Chủ nhật, 24/11/2024, 20:33[GMT+7]

Thái Bình hạt gạo chia ba

Thứ 2, 12/09/2022 | 09:00:20
11,345 lượt xem

Những phụ nữ ba đảm đang quạt thóc vàng gửi ra tiền tuyến ở Vũ Thư, năm 1967. Ảnh tư liệu

Nhà văn Bút Ngữ tên thật là Phan Ðình Khương, sinh năm 1931 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư. Bút Ngữ làm báo, viết văn như người thợ cày cần mẫn, đắm mình với nông dân Thái Bình thời chống Mỹ, đặc biệt trong phong trào “Dũng sĩ năm tấn, phụ nữ ba đảm đang”. Tiếp xúc với nhà văn, nhà báo Bút Ngữ, tôi được nghe ông nói về “Thái Bình hạt gạo chia ba”:

“Quê ta hạt gạo chia ba
Phần vào tiền tuyến, phần ra công trường
Một phần giành lại hậu phương
Bát cơm vơi để tình thương thêm đầy”.

Dù đã hơn chín mươi tuổi nhưng nhà văn Bút Ngữ vẫn khỏe và mẫn tiệp; hầu chuyện và hỏi ông về nghề báo cái gì ông cũng nhớ như một “bách khoa”. Nhà văn Bút Ngữ nói rằng, thời của ông làm Báo Thái Bình là thời của đèn dầu và viết tay không có máy chữ để đánh, chẳng biết đến điện thoại thông minh như bây giờ, ban ngày đi cơ sở ban đêm ngồi viết, viết thật và viết kỹ. Ngày Thái Bình phải chia hạt gạo làm ba (phần vào tiền tuyến, phần ra công trường, chỉ có một phần để lại hậu phương) dân số của tỉnh khi ấy chỉ khoảng 1,2 triệu người. Thái Bình đã phải huy động hàng chục vạn lao động trẻ khỏe từ đồng ruộng ra chiến trường, tương đương 16% dân số của tỉnh. Ngày 5/8/1964, giặc Mỹ gây sự kiện vịnh Bắc Bộ và cho máy bay ném bom miền Bắc, ném bom Thái Bình. Thế là Thái Bình vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến, trên đồng ruộng chỉ còn người già, phụ nữ, trẻ em sức yếu, trong đó 75% là lao động nữ. Trong tình trạng lao động trẻ khỏe ra chiến trường nhưng nông nghiệp Thái Bình vẫn phải “tay cày, tay súng” vươn lên để làm ra hạt thóc, củ khoai, vẫn phải nuôi con lợn, con gà để làm nghĩa vụ với Nhà nước và thực hiện “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để giải phóng miền Nam”.

Nhà văn Bút Ngữ nhớ lại ngày 16/4/1972, Mỹ mở đầu đợt ném bom lần thứ hai vào các thành phố lớn Hà Nội và Hải Phòng nhưng Thái Bình cũng trở thành mục tiêu quan trọng của máy bay Mỹ. Bởi ngày đó Thái Bình được xem như một tổng kho lương thực, thực phẩm. Mỹ ném bom làm sập cầu thì làm cầu khác, nhưng Mỹ ném bom làm vỡ đê thì nước lũ tràn vào gây thảm họa khôn lường. Mỹ đã làm việc ấy, gây tội ác như vậy với nhân dân Thái Bình và cống Ngô Xá, huyện Vũ Thư, cống Lân, cống Trà Linh bị máy bay giặc Mỹ chà đi xát lại hàng chục trận bom. Đê sông Trà Lý bị bom Mỹ khoét giữa tim đê, có quả bom nằm sâu trên chục mét... Trong hơn 800 trận đánh phá của không quân Mỹ vào tỉnh Thái Bình đợt thứ hai Mỹ đã nhằm vào mục tiêu đê và cầu cống hơn 100 trận. Toàn bộ hệ thống đê sông Hồng, sông Luộc, sông Trà, đê biển đều bị máy bay Mỹ oanh tạc và như vậy để chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nông dân Thái Bình tiếp tục động viên con em xung phong ra chiến trường. Lớp anh trước, lớp em sau, con trai con gái cứ tuổi 17, 18 là rủ nhau viết đơn tình nguyện tòng quân. Ngày đó 80% số gia đình nông thôn Thái Bình có người đi chiến đấu ở miền Nam hoặc chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn. Và trên đồng ruộng, đâu chỉ có việc cấy, việc cày mà việc trực phòng không cứu đê, chở đất hàn gắn đê cũng dựa phần lớn vào những người phụ nữ ở hậu phương.

Dân có ruộng dập dìu hợp tác...

