Chủ nhật, 24/11/2024, 22:36[GMT+7]

“Hổ phụ sinh hổ tử” trong lịch sử báo chí Việt Nam

Thứ 2, 20/06/2022 | 09:07:43
8,943 lượt xem
Trong lịch sử Việt Nam, tên tuổi và sự nghiệp của Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ (1861 - 1908) quê làng Thượng Phán, tổng Đồng Trực, nay thuộc xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ và con trai của ông là Đào Trinh Nhất (1900 - 1951) từng được đưa vào nhiều bộ từ điển với vị thế của những danh nhân đất Việt đã lẫy lừng công danh trong nghề báo, nghiệp văn, từng được đặt tên cho đường phố ở nhiều tỉnh, thành trong Nam, ngoài Bắc.

Từ đường họ Đào ngành 3 tại thôn Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ). Ảnh tư liệu

Đào Nguyên Phổ là một danh sĩ đa tài, đa năng, sáng láng khoa danh, có cuộc đời kỳ diệu, chí khí khác thường. Là một thần đồng tắm mình trong Nho giáo, khi mới ở tuổi 17, chàng trai họ Đào làng Thượng Phán này đã thi đậu cử nhân, được coi là một trong những trường hợp hy hữu trong lịch sử khoa cử Nho học thời phong kiến của nước nhà. Thi đỗ khi chưa đủ tuổi bổ quan, vị cử nhân trẻ này đã đi dạy học ở Duyên Hà (Thái Bình), Phù Cừ (Hưng Yên), ít lâu sau được bổ nhiệm làm Giáo thụ ở Tam Nông (Phú Thọ), rồi tri huyện Võ Giàng (Bắc Ninh). Vì để xảy ra vụ mất trộm tiền thuế ở huyện đường nên vị tri huyện trẻ họ Đào đã bị bãi chức. Về vụ mất trộm tiền thuế này đến nay vẫn là một nghi án. Từng có luồng ý kiến đã cho là Đào Nguyên Phổ dựng lên vụ mất trộm tiền thuế để lấy tiền ủng hộ các phong trào Cần Vương chống Pháp.

Rời chốn quan trường, ông đã đi giao du với nhiều danh sĩ ở Bắc Kỳ, sau tìm vào Huế học ở Quốc Tử Giám và thi đỗ Đình nguyên Hoàng Giáp (đỗ đầu khoa), được sung chức Hàn lâm thừa chỉ và được tuyển chọn vào lớp học tiếng Pháp tại Pháp tự quốc gia học đường, một lớp học dành riêng cho các vương tôn, công tử trong Hoàng gia và một số ít vị đại khoa trẻ.

Với bản tính phóng khoáng, giàu sở thích hoạt động văn chương, đặc biệt là hoài bão muốn canh tân đất nước đã dẫn đến việc Đào Nguyên Phổ từ quan để ra Hà Nội sau hơn một năm bị bó thân ở triều đình Huế. Đây là quãng thời gian để Đào Nguyên Phổ lại có dịp kết bạn tâm giao với những yếu nhân yêu nước ở Bắc Kỳ, nuôi chí hướng thực thi chí lớn của mình.

Năm 1903, ông bắt đầu thực thi hoài bão làm báo, viết văn bằng việc cộng tác với một người Pháp để đứng ra làm chủ bút tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, tờ báo đầu tiên bằng chữ Hán xuất hiện ở Hà Nội, dưới sự chi phối của Nha Kinh lược sứ Bắc Kỳ. Năm 1905, khi vẫn làm chủ bút tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, Đào Nguyên Phổ lại kết hợp với một người Pháp khác lập tờ Đại Việt tân báo. Đây là tờ báo tư nhân đầu tiên ở Hà Nội có trụ sở đặt tại 90 Hàng Mã, đồng thời cũng là tờ báo đầu tiên ở Hà Nội có cả phần chữ Hán và phần chữ Quốc ngữ với số lượng bạn đọc khá lớn. Năm 1907, tờ Đại Nam đồng văn nhật báo đổi tên là Đăng cổ tùng báo, phần chữ Hán của tờ báo này do Đào Nguyên Phổ làm chủ bút, phần chữ Quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Xem thế đủ biết, Đào Nguyên Phổ là một con người hành động giàu chí hướng canh tân và là một trong những người có công khai móng đắp nền cho sự ra đời báo chí ở Việt Nam.

Năm 1907, Đào Nguyên Phổ tham gia sáng lập Trường Đông Kinh nghĩa thục, dạy học theo lối mới, không lấy tiền, thu hút cả học sinh tiểu học, trung học và đại học. Ông đã viết nhiều cuốn sách giáo khoa với tư tưởng tiến bộ và trực tiếp giảng dạy, được sử sách ghi nhận là một sáng lập viên hàng đầu và đã có những đóng góp quan trọng vào các hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục.

Cuối năm 1907, Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa, nhân có vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội bị lộ, các yếu nhân của phong trào bị truy lùng gắt gao. Đào Nguyên Phổ lẩn tránh trong nhà một người bạn ở phố Hàng Than. Mấy tháng sau đó, biết khó thoát thân và không muốn gây hệ lụy cho bạn, ông đã tuẫn tiết tại nhà bạn vào ngày 22/6/1908. Bạn bè và gia đình đã bí mật đưa thi hài ông về quê an táng.

