, đắp đê 3/2 giữa lúc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt.

Hầu hết nam giới đi bộ đội, phong trào 3 đảm đang của phụ nữ có sức lôi cuốn kỳ lạ nhân lên sức mạnh của các chị, gánh vác mọi công việc nặng nhọc của hậu phương để chi viện cho tiền tuyến, yên lòng người ra trận đánh Mỹ.  Đôi vai của các chị xưng đỏ, đêm chườm lá, sớm mai lại phăng phăng gánh đất, đào sông.

Do có thành tích cải tiến công cụ vận chuyển đất bằng xe cút kít, cầu lao, đưa năng suất lao động tăng lên đỉnh cao 300%- 450%, hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, vượt thời gian quy định nên đội thủy lợi chị làm đội trưởng được tặng cờ thi đua luân lưu của Chính phủ 3 năm liền, chị được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Câu chuyện bên chén trà xanh bốc khói với chúng tôi thật thân tình, ấm áp. Qua đó, chúng tôi hình dung những tháng năm chiến tranh ác liệt, gian khổ, ấm tình đồng đội, cùng lao động quên cả bản thân trong bom đạn, tiếng máy bay gầm rú trên đầu…

Trong ký ức của chị, sâu đậm nhất vẫn là những ngày được ra Hà Nội dự đại hội thi đua toàn quốc 1/1/1967. Chị cùng với các anh hùng chiến sỹ như Hoa Xuân Tứ,  Nguyễn Quế (chủ nhiệm HTX Tân Phong), Trần Thị Lý, Ngô Thị Tuyển, các dũng sỹ diệt Mỹ từ miền Nam ra…được vinh dự sang Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ 2 lần. Chị còn nhớ như in từng câu nói, từng cử chỉ trìu mến, ấm áp của Bác, cảm giác được ăn chiếc kẹo từ bàn tay Bác đưa lúc liên hoan. Rồi giờ phút đứng tuyên thệ dưới lá cờ của Đảng. Mới đó, chị đã có 42 năm tuổi Đảng.

Năm 1970, chị Mận chuyển công tác về Ty thủy lợi. Có điều kiện học bổ túc cấp 3, chị tiếp tục học trường kinh tế tài chính, trở thành  kế toán Sở Nông nghiệp PTNT cho đến năm 2005 chị về hưu.

Từ cô gái quê vác đất, chị trở thành anh hùng lao động. Chị bảo, thời thế tạo anh hùng, có được điều đó là do thành tích của chung toàn đội thủy lợi, sự quan tâm của Ty thủy lợi và của tỉnh - Những năm tháng đó tỉnh mình nổi tiếng là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc /ha, chi viện sức người, sức của cho miền nam. Các chị góp sức làm thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Gia tài lớn nhất suốt những năm công tác của chị là căn nhà nhỏ lợp ngói xi măng nằm trên 60 m2 đất do Tỉnh cấp bán cho chị tại khu tập thể tổ 32, phường Lê Hồng Phong nay người cháu ruột trông nom. Chị Mận có 7 anh em ruột, 1 anh là liệt sỹ, một người em gái là dân quân bị bom khi đang trông coi trại giống của HTX. Hiện chị về ở chung với mẹ và gia đình người em trai út.  Mẹ chị năm nay vào tuổi 95, hiền hậu, minh mẫn, đẹp lão.

Từ khi có chị về nghỉ chăm sóc, cụ vui hơn. Hàng ngày chị trông nom Mẹ và các cháu, tham gia công việc nội trợ, chăm chút mảnh vườn có rau xanh quanh năm và chiếc ao mùa nào cũng lao xao cá quẫy. Cuộc sống thanh bình, yên ả tại quê hương, quây quần bên gia đình lớn lên chẳng khi nào chị nghĩ mình còn độc thân. Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng.

Tôi biết, có một người con trai trong làng - bạn cùng thời chăn trâu cắt cỏ với chị đã mang lời hẹn ước của hai người đi chiến đấu, và anh nằm lại tại chiến trường Nam Lào không trở về. Mối tình thanh xuân đó chị mang theo đến bây giờ. Cũng có không ít người đến với chị, yêu thương quý mến chị vì dù mang danh hiệu anh hùng lớn lao, thì chị vẫn là chị - người con gái Vũ Vân đôn hậu, mộc mạc.

 Thu Hương

  • Từ khóa