Người con xứ Thanh - rạng danh quê lúa
Đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022) và 70 năm ngày liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Công Man hy sinh, chúng tôi có mặt tại xã Đông Á (Đông Hưng) để cùng đoàn đại biểu xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) dâng hương tưởng niệm “Người anh hùng khoác áo lửa”.
Ông Trương Công Hùng, người cháu trai của Anh hùng Trương Công Man đã trao cho chúng tôi một cuốn sách được gói gém cẩn thận trong nhiều lớp giấy báo. Ông Hùng chia sẻ: Đây là tư liệu quý do con cháu dòng họ Trương Công ở Mường Phú Môn (Cẩm Phú) dày công sưu tầm về Anh hùng, liệt sĩ Trương Công Man. Cuốn sách như thước phim sống động tái hiện cuộc đời, binh nghiệp Trương Công Man để lưu truyền cho hậu thế con cháu dòng tộc muôn đời sau tự hào về một con người kiệt xuất của dòng họ Trương xứ Mường Thiên Linh, Mường Trác.
Nhà tưởng niệm Anh hùng, liệt sĩ Trương Công Man tại xã Đông Á.
Theo các tài liệu lịch sử và tài liệu do gia đình cung cấp, đồng chí Trương Công Man, sinh năm 1930, dân tộc Mường, quê ở xã Cẩm Phú. Đồng chí nhập ngũ năm 1947 thuộc Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320) – một trong những đại đoàn chủ lực chiến đấu vùng địch hậu ở vùng đồng bằng sông Hồng. Khi hy sinh, đảng viên Trương Công Man là Tiểu đội trưởng liên lạc thuộc Đại đoàn Đồng Bằng.
Sinh ra trong gia đình nghèo có 11 anh chị em nơi xứ Mường Trác xưa, nay là Cẩm Thủy rừng đồi đại ngàn. Là con thứ 3 trong gia đình, ngay từ nhỏ Trương Công Man đã thể hiện tư chất thông minh, lanh lẹ. Vừa ham học, Trương Công Man vừa lăn lội với nắng mưa lo con cá, con cua trên dòng sông Mã, bắt con ong, cái mật trên rừng phụ cha mẹ nuôi các em. Năm 1947, đồng chí xung phong nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi, được bổ sung về Đại đội 269, Tiểu đoàn 391, Trung đoàn 52, Đại đoàn Đồng Bằng. Chính vóc dáng nhỏ nhắn, rắn giỏi nhanh như con sóc trên rừng mà Trương Công Man được chọn làm liên lạc cho Đại đội trưởng Đại đội 269.
Mặc dù hoạt động vùng đồng bằng từ “bên kia sông Đáy, sông Hồng ra đến biển” nhưng chiến đấu ở vùng chiến sự nào, chiến sĩ liên lạc Trương Công Man cũng xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn, truyền đạt mệnh lệnh cấp trên kịp thời, chính xác, góp phần vào chiến thắng chung của đơn vị. Theo nhận xét của đơn vị, đồng chí Trương Công Man luôn gương mẫu về mọi mặt, chấp hành nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh cấp trên, hết lòng thương yêu đồng đội, bảo vệ cán bộ, chấp hành nghiêm túc các chính sách và kỷ luật chiến trường.
“Chiến sĩ khoác áo lửa” – danh hiệu được Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam hô vang khi nắm tay chiến sĩ trẻ Trương Công Man tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân lần thứ nhất. Niềm vinh dự, tự hào ấy chính là những thành tích xuất sắc được Trương Công Man cùng đồng đội lập công trong mỗi trận đánh ác liệt với kẻ thù.
