Thứ 7, 20/04/2024, 00:38[GMT+7]

Lá thư duy nhất từ chiến trường - Kỷ vật cuối đời của liệt sĩ Phạm Tùng Duân

Thứ 3, 26/07/2022 | 15:17:54
15,106 lượt xem
Lá thư của liệt sĩ Phạm Tùng Duân, xã Tây Phong (Tiền Hải) viết gửi gia đình cũng là kỷ vật cuối đời mà người thân có được từ người chiến sĩ ấy. Dù năm tháng đã đi xa, nhưng mỗi lần đọc lại lá thư ấy con tim lại nhói đau, dường như hình ảnh, lời nói của liệt sĩ Phạm Tùng Duân vẫn văng vẳng, hiện về trong tâm trí của những người thân.

Lá thư của liệt sĩ Phạm Tùng Duân.

Khi đọc những dòng chữ trong lá thư đã bị hoen ố màu thời gian, nét chữ tuy có mờ nhưng chúng tôi thực sự xúc động, không thể kìm nén được cảm xúc. Lá thư của liệt sĩ Duân tuy chưa đầy 2 mặt giấy nhưng đã lột tả lên được cuộc hành trình hơn 100 ngày mà người liệt sĩ ấy gọi là “vạn lý Trường Sơn đi cứu nước”. Bức tâm thư với những trang viết đầy lắng đọng của người chiến sĩ gửi đến bố mẹ thân yêu, người vợ dịu hiền, các con và ý thức trách nhiệm trước vận mệnh Tổ quốc.

 Bà Trần Thị Hòe - vợ liệt sĩ Duân đến thắp hương phần mộ chồng tại Nghĩa trang Liệt sĩ trung tâm huyện Tiền Hải.

Chia sẻ với tôi, chị Phạm Thị Vân – người con út của liệt sĩ Phạm Tùng Duân cho biết: Bố Duân sinh năm 1934 trong gia đình truyền thống yêu nước nên ông đã thấm nhuần lý tưởng cách mạng. Ông đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông trở về quê hương, lao động sản xuất, lập gia đình với mẹ tôi tên là Trần Thị Hòe và sinh được 3 người con lần lượt đặt tên là Trung, The, Vân. Vốn là người nhiệt tình, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương nên ông được cử làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ái Quốc (nay là xã Tây Phong và xã Tây Tiến). Năm 1965, theo tiếng gọi của miền Nam thân thương, bố tôi lại tái ngũ lên đường chiến đấu tại Sư đoàn 3 hay còn là Sư đoàn bộ binh 3, Sư đoàn Sao Vàng. Lá thư bố tôi viết gửi về gia đình là ngày 15/5/1968. Đó là lá thư từ tiền tuyến gửi về thăm sức khỏe thầy mẹ ở quê hương. Và cũng phải sau gần 5 tháng, ngày 10/10/1968 gia đình mới nhận được  những dòng chữ viết tay đầu tiên của liệt sĩ Duân.

Mở đầu lá thư, liệt sĩ Duân viết: “Hơn 100 ngày cuộc hành trình vạn lý Trường Sơn con tới địa điểm, sức khỏe tất nhiên bị ảnh hưởng nhưng vẫn đảm nhiệm chiến đấu tốt. Ở ngoài Bắc thầy mẹ, cô chú thím, em Hòe yên tâm sản xuất tốt, còn sinh hoạt nếu có gặp khó khăn cũng không nên kêu ca. Con cảm thấy cuộc sống như những ngày con ở ngoài ấy thì thần tiên lắm đấy. Còn tình hình ở trong này nhân dân nhiệt tình giúp đỡ cách mạng lắm. Còn tất nhiên chiến đấu phải đổ máu, phải hy sinh, vì độc lập – thì gia đình ta và con cũng sẵn sàng”.  

