Chủ nhật, 24/11/2024, 23:00[GMT+7]

Doanh nhân chân đất

Thứ 2, 11/07/2022 | 08:34:18
14,990 lượt xem
Từ năm 2018, anh nông dân trẻ Ngô Văn Chuẩn ở thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Anh đã mạnh dạn thuê lại ruộng đất của các hộ nông dân trong thôn, trong xã vì không có điều kiện sản xuất mà bỏ ruộng không cấy. Đến nay Ngô Văn Chuẩn đã trở thành một “đại điền” tổ chức sản xuất hiệu quả trên diện tích hơn 30ha.

Anh Chuẩn điều khiển máy bừa trên cánh đồng 30ha được tích tụ sau 5 năm.

Tích tụ ruộng đất - một chủ trương đúng và kịp thời

Tôi hỏi thăm đường rồi phi thẳng xe máy ra tận cánh đồng Hóp của thôn Mễ Sơn 1 để thực mắt chứng kiến Ngô Văn Chuẩn vận hành máy bừa. Từ xa tôi nhìn thấy hai chiếc máy bừa bánh lồng chạy băng băng trên ruộng. Ngồi trên ca bin chiếc máy bừa là một chàng trai mặt mũi lấm lem bùn đất, chỉ có nụ cười là tươi sáng rạng rỡ với hàm răng trắng muốt. Chuẩn tắt máy bừa và bước chân vào bờ đi lại phía tôi, nguyên bộ quần áo lấm lem ngái ngái hơi bùn, miệng cười thật tươi và nhanh nhảu hỏi:

- Anh ra thăm ruộng của em à! Làm ruộng vất vả lắm anh ạ. Nay em bừa và mai xuống mạ dây ruộng này trên 7ha đấy. Tuần vừa rồi em đã tranh thủ xuống mạ được khoảng 10ha, còn lại hơn 20ha ruộng nữa sẽ phải gấp rút hoàn thành cấy xong trước ngày 20/7 cho kịp thời vụ. Chuẩn khoát một vòng tay rộng và khoe: Cả khu đồng này là hơn 30ha em đã thuê, đổi của bà con trong thôn và trong xã từ hơn 4 năm nay để sản xuất. Anh nhìn có thấy sướng mắt không? “Nếu 5 năm về trước anh ra cánh đồng Hóp này thì ngao ngán vô cùng. Nơi này từng đã hình thành một bãi rác tự phát, chuột bọ nhiều lắm, ruộng từng vài trăm mảnh nhỏ, manh mún, bờ ruộng ngoằn nghoèo, bờ vùng thì nhỏ, các hộ dân chán ruộng bỏ không cấy nhiều vụ, cỏ nhiều vô kể, cỏ ba cạnh lút đầu người. Ngày đầu thuê ruộng, bố mẹ bên nội, bên ngoại và bạn bè đều gàn và bảo đừng đánh bạc ở đồng Hóp mà sạt nghiệp. Nhưng em đã quyết là em làm. Em xác định chơi “canh bạc” với sản xuất nông nghiệp để thử sức. Nay trên 30ha ruộng chỉ còn lại 5 dải thửa, thửa nhỏ nhất cũng 5ha, có thửa rộng trên 7ha, mỗi thửa dài từ 500  - 700m, chiều rộng cũng từ 100 - 200m. Bờ vùng, bờ thửa rộng và thẳng tắp, máy cày, máy bừa tha hồ mà quay vòng, máy phun thuốc diệt cỏ, máy phun thuốc trừ sâu thoải mái bay trên đồng” - Chuẩn đã nói như vậy với tôi trước khi giao lại máy bừa cho một thanh niên đang làm thuê cho ông chủ “đại điền” Ngô Văn Chuẩn rồi đưa tôi về khu dịch vụ sản xuất, kinh doanh của anh ở ngay đầu làng Mễ Sơn 1.

Khu dịch vụ sản xuất, kinh doanh của Chuẩn nằm sát với mương dẫn nước của thôn Mễ Sơn 1. Khu này trước đây là ruộng úng trũng được Chuẩn mua lại của các hộ gia đình từ 5 năm trước. Chuẩn quy hoạch và xây dựng khá bài bản với nhiều tiện ích, một khu nhà kho dùng chứa các máy nông cụ như máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gặt, khay đựng mạ. Một khu kho rộng có sức chứa khoảng trên 200 tấn thóc. Khu nhà để máy sấy công suất trên 10 tấn thóc một ngày. Khu nhà kho chứa thóc giống, phía bên kia là khu nhà để máy xay xát. Từ hơn 4 năm nay Chuẩn đã thực hiện tổ chức sản xuất khép kín từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy lúa, phòng, trừ sâu bệnh, thu hoạch đều bằng máy và tiêu thụ sản phẩm tại các địa chỉ tin cậy của hơn 10 đại lý và của doanh nghiệp đã đặt hàng tiêu thụ gạo dài hạn trong và ngoài tỉnh.

