Nguyễn Văn Năng - nhà báo, nhà thơ cách mạng
Di tích lịch sử văn hóa, khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Năng ở xã Đông Quan (Đông Hưng). Ảnh: Hà Dung
Ông sinh trưởng trong một gia đình nông dân nhưng được cha mẹ nuôi cho ăn học. Từ nhỏ Nguyễn Văn Năng đã chăm chỉ học tập, sau khi học xong bậc tiểu học ở Thái Bình, ông chuyển sang Trường Thành Trung, Nam Định. Tại đây, Nguyễn Văn Năng đã có điều kiện gặp gỡ một số nhà yêu nước đương thời và đọc những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 3/1926, Nguyễn Văn Năng cùng một số học sinh Trường Thành Trung tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau sự kiện này, Nguyễn Văn Năng bị đuổi học. Về Thái Bình, mùa thu năm 1927 Nguyễn Văn Năng và một số bạn thân tín đã mở Trường Tư thục Minh Thành (Minh Thành học hiệu), thu hút thanh, thiếu niên vào học, vừa dạy chữ vừa tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước. Mục đích việc mở trường đã được ông viết:
Chẳng phải vì ham kiếm lợi danh
Mở trường dạy học để mai hành
Làm cho dân chúng đầu thêm sáng
Xây lại non sông chí quyết thành.
(Vào cuộc đấu tranh)
Ngày 20/12/1927, tại Trường Tư thục Minh Thành, Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng được thành lập, Nguyễn Văn Năng được bầu làm Bí thư. Năm 1928, phong trào cách mạng trong thanh niên phát triển rộng khắp ở Thái Bình cần có sự chỉ đạo thống nhất toàn tỉnh, Đại hội đại biểu Thanh niên Thái Bình được triệu tập, Nguyễn Văn Năng được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Thanh niên cách mạng tỉnh Thái Bình. Sang năm 1929, khi phong trào cách mạng phát triển đòi hỏi phải thành lập một đảng cách mạng thì Nguyễn Văn Năng bị thực dân Pháp bắt, kết án “5 năm cấm cố” và đày ông ra Côn Đảo.
Ngay sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Nguyễn Văn Năng được kết nạp vào Đảng tại nhà tù Côn Đảo, nơi ông đang bị giam giữ. Năm 1933, Nguyễn Văn Năng ra tù, trở về Thái Bình được giới thiệu vào ban Tỉnh ủy lâm thời, tiếp tục hoạt động. Cuối năm 1933, Nguyễn Văn Năng bị bắt lần thứ hai, bị giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), rồi đưa đi đày ở nhà ngục Sơn La. Năm 1936 ra tù, Nguyễn Văn Năng lại tiếp tục hoạt động và được Đảng cử vào nhóm hoạt động công khai. Trong cương vị công tác mới, với bút danh “Thôn Dân”, Nguyễn Văn Năng đã viết nhiều bài báo, làm nhiều bài thơ tố cáo tội ác của bọn thực dân, phong kiến, hô hào quần chúng đứng lên đấu tranh cách mạng. Tháng 6/1940, Nguyễn Văn Năng bị bắt lần thứ ba, bị đưa đi đày ở nhà tù Pắc Mê (Hà Giang), Phấn Mễ, Chợ Chu (Thái Nguyên). Sau gần 5 năm bị giam giữ, đầu năm 1944, Nguyễn Văn Năng ra tù. Trở lại Thái Bình, được Tỉnh ủy phân công phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Nguyễn Văn Năng được cử vào Ủy ban cách mạng lâm thời. Năm 1946, ông được bầu vào Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, vào HĐND tỉnh, vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình, được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính rồi Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh và làm Hội trưởng Hội Văn hóa.