Những dòng thư đầy tâm huyết ấy đã phần nào tái hiện được chiến trường bom đạn khốc liệt. Nhưng với tình yêu Tổ quốc, người chiến sĩ Phạm Tùng Duân sẵn sàng đổ máu, hy sinh vì độc lập tự do. Ông vẫn không quên nhắn nhủ rằng “Đâu có phải dễ mà được hy sinh phải không thầy mẹ và em Hòe. Miền Nam rất nhiều chuyện muốn tâm sự với gia đình, chờ bao giờ hoàn thành nhiệm vụ trở về ngồi ăn cơm tối với gia đình ta sẽ vui kể chuyện”. Lời nói đó như là liều thuốc an thần đối với gia đình khi ngày ngày vẫn ngóng chờ tin phương xa. Họ chờ mong, chờ mong ngày người chiến sĩ ấy trở về để nghe câu chuyện chiến trường miền Nam, nghe kể về cuộc sống và tình cảm đồng đội của người lính trong mưa bom bão đạn.

Ngày 10/10/1968, khi nhận được lá thư đầu tay, gia đình liệt sĩ Duân rất vui mừng, phấn khởi. Nhưng có ai ngờ rằng, đó cũng là kỷ vật cuối cùng mà liệt sĩ Duân gửi về gia đình. Bởi liệt sĩ Duân đã hy sinh trước đó gần 1 tháng, vào ngày 13/9/1968. Nhưng do chiến tranh loạn lạc, mãi đến sau ngày giải phóng gia đình mới nhận được tin báo tử của liệt sĩ Duân. Bằng ấy năm gia đình vẫn mòn mỏi ngóng chờ ngày đón người con, người chồng, người cha trở về xum họp, cùng ngồi ăn cơm tối và kể câu chuyện về miền Nam như lời người chiến sĩ ấy đã từng hứa. Tất cả đã trở thành quá khứ.

Không có gì đau bằng nỗi đau mất người thân. Liệt sĩ Duân đã ra đi ở tuổi 34 để lại bố mẹ già, người vợ thảo hiền cùng 3 người con thơ dại. Cuộc sống sau ngày đất nước giải phóng với muôn vàn khó khăn. Nhưng với lời hứa trước di ảnh của liệt sĩ Duân, các thành viên trong gia đình cùng động viên nhau, vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống, góp sức người, sức của xây dựng quê hương, xứng đáng với sự hy sinh của ông và đồng đội.

Chị Phạm Thị Vân - con gái út của liệt sĩ Phạm Tùng Duân và bức thư kỷ vật bố để lại. 

Theo chia sẻ của chị Vân, điều may mắn nhất đó là sau khi bố hy sinh đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bình Định an táng. Sau nhiều năm tìm kiếm thông tin, đến năm 2011 được sự giúp đỡ của các ngành, địa phương và đơn vị, gia đình đã tìm và đưa được hài cốt của liệt sĩ Duân về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ trung tâm huyện. Vào ngày lễ, tết, các thành viên trong gia đình lại đến Nghĩa trang Liệt sĩ để thăm phần mộ và thắp nén hương thơm cho người chồng, người cha.

Năm tháng trôi qua, nỗi đau của gia đình liệt sĩ Phạm Tùng Duân cũng vơi đi phần nào. Những đóng góp, hy sinh của liệt sĩ Phạm Tùng Duân mãi mãi trường tồn cùng non sông đất Việt. Liệt sĩ Phạm Tùng Duân đã được Đảng, Nhà nước tặng Bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Chiến công giải phóng. Trong mỗi tấm bia tại Nghĩa trang Liệt sĩ trung tâm huyện hay Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tây Phong, tên tuổi của liệt sĩ Duân được khắc trên bia đá như một sự ghi danh công lao với Tổ quốc, với quê hương thân yêu.

Hồng Thắm

(Đài TT-TH Tiền Hải)

Phạm Thanh Bình - 2 năm trước

Thật tự hào cho các Anh hùng Liệt sỹ, trước khi hy sinh họ đều lạc quan của ác liệt trong Chiến trường, sự yêu quê hương đất nước và sự tin tưởng vào Chiến thắng. Họ quan tâm đến hậu phương, động viên bố mẹ, vợ con và người thân gia đình để có một Hậu phương vững chắc. Thật tự hào và biết ơn các LS đã hy sinh cho Tổ quốc để đem lại cuộc sống ấm lo cho ngày hôm nay.

Tải thêm