Từ trận Yên Ninh (Ninh Bình), Tầm Phương, Thái Ninh, An Bình (Thái Bình)…, khi đơn vị được lệnh xuất kích, đồng chí Trương Công Man lập tức xung phong diệt địch ngay. Nhiều lần thương, hai lần bị bom Na-pan cả người cháy như ngọn đuốc, Trương Công Man vẫn nén đau như “con thoi” chạy đi, chạy về dưới làn mưa bom, bão đạn để đưa lệnh của cấp trên xuống các đơn vị. Không chỉ là chiến sĩ liên lạc, đồng chí còn trực tiếp cầm súng chiến đấu, chỉ huy tiểu đội tiêu diệt, bắt sống, gọi hàng hàng chục tên địch, thu nhiều súng đạn. Đặc biệt, trong trận tiến công đồn Tìm (nay thuộc xã Đông Á) vào tháng 11/1952, khi đơn vị vừa mở được một lớp hàng rào vào đồn thì đại bác địch ở các vị trí khác tập trung bắn về dữ dội. Tổ đánh bộc phá tiếp tục mở cửa dưới hỏa lực địch, tuy nhiên bị thương vong gần hết. Lúc này, Tiểu đội trưởng Trương Công Man xung phong lên đánh tiếp và bị trọng thương. Trước lúc hy sinh, đồng chí còn nhắn lại đồng đội: “Các đồng chí giữ vững quyết tâm, làm tròn nhiệm vụ”.
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Trương Công Man đã được Trung đoàn 52, Đại đoàn Đồng Bằng khen thưởng 9 lần và được bầu là Chiến sĩ thi đua của Đại đoàn; được Chính phủ, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân các loại. Ngày 31/8/1955, Trương Công Man được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Xương máu của đồng chí Trương Công Man và đồng đội đã hòa vào lòng đất mẹ để Thái Bình thêm những mùa vàng, đất nước được kết trái tự do, nở hoa độc lập. 70 năm qua, tên tuổi của người “Anh hùng khoác áo lửa” vẫn được người dân Đông Hưng, Thái Bình nhắc nhớ, tự hào về những chiến công oanh liệt của một người con ưu tú xứ Thanh đã anh dũng chiến đấu hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
Đồng chí Phí Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Á, huyện Đông Hưng (Thái Bình) Hơn 60 năm qua, khu lăng mộ, đài tưởng niệm và nhà tưởng niệm Anh hùng, liệt sĩ Trương Công Man tại xã Đông Á được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đông Hưng; cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nhiều lần trùng tu, tôn tạo khang trang và giao cho các đoàn thể địa phương chăm sóc. Nơi đây không chỉ là địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trong vùng mà còn là địa chỉ hành hương tới thăm viếng của các đoàn trong huyện, ngoài tỉnh mỗi dịp lễ, tết. Noi gương Anh hùng, liệt sĩ Trương Công Man và các anh hùng, liệt sĩ quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Á đã đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển, vững bước hướng đích xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.Đồng chí Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) Được về thắp hương cho người con ưu tú của quê hương Cẩm Phú tại nơi mà đồng chí đã anh dũng hy sinh, chúng tôi như được tìm về quê hương thứ hai của mình. 70 năm qua, Đông Hưng – Cẩm Thủy, Cẩm Phú – Đông Á luôn có sự gắn kết chặt chẽ, không chỉ cùng nhau tổ chức các hoạt động tri ân Anh hùng khoác áo lửa Trương Công Man tại hai quê mà trong các hoạt động xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội… đều có sự trao đổi, sẻ chia và hỗ trợ thường xuyên. Được sự hỗ trợ của huyện Đông Hưng và huyện Cẩm Thủy, nhà thờ đồng chí Trương Công Man tại Cẩm Thủy cũng được xây dựng khang trang, vĩnh cửu. Hai di tích ở hai địa phương như một sợi dây gắn kết hai quê hương nơi sinh ra và nơi yên nghỉ vĩnh hằng của đồng chí Trương Công Man muôn đời khăng khít.Ông Trương Công Hùng, cháu của Anh hùng, liệt sĩ Trương Công Man Xã Cẩm Phú có hơn 100 liệt sĩ thì riêng gia đình Anh hùng Trương Công Man đã hiến dâng cho Tổ quốc 4 người con ưu tú. Lớp hậu duệ dòng họ Trương Công ở Cẩm Phú hôm nay luôn tự hào về lớp cha anh đi trước đã góp công làm nên một đất Mường Cẩm Phú giàu lòng yêu nước và có truyền thống oanh liệt đánh giặc giữ làng. Sứ mệnh của chúng tôi là tiếp tục tiếp nối mạch nguồn đó. |
Hoàng Linh
(Đài TT-TH Đông Hưng)
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính “chắc - sắc - đắc”
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- Gắn nhiệm vụ công tác công an với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
- Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025