Sự nghiệp để đời của Đào Nguyên Phổ khá đồ sộ với những trước tác về lịch sử, văn chương, báo chí và giáo dục. Nhiều nguồn sử liệu đã khẳng định ông là nhà chí sĩ kiên trung, nhà báo tiên phong, nhà giáo dục mang tư tưởng canh tân.

Nếu như lịch sử báo chí của Việt Nam ghi nhận Đào Nguyên Phổ thuộc thế hệ khơi nguồn dẫn mạch, xây móng đắp nền thì con trai ông là Đào Trinh Nhất lại được đánh giá là thế hệ nhà báo chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, đồng thời cũng là người đi tiên phong ra số báo xuân đầu tiên trong lịch sử báo chí nước nhà.

Năm 1907, Đào Trinh Nhất mới 7 tuổi đã được cha đưa vào thụ giáo tại Trường Đông Kinh nghĩa thục. Khi trường bị đóng cửa và cha tuẫn tiết, Đào Trinh Nhất được gia đình cho theo học chữ Hán 10 năm tại Hà Đông. Đến năm 18 tuổi được vào học tại Quốc Tử Giám ở Huế. Nối chí cha, chàng thanh niên họ Đào này không mơ tưởng đến chuyện học để làm quan mà đã dấn thân vào nghề báo, nghiệp văn.

Năm 20 tuổi, Đào Trinh Nhất nhận lời làm cộng tác viên, chuyên viết xã luận cho tờ Thực nghiệp dân báo, hai năm sau nhận làm biên tập viên tờ Hữu Thanh, khi mới ra đời tờ báo này do Tản Đà làm chủ bút. Liền sau đó, Đào Trinh Nhất được mời phụ trách chính Đông Pháp thời báo (phụ trương tiếng Việt của tờ France - Indochine).

Một bước ngoặt lớn trong cuộc đời giúp Đào Trinh Nhất trọn đời theo nghề báo là vào đầu năm 1926, ông được tuyển chọn sang theo học tại Khoa Báo chí của Trường Đại học Sorbonne (Pháp) và là người Việt Nam đầu tiên có bằng đại học báo chí. Những năm học tại trường này, ông thường tham gia viết báo Việt Nam hồn.

Khi trở về nước, Đào Trinh Nhất đã sớm trở thành một nhà báo có danh tiếng, được nhiều tờ báo trong nước mời cộng tác. Thời gian đầu, ông viết nhiều cho báo Công luận và báo Thần chung. Năm 1929, ông được mời làm chủ bút tờ Phụ nữ tân văn, sang năm sau kiêm luôn chủ bút tờ Đuốc nhà Nam và mở ra kỷ nguyên mới về báo xuân từ năm 1934. Năm 1936, Đào Trinh Nhất sáng lập tờ báo Mai. Do có nhiều bài viết ca ngợi các chí sĩ yêu nước như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, ca ngợi Đông Kinh nghĩa thục và các tấm gương yêu nước nên vào giữa năm 1939, nhà cầm quyền đã ra lệnh khẩn cấp trục xuất Đào Trinh Nhất khỏi Nam Kỳ và bị giải về Hà Nội.

Trong khoảng 10 năm ở Hà Nội, ngoài việc làm chủ bút cho các báo: Trung Bắc chủ nhật, Ngày mới, Cải tạo... ông còn có nhiều bài viết sắc sảo cho nhiều tờ báo đương thời như Nước Nam, Việt thanh, Tri tân, Tiểu thuyết thứ bảy... Năm 1949, Đào Trinh Nhất trở lại Sài Gòn, được mời làm tham vụ báo chí trong nội các của chính quyền Nguyễn Phan Long và tiếp tục viết nhiều cho các báo Ánh sáng, Sài Gòn mới, Dân thanh... rồi đột ngột qua đời vào ngày 23/2/1951 trong khi đang dịch dở dang cuốn Liêu trai chí dị.

So với người cha của mình thì sự nghiệp trước tác trong nghề báo, nghiệp văn, dịch thuật của Đào Trinh Nhất có phần đồ sộ hơn. Sức viết, sức làm việc của ông thật khôn lường. Nét tương đồng giữa hai cha con họ Đào làng Thượng Phán là dốc chí, dốc tâm, dốc sức viết báo, viết văn, viết sử và dịch thuật cốt là nhằm thức tỉnh tinh thần dân tộc, cổ súy lòng yêu nước. Dưới sự kiểm soát gắt gao của nhà cầm quyền, nhiều tác phẩm của hai cha con ông đã phải lựa cách viết khôn khéo để tùy theo từng thời điểm có thể công bố được. Tư tưởng tiến bộ và trước tác của cha con “hổ phụ, hổ tử” Đào Nguyên Phổ - Đào Trinh Nhất không chỉ mang giá trị vô cùng quý giá cho làng báo, làng văn Việt Nam mà còn là những di sản trường tồn cùng đất nước

Ngôi từ đường họ Đào ở làng Thượng Phán đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa. Trong khuôn viên của ngôi từ đường này đã trưng bày khá nhiều tư liệu quý hiếm về “hổ phụ, hổ tử” nhà báo họ Đào. Đặc biệt là một thư viện tư nhân mang tên Đào Nguyên Phổ do nhà giáo Đào Văn Mẫn hậu duệ của ông khởi xướng đến nay đã có tới hàng ngàn đầu sách đủ loại có sức cuốn hút các đối tượng bạn đọc gần xa.

Nguyễn Thanh
Vũ Quý, Kiến Xương