Chủ nhật, 24/11/2024, 23:08[GMT+7]

Hưng Hà: Nông nghiệp hiện đại - nông thôn khởi sắc

Thứ 2, 04/07/2022 | 10:19:12
13,289 lượt xem
Sau gần 14 năm thực hiện, Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã lan tỏa, đi vào cuộc sống. Nghị quyết như luồng gió mới khuyến khích, động viên nông dân huyện Hưng Hà mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm, khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn mới (NTM) văn minh.

Mô hình trồng dưa lưới ở xã Tiến Đức (Hưng Hà) sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel.

Mở đường hướng tới nông nghiệp hiện đại

Trên cánh đồng thôn Ngũ Đông, xã Điệp Nông niềm vui được mùa lạc xuân đã làm vơi đi phần nào nỗi vất vả của người dân. Bà Đoàn Thị Sa, thôn Ngũ Đông vui vẻ cho biết: Đây là vụ thứ hai gia đình tôi chuyển đổi từ vùng sản xuất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng 5 sào lạc. Dù chịu ảnh hưởng do thời tiết bất thuận từ đầu vụ nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm chăm bón nên năng suất cao gấp 1,5 lần so với năm 2021. Trừ chi phí gia đình tôi đạt 5 - 6 triệu đồng/sào. Sản phẩm thu hoạch đến đâu xe đến tận ruộng thu mua đến đó. Được mùa lại được giá nên bà con ai cũng phấn khởi.

Bà Nguyễn Thị Lương, Phó Giám đốc HTX DVNN Điệp Nông chia sẻ: Cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết tam nông, HTX đã tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; vận động nhân dân dồn đổi ruộng đất, cơ giới hóa sản xuất; đẩy mạnh đầu tư thâm canh, tập huấn, bố trí cơ cấu giống, mùa vụ hợp lý nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Từ đó, từng bước hình thành các vùng chuyên canh rau màu với tổng diện tích hơn 200ha, chiếm 50% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã.

Hiệu ứng tốt từ xã Điệp Nông đã lan tỏa sang nhiều địa phương khác trong huyện. Theo thống kê, hiện nay diện tích cây màu 3 vụ trong năm của huyện đạt 11.462ha, trong đó cây màu xuân 2.528ha, cây màu vụ mùa 2.829ha, cây vụ đông 6.105ha. Một số HTX đã năng động, đại diện cho các hộ nông dân tìm doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, điển hình như các HTX DVNN: Dân Chủ, Duyên Hải, Điệp Nông, Văn Cẩm, Hồng Minh, Chí Hòa, Tân Tiến...

Ngoài ra, toàn huyện chuyển đổi được 152,7ha đất trồng lúa sang trồng các cây lâu năm và cây rau màu hàng năm; 850ha trồng cây ăn quả. Nhiều mô hình đã mạnh dạn mở rộng liên kết sản xuất có bao tiêu sản phẩm, từng bước tiến tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: mô hình trồng sen của HTX Hoa sen Vân Đài, xã Chí Hòa; trồng dưa lưới xã Tiến Đức; trồng thanh long ruột vàng xã Hồng Minh; khoai lang vụ xuân ở Tây Đô, mô hình trồng rau màu ở xã Hồng An, Dân Chủ, Điệp Nông; cây dược liệu xã Thống Nhất...

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Toàn huyện có 3 vùng quy hoạch gồm: vùng từ 200 - 300ha, vùng từ 150 - 200ha, vùng từ 100 - 150ha, phương thức luân canh đều là 2 vụ lúa chất lượng cao và 1 vụ màu. 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 1.033 tỷ đồng, tăng 1,95% so với cùng kỳ. Năng suất lúa đạt 71,5 tạ/ha/năm là một trong số các địa phương dẫn đầu năng suất lúa của tỉnh. Ngoài ra, huyện quy hoạch 153 điểm chăn nuôi tập trung, diện tích 691,12ha và 7 điểm quy hoạch nuôi cá lồng với 188 lồng cá. Toàn huyện có 176 trang trại và 2.040 gia trại sản xuất hiệu quả. Huyện chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa để nâng cao năng suất, trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đường nông thôn mới xã Hòa Bình (Hưng Hà).

Nông thôn trù phú

Hưng Hà hôm nay là vùng quê trù phú với những xóm làng bình yên, những con đường rộng rãi, sạch sẽ, người dân mộc mạc, hiếu khách. Ông Nguyễn Đức Hạnh, thôn Tây Nha, xã Tiến Đức phấn khởi chia sẻ: Giá trị lớn nhất ở nông thôn là tình làng, nghĩa xóm gắn bó chặt chẽ; hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh nông thôn bảo đảm. Niềm tin của nông dân với cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị không ngừng được nâng lên.

Theo ông Đường Khắc Thủy, Chủ tịch UBND xã Hồng An: Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết tam nông đến nay, diện mạo nông thôn trên địa bàn xã thay đổi vượt bậc trên các mặt. Phong trào chung sức xây dựng NTM được người dân đồng tình hưởng ứng. Hiện 100% đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, sạch sẽ. Đời sống kinh tế ngày càng khởi sắc. Đáng chú ý, nông dân từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự túc đã chuyển sang tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể. Ngoài ra, bà con còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị với diện tích canh tác, mỗi năm đạt bình quân 500 triệu đồng/ha, mục tiêu hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân ổn định về kinh tế, nông thôn ngày càng đổi mới và văn minh.

Bức tranh nông thôn Hưng Hà ngày càng khởi sắc, qua gần 14 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM toàn huyện đã xây dựng trên 1.294,09km đường giao thông các loại, tăng 194km so với năm 2008; 223,582km kênh cấp I - loại 3, tăng 21,63km. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,52% (năm 2008) xuống còn 1,63% (năm 2021). Trên địa bàn huyện đã hình thành 6 cụm công nghiệp với diện tích quy hoạch  229,37ha; có 53 làng nghề và 4 xã nghề, tăng 12 làng và 4 xã nghề so với năm 2008. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 52,2 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2008 (năm 2008 là 12,8 triệu đồng).

Thời kỳ mới cho tam nông bứt phá

Mặc dù Hưng Hà đã đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển tam nông song chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, thiếu sự liên kết, giá cả không ổn định, sản xuất chưa tuân thủ quy hoạch; việc ứng dụng khoa học trong sản xuất còn hạn chế; liên doanh, liên kết chưa nhiều; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít... Với mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, hội nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM, Hưng Hà phấn đấu đến năm 2025: Đất nông nghiệp được tích tụ diện tích từ 2ha trở lên đạt 50%. Chuyển khoảng 1.000ha sang trồng cây chuyên màu, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, áp dụng hình thức chăn nuôi hữu cơ, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Phấn đấu đến năm 2025 có 200 trang trại và có 400 lồng cá trên sông trở lên.

Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Vũ Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà: Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn; xây dựng NTM văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; nâng cao toàn diện thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư, bảo đảm công bằng xã hội ở nông thôn; thúc đẩy tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn để Nghị quyết thấm sâu và đi vào cuộc sống một cách thực chất và hiệu quả.

Thanh Thủy