Hiệu quả và kinh nghiệm sản xuất

Dù mới thuê và tích tụ ruộng sản xuất chưa đầy 5 năm nhưng hiệu quả mô hình tích tụ ruộng đất, sản xuất, kinh doanh của Ngô Văn Chuẩn đã thấy rõ. Cụ thể là ngay từ năm đầu tiên 2018, Chuẩn hợp đồng thuê ruộng của gần 50 hộ ở vùng đất úng trũng, khó tổ chức sản xuất, nhất là cánh đồng Hóp, có bao nhiêu vốn liếng của gia đình, xoay chạy từ bạn bè và vay của ngân hàng anh dồn hết vào quy hoạch cải tạo bờ vùng, bờ thửa, hình thành ruộng đủ lớn để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Được lãnh đạo xã Tân Phong và HTX NN động viên, hỗ trợ, năm đầu tiên Ngô Văn Chuẩn đã có được niềm vui không bị lỗ từ làm ruộng. Ngô Văn Chuẩn khoe, năm 2019 từ sản xuất và kinh doanh anh thu lãi trên 400 triệu đồng. Từ năm 2020 đến nay, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh nhưng gia đình anh vẫn có lãi từ sản xuất nông nghiệp với trên 30ha ruộng. Năm 2020, trừ các khoản chi phí Chuẩn thu lãi hơn 500 triệu đồng, năm 2021 thu lãi gần 600 triệu đồng và vụ xuân 2022 gia đình anh thu được trên 180 tấn thóc. Với giá thóc thị trường hiện tại khoảng 750.000 đồng/tạ thì gia đình Chuẩn cũng có thu gần 1,4 tỷ đồng từ vụ xuân vừa qua, trừ các chi phí thuê nhân công lao động, giống, phân bón, chi phí cho các dịch vụ bảo vệ thực vật, nước tưới và các khoản chi phí khác Chuẩn thu lãi  khoảng 700 triệu đồng. 

Ngoài việc làm giàu từ tích tụ ruộng đất cấy lúa hàng hóa, Ngô Văn Chuẩn còn tạo việc làm thời vụ cho 10 lao động tại địa phương, lao động điều khiển máy cày, máy bừa, máy gặt, máy sấy lúa được trả 500.000 đồng/ngày, lao động tiếp mạ cấy, tỉa dặm lúa được trả 200.000 đồng/ngày công. Thành công lớn là Ngô Văn Chuẩn đã góp phần khắc phục tình trạng bỏ ruộng không sản xuất của xã Tân Phong tồn tại từ nhiều năm trước đây.

Ngô Văn Chuẩn có kinh nghiệm gì để phổ biến rộng rãi cho nhiều người cùng làm tích tụ ruộng đất sản xuất lúa gạo hàng hóa không? Tôi đặt câu hỏi. Chuẩn cầm lên tay tờ Báo Thái Bình và nói với tôi: Thưa anh, chúng em muốn làm được như vậy, trước hết phải nắm chắc chủ trương, chính sách của tỉnh anh ạ. Đây anh xem, Báo Thái Bình đã đăng Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh nói rất rõ tỉnh ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021- 2025. Chuẩn cười tươi và nói tiếp, có cơ chế, chính sách của tỉnh về tích tụ ruộng đất rồi, giờ chỉ còn vấn đề nông dân có yêu ruộng hay không mà thôi.

Cơ chế thuê ruộng của các hộ nông dân được ràng buộc như thế nào? Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và việc sản xuất lúa hàng hóa Chuẩn có bí quyết nào không? Tôi hỏi tiếp. Ngô Văn Chuẩn nói ngay về việc thuê ruộng của các hộ gia đình thì đã có chính quyền xã, có HTX NN và các trưởng thôn chịu trách nhiệm về tính pháp lý. Chuẩn được mời tham dự các cuộc họp thôn và xã với các hộ nông dân có nhu cầu cho thuê ruộng, biên bản được ký kết giữa các bên, chính quyền, HTX, trưởng thôn, chủ hộ cho thuê ruộng và người thuê ruộng. Hợp đồng thuê ruộng được ký có giá trị pháp lý với thời hạn 5 năm hoặc 10 năm, khi hết hợp đồng Chuẩn tiếp tục ký thuê 5 hoặc 10 năm tiếp theo và mỗi năm trả cho chủ hộ cho thuê bằng 30kg thóc/sào. 

Còn về giống Chuẩn chọn gieo cấy cho 30ha ruộng hai giống chủ lực là BC15 và TBR-225. Năm đầu chưa chủ động được nguồn giống thì mua giống của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, nay thì Chuẩn đã chủ động được giống lúa cho sản xuất. Còn về bảo vệ thực vật thì Chuẩn liên hệ trực tiếp nhờ cán bộ kỹ thuật của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Vũ Thư về kiểm tra ngay từ lúc gieo mạ, đưa mạ ra đồng và hướng dẫn phòng, trừ sâu bệnh mỗi vụ. Các dịch vụ về điện và nước tưới thì hợp đồng với HTX NN Tân Phong. Dịch vụ máy phun thuốc trừ cỏ, máy bay phun thuốc trừ sâu thì liên kết với các bạn trong câu lạc bộ “đại điền” của tỉnh giúp đỡ. Ngô Văn Chuẩn nhắc đi nhắc lại với tôi, đã yêu ruộng và yêu nghề sản xuất nông nghiệp thì phải thường xuyên bám ruộng, lội đồng, phải chịu khó học tập tiếp thu tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, phải tuân thủ quy trình sản xuất “bốn đúng” làm ruộng mà buông lơi một khâu, chủ quan thời vụ thì mất trắng như chơi.

Ngô Văn Chuẩn - một nông dân trẻ dám nghĩ dám làm bứt phá từ tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa hàng hóa. Và như vậy anh đã đón bắt được mục tiêu vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 là phát triển toàn diện, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm nâng cao giá trị gia tăng bền vững, lấy thị trường làm cơ sở để định hướng sản xuất, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Nông dân trẻ Ngô Văn Chuẩn chính là những nhân tố quan trọng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn tới. Một mô hình sản xuất của “doanh nhân chân đất” rất cần được quan tâm và nhân rộng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.


Nguyễn Công Liêm
Thành phố Thái Bình