Trong các năm 1949 - 1952, Nguyễn Văn Năng được điều động lên Liên khu III, được bầu vào Khu ủy, làm Giám đốc Sở Lao động liên khu. Từ năm 1953 được điều về Bộ Lao động, làm Vụ trưởng Vụ Bảo hộ lao động, Hiệu trưởng Trường Lao động tiền lương của Bộ. Năm 1962 ông về hưu, năm 1964 ông bị ốm rồi qua đời. Nguyễn Văn Năng đã cống hiến trọn đời cho cách mạng. Ông là một trong những người đầu tiên đưa chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Đảng vào Thái Bình; là một trong những người sáng lập ra tổ chức Thanh niên cách mạng, chuẩn bị về mặt tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Thái Bình. Nguyễn Văn Năng là một chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất, một cán bộ tận tụy với mọi nhiệm vụ được giao.
Ngoài làm báo, Nguyễn Văn Năng còn là một nhà thơ, có nhiều thơ hay, từ năm 17 tuổi ông đã có thơ đăng trên báo Thực Nghiệp, Nam Phong. Năm 1936 - 1939 thơ ông lại được đăng trên các báo Thời thế, Tin tức.
Thơ Nguyễn Văn Năng trước hết thể hiện ý chí cách mạng của ông, của những chiến sĩ cộng sản thời ấy. Trong khoảng thời gian hơn 20 năm hoạt động cách mạng (1926 - 1945) ông đã ba lần bị thực dân Pháp bắt, bị giam cầm trong các nhà tù khét tiếng tàn bạo của giặc như Côn Đảo, Sơn La, Pắc Mê, Hỏa Lò... bị đánh đập tra khảo đến mức “Đầu choáng váng, trái tim như ngừng lại/Toàn thân thể chân tay như liệt bại” nhưng tác giả vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, vẫn tin tưởng ở tương lai tốt đẹp, tươi sáng. Bài “Tôi không chết, tôi còn sống mãi!” có đoạn tác giả viết:
“Tôi không chết! Trong giờ đây tạm bại
Nước triều lui chẳng phải nước triều tan
Lá cây rơi chẳng phải gốc cây tàn
Đương chứa đựng nhựa
để đâm chồi mạnh đẹp
*
Sông nước chảy trong khe rừng nhỏ hẹp
Sẽ tràn ra bể rộng mênh mang...”.
Bài thơ có 32 câu nhưng có nhiều điệp khúc “Tôi không chết, tôi còn sống mãi” như khẳng định chân lý tất thắng của chủ nghĩa cộng sản, sự hy sinh của những đảng viên của Đảng.
Cũng như nhiều chiến sĩ cộng sản thời ấy, Nguyễn Văn Năng đã dùng thơ ca để tuyên truyền cách mạng:
“Tôi sống mãi giữ lời thơ trầm bổng
Lời thơ tôi là những giọt bi hùng
Cả tiếng vang thời đại chất bên trong
Với một sức vô cùng không tuyệt vọng!”
Thơ Nguyễn Văn Năng lấy đối tượng là nhân dân, đặc biệt là nông dân để miêu tả, để hô hào làm cách mạng. Bài “Đời sống nông dân” tác giả đã nói lên nỗi cực khổ vì “công nợ”, vì phải làm lụng đầu tắt mặt tối, làm đến “kiệt sức tàn hơi”, hết ngày này sang ngày khác: “Ngày mai rồi cũng như ngày trước/Thống khổ sao đành cũng thế thôi”. Tác giả chỉ ra nguyên nhân của nỗi thống khổ ấy và kêu gọi:
“Cả già trẻ, lẫn gái trai
Cái thân nô lệ suốt đời đau thương
Trước trừ bọn hung tàn bạo ngược
Là những phường láo xược dã man
Sau là cả lũ gian tham
Cường hào địa chủ vua quan một loài”.
(Kêu gọi phụ nữ)
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Văn Năng trở thành người lãnh đạo công tác văn hóa - xã hội ở Thái Bình. Ở cương vị Hội trưởng Hội Văn hóa Thái Bình, ông đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên, khích lệ.
Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Nguyễn Văn Năng (1902 - 2022) xin giới thiệu với bạn đọc đôi điều về ông - một nhà báo, nhà thơ cách mạng.
Phạm Minh Đức
Thành phố Thái Bình
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính “chắc - sắc - đắc”
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- Gắn nhiệm vụ công tác công an với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
- Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025