Hơn nửa thế kỷ chờ chồng
Thương nhớ khôn nguôi
Mở đầu câu chuyện cụ Lạc kể với chúng tôi rành rẽ thế này: “Tôi đẻ cái Hoan mới được 12 ngày thì ông ấy có giấy gọi đi bộ đội. Cái Nhung lớn nhất thì mới 8 tuổi, còn cái Tâm được 6 tuổi, ông ấy đóng quân ở Quỳnh Côi được một tháng thì được về thăm nhà 2 ngày, ông ấy ôm con bé Hoan nó cứ khóc ngằn ngặt vì tôi thiếu sữa, ông ấy bảo tôi: Ngày mai tôi về đơn vị rồi đi miền Nam chiến đấu, có lẽ không về được với mẹ con mình nữa đâu. Ở nhà mình cố nuôi dạy các con nhé! Rồi ông ấy khóc, tôi cũng khóc theo. Năm ông ấy đi bộ đội tôi đã 33 tuổi...”. Ở tuổi 87 cụ Hà Thị Lạc - vợ liệt sĩ Phạm Văn Đản tuy không còn minh mẫn nhưng vẫn đau đáu ngóng chồng và thốt lên: Tìm thấy mộ ông ấy rồi! Ở mãi tận Quảng Ngãi cơ. Nghe bảo xa lắm, cả nghìn cây số cơ mà. Nay mai đưa ông ấy về là tôi xong phận sự làm vợ rồi tìm lối theo ông ấy về với cõi tiên.
Dù không bị lẫn hoàn toàn nhưng nghe cụ Hà Thị Lạc kể ngày tiễn chồng đi bộ đội không ai cầm được nước mắt, cụ Lạc nói ngược thế này: “...Ông ấy đẻ 3 đứa con gái, rồi để tôi nuôi một mình, ông ấy đi vào miền Nam rồi đi mãi không về. Ở cái thôn Phú Vinh này, cùng đi bộ đội một đợt với ông Đản có bảy, tám người chỉ có ông Thuấn, ông Mẫn là còn sống để về, còn là nằm lại miền Nam hết”. Gặp lại chị Phạm Thị Nhung, 61 tuổi, là con gái cả của liệt sĩ Phạm Văn Đản, chị Nhung trước đây công tác ở ngành tài chính tỉnh, sau đó chuyển qua công tác ở Hội Nông dân tỉnh rồi về hưu đã 6 năm nay ở tổ 9, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình. Hỏi chị Nhung những kỷ niệm về bố, nước mắt lưng tròng “Em nhớ bố em lắm! Ngày bố em đi bộ đội em vui quá cứ đu lên giàn mướp trước nhà, giàn mướp bị đổ ập xuống, bố dùng que đét cho mấy cái vào mông. Em khóc, bố lại thương và ôm em thủ thỉ: “Ở nhà con phải ngoan, chăm học và nhường hai em nhé, bố đi bộ đội đánh thắng giặc Mỹ rồi bố về với con...”. Thế mà bố em không bao giờ về với mẹ và chúng em nữa. Tháng 5/1969 gia đình em nhận được giấy báo tử. Giấy báo tử ghi: Đồng chí Phạm Văn Đản, sinh năm 1938, quê quán thôn Phú Vinh, xã Đồng Phú, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Nhập ngũ tháng 1/1968. Đơn vị Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng (E22, F3 Sao Vàng) hy sinh ngày 27/2/1969. Nơi hy sinh xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi an táng tại nghĩa trang gần đơn vị... Chị Nhung khóc nghẹn: “Mẹ em thao thức và chờ đợi mong ước đưa được hài cốt bố em về quê lắm. Tết năm nào và giỗ nào của bố, mẹ em cũng nhắc các con gái, con rể tìm cách đưa hài cốt của bố về cho mẹ, chúng em cũng đã nhiều lần liên hệ tìm kiếm nhưng thông tin về phần mộ và hài cốt của bố vẫn mập mờ, không rõ địa chỉ cụ thể. Có lần hỏi trung tâm Ma Rin họ cũng chỉ cho biết chung chung”. Chị Nhung đã lên mạng rà khắp các nghĩa trang của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định không có bất cứ thông tin nào về phần mộ Phạm Văn Đản trùng khớp với thông tin quê quán, đơn vị, nơi hy sinh đã ghi trong giấy báo tử... Thương bố mấy chục năm hy sinh chưa biết nằm ở nghĩa trang nào, thương mẹ tuổi cao, mắt kém, tay run, chân chậm đằng đẵng chờ đợi, ngày ngày đứng dựa cửa ngóng trông. “Mẹ em tự lập và chịu đựng ghê lắm, bà không muốn phiền con, phiền cháu, con nào đón về ở cũng không ưng, thương con, quý cháu, quý chắt lắm chỉ lên ở vài ba ngày rồi đòi về quê. Năm 2011, nhà cấp bốn xuống cấp, xã Đồng Phú đã hỗ trợ kinh phí xây dựng cho mẹ em gian nhà tình nghĩa và mẹ em ở một mình. Tuổi cao lúc tỉnh, lúc lẫn, nhỡ đêm hôm mệnh hệ gì thì chúng em biết làm sao” - Chị Nhung bật khóc khi nói về mẹ như vậy.
