Việt Thuận: Xưa đồng khởi, nay đổi mới
Làng Thuận An xưa, Việt Thuận ngày nay là một trong những nơi có phong trào cách mạng sớm. Từ tháng 3/1927, đồng chí Nguyễn Phương Lãm, một người con làng Thuận An đã được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, cuối năm 1927, làng đã có 22 đồng chí tham gia Hội. Đến năm 1929, Chi bộ Cộng sản Thuận An được thành lập. Trong suốt thời kỳ tiền khởi nghĩa, mặc dù bị khủng bố khốc liệt nhưng Chi bộ vẫn vững vàng lãnh đạo quần chúng tổ chức nhiều phong trào cách mạng sôi nổi. Nhiều chiến sĩ cộng sản của làng là những hạt nhân tích cực tham gia tuyên truyền giác ngộ, gây dựng cơ sở cách mạng như Hồ Sĩ Kết, Hồ Sĩ Đào, Nguyễn Phương Lãm, Hồ Sĩ Luyện...
Trực tiếp tham gia biểu tình giành chính quyền năm 1945, ông Hồ Sĩ Dung, 94 tuổi, người dân thôn Thuận An, xã Việt Thuận kể lại: Không khí Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vô cùng khí thế, sôi nổi. Sáng ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thư Vũ, Chi bộ Thuận An lãnh đạo nhân dân kéo lên giành chính quyền ở huyện lỵ Vũ Tiên và chứng kiến chế độ cũ đầu hàng cách mạng; chính quyền lâm thời huyện Vũ Tiên được thành lập. Trong đó, Chi bộ Thuận An có 4 đồng chí được vinh dự cử vào Ủy ban lâm thời huyện Vũ Tiên. Đến 3 giờ chiều ngày 22/8/1945, lực lượng cách mạng hơn 300 người ở tổng Đội Trạch gồm các làng Cổ Việt, Thuận An, Thái Hạc... tập trung tại đình Thuận An để kéo đến nhà Chánh Hạp, bắt hắn phải đầu hàng và tịch thu sổ sách. Ủy ban cách mạng lâm thời làng Thuận An và các làng trong tổng Đội Trạch được thành lập, lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền thực sự thuộc về nhân dân khiến bà con phấn khởi, xúc động khôn xiết.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, gần 1.500 thanh niên Việt Thuận lên đường ra trận trong đó 232 người đã anh dũng hy sinh. Nhân dân địa phương đóng góp trên 4.300 tấn thóc, gần 100.000 tấn thực phẩm gửi ra chiến trường, huy động trên 33.000 lượt người phục vụ chiến đấu, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Việt Thuận được công nhận là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Dù khủng bố khốc liệt, mưa bom, bão đạn hay chống phá của kẻ thù, Chi bộ Thuận An vẫn vững vàng phát triển, hiện trở thành chi bộ thôn. Ông Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Chi bộ cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thôn tích cực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn văn minh. Ngoài trồng trọt và lực lượng lao động tại các xí nghiệp, bà con thi đua sản xuất chăn nuôi với 8 trang trại, gia trại tập trung. Thu nhập bình quân của người dân trong thôn hiện đạt trên 52 triệu đồng/năm. 9 năm liền Thuận An đạt danh hiệu thôn làng văn hóa. Diện mạo thôn xóm ngày nay khang trang, đổi mới.
Đảng viên Nguyễn Văn Huynh, Chi bộ thôn Việt Tiến chia sẻ: Chúng tôi rất tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương Việt Thuận giàu truyền thống cách mạng. Đây cũng là một điểm tựa để chúng tôi phấn đấu rèn luyện, vươn lên học tập, lao động tốt, nâng cao thu nhập cho gia đình và đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.
Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền xã, nhân dân Việt Thuận đã phát huy tinh thần đoàn kết, ủng hộ xây dựng, chỉnh trang diện mạo làng quê ngày càng khang trang, sạch đẹp. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Hùng cho biết: Gần 10 năm qua, xã đã huy động các nguồn lực, đầu tư hàng chục tỷ đồng, cứng hóa 270 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài trên 62km; xây dựng cơ sở vật chất các trường học; nhà văn hóa xã quy mô gần 300 chỗ ngồi; sân thể thao xã có diện tích 15.000m2; nhà văn hóa và sân thể thao của 9/9 thôn, nhiều công trình điện, đường, trường, trạm khác... Diện mạo làng quê Việt Thuận hiện nay “lột xác” hoàn toàn so với trước; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện dưới 2%.
Nhờ có ánh sáng cách mạng của Đảng soi đường, cùng với ý chí sắt đá vươn lên trong chiến đấu và trong lao động sản xuất, người dân Việt Thuận đã bền bỉ, nỗ lực vươn lên dựng xây cuộc sống mới. Một diện mạo làng quê khang trang, sạch đẹp, cuộc sống sung túc, no đủ ngày nay là thành quả mà cán bộ, nhân dân địa phương mong muốn báo đáp công ơn khai phá, đấu tranh, dựng xây của lớp lớp các thế hệ đi trước.
Người dân Việt Thuận năng động du nhập, phát triển nghề phụ nhằm nâng cao thu nhập.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính “chắc - sắc - đắc”
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- Gắn nhiệm vụ công tác công an với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
- Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025