Hành trình tìm phần mộ liệt sĩ Phạm Văn Đản
Cuối năm 2019, giấy báo tử liệt sĩ Phạm Văn Đản được chị Nhung chuyển tới ông Bùi Văn Tý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình. Nhiều ngày sau đó ông Bùi Văn Tý thực hiện kết nối thông tin, tìm kiếm phần mộ và hài cốt liệt sĩ. Danh sách toàn bộ trên 2.500 liệt sĩ của các đơn vị thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng là những người con yêu của quê hương Thái Bình hy sinh tại các tỉnh phía Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được rà đi rà lại. Các liệt sĩ có tên Đảnh, Đảng, Đảm, Đam, Đãm... Đản cũng được rà đi rà lại, phân tích đánh giá chỉ thấy có tên liệt sĩ Phạm Văn Đảnh hiện có phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi là có một số thông tin trùng khớp với giấy báo tử của liệt sĩ Phạm Văn Đản, xã Đồng Phú, huyện Đông Hưng, như trùng họ, trùng ngày nhập ngũ, trùng đơn vị... Đặc biệt, khi rà soát danh sách hàng ngàn liệt sĩ của huyện Tiền Hải thì không có liệt sĩ nào có tên Phạm Văn Đảnh trên bia mộ ghi xã Đồng Phúc - Tiền Hải. Từ cơ sở này cho phép khẳng định một phần phần mộ liệt sĩ Phạm Văn Đảnh đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi chính là phần mộ liệt sĩ Phạm Văn Đản quê xã Đồng Phú, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Sau khi kết nối và đánh giá thông tin phần mộ ghi danh liệt sĩ Phạm Văn Đảnh không có tại các xã của huyện Tiền Hải mà chỉ có sự nhầm lẫn khi đơn vị tổ chức quy tập phần mộ liệt sĩ vào nghĩa trang đã có sự nhầm lẫn giữa tên liệt sĩ tên là Đản thành tên liệt sĩ Đảnh và nhầm quê Đồng Phú, huyện Đông Hưng thành Đồng Phúc - Tiền Hải. Từ các dữ liệu được Câu lạc bộ thiện nguyện hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình có được đã trực tiếp hướng dẫn gia đình liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cho phép đối chiếu các thông tin từ danh sách liệt sĩ của Sư đoàn 3 Sao Vàng và lý lịch nghĩa trang đính chính phần mộ mang tên liệt sĩ Phạm Văn Đảnh ở khu A, lô số 2, hàng số 3, số mộ 11 trước đó có ghi trên phần mộ quê Đồng Phúc - Tiền Hải, chính là phần mộ liệt sĩ Phạm Văn Đản quê thôn Phú Vinh, xã Đồng Phú nay là xã Minh Phú, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Sau khi được cơ quan chức năng của Sư đoàn 3 Sao Vàng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, câu lạc bộ thiện nguyện hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình tận tình hướng dẫn và làm các thủ tục đính chính thông tin ba người con gái của liệt sĩ Phạm Văn Đản đã biết được nơi an nghỉ của bố. Tháng 7/2020, Phạm Thị Tâm, con gái thứ hai và anh Phạm Văn Thắng là cháu của liệt sĩ Phạm Văn Đản đã lên đường vào nghĩa trang liệt sĩ xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi để dâng hương các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại nơi này, được thắp hương và được khóc bên phần mộ của người bố thân yêu mà suốt 53 năm qua người mẹ yêu quý của các chị đằng đẵng đợi chờ, đằng đẵng khóc, khóc đến cạn khô nước mắt.
Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính “chắc - sắc - đắc”
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- Gắn nhiệm vụ công tác công an với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
- Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025