Tôi đọc mấy cuốn sổ lưu tài liệu nghề báo của nhà văn Bút Ngữ, viết: “...Ở Hợp tác xã Tân Phong, nơi có cánh đồng Gò Mòi, bị máy bay Mỹ ném xuống tám quả bom bi mẹ, nổ bung ra hàng nghìn quả bi con. Khi được mấy anh bộ đội công binh hướng dẫn cách vô hiệu hóa bom bi, xã viên xã Tân Phong, một số tập trung trên bờ sẵn sàng băng cứu thương, nhiều xã viên xung phong xuống ruộng mò bom. Và lần ấy nông dân đã gỡ hết bom, cấy hết diện tích, bà con làm thơ tặng nhau:

“Tay mò từng quả bom xuyên
Tay nâng từng dảnh Mộc tuyền cấy theo”

Những năm tháng ấy nông dân Thái Bình đã dựa vào nhau trong hợp tác xã để cấy cày, để sản xuất. Họ giúp nhau khắc phục khó khăn do lực lượng lao động yếu và thiếu, tình thương yêu của nông dân là một tập thể, vì nhiều người cùng chung cảnh ngộ, vắng chồng con, cha yếu mẹ già. Hợp tác xã thời chống Mỹ như một tổ chức tổng quản, quán xuyến từ sản xuất đến đời sống của nông dân, ai cũng thuộc lòng “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đó như mệnh lệnh từ tiền tuyến gửi về hậu phương. Hợp tác xã của một thời tiếng kẻng làm mệnh lệnh ra đồng của nông dân, của một thời tiếng kẻng ba phòng, tiếng kẻng phòng không. Đã làm nên những mùa vàng đẹp. Nếu không có tiếng kẻng ra đồng và hợp tác xã thì Thái Bình đâu có cánh đồng “tám mươi” của Thái Ninh bao đời úng trũng, cấy một vụ bấp bênh thành cánh đồng cấy hai vụ chắc ăn. Sao có thể biến cánh đồng làng Đông Nhuế ngàn năm chiêm khô, mùa thối thành đồng lúa của Hợp tác xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương giành 10 tấn thóc một héc-ta đầu tiên của tỉnh Thái Bình. Và nếu không có những nông dân thời hợp tác quê mình thì sao Hợp tác xã Quảng Nạp có thể biến vùng đất ven biển thành “bờ xôi, ruộng mật”. Ngày ấy trên cánh đồng là những nông dân “kiện tướng làm bèo dâu”, kiện tướng thủy lợi, là phong trào cấy dày, cấy nông tay, cấy thẳng hàng... chuyển vụ lúa chiêm thành vụ xuân, mở rộng cây vụ đông và cây màu... Hạt gạo Thái Bình ngày ấy được nông dân thu hoạch trên những vụ lúa và cánh đồng mà nông dân đã đặt cho những cái tên nặng nghĩa nặng tình cao đẹp “Vụ xuân Vĩnh Trà”, “Ruộng cao sản Nguyễn Văn Trỗi”, “Cánh đồng 10 tấn Nguyễn Văn Bé”.

Sự kiện 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, nông dân Thái Bình tiếp sức với “Cánh đồng Quảng Trị kiên cường”. Những năm đánh Mỹ, nông dân Thái Bình đã góp cho Nhà nước 50% tổng số thóc làm ra, bình quân 8 vạn tấn thóc mỗi năm. Năm 1972 là năm cao nhất nông dân Thái Bình đóng góp cho Nhà nước tới 11 vạn 6.180 tấn lương thực, bình quân mỗi lao động góp cho Nhà nước 20kg thịt lợn, chưa kể hàng vạn tấn thịt gà, cá, trứng được gửi ra tiền tuyến miền Nam và gửi vào các công trường, nhà máy. Xã viên nông dân Thái Bình thời ấy cấy trồng, chăn nuôi rất giỏi và không phải làm ra để họ hưởng, để ăn no, ăn ngon. Tất cả phải hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, sau đó mới để lại cho riêng mình. Ngày ấy bình quân mỗi nhân khẩu sau vụ cấy ở hợp tác xã khá cũng chỉ được 18kg thóc một tháng, trung bình chỉ đạt 13kg, Có nhiều hợp tác xã chỉ chia cho nông dân được 5 - 7kg thóc một người một tháng. Không có thóc để ăn, nông dân ăn độn sắn, ngô, khoai, có người mùa giáp hạt lên tận vùng núi trung du mua sắn khô về chống đói. Thiếu thốn vô cùng nhưng người nông dân Thái Bình ngày ấy chịu đựng hồn nhiên. Ai cũng bảo nhau “Thóc để gửi ra chiến trường nuôi bộ đội ăn no đánh thắng, mà bộ đội thì gia đình nào chả có”.

Quê ta hạt gạo chia ba đó là tình yêu ruộng đồng, yêu cây lúa của nông dân Thái Bình những năm cả nước cùng ra trận “Xẻ dọc Trường Sơn để giải phóng miền Nam”. Đó là tình cảm của nông dân Thái Bình thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Hạt gạo của nông dân Thái Bình là hạt gạo nghĩa tình, sẻ chia chung thủy, để hôm nay vẫn vọng vang khúc ca “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh/ Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình/ Hai chị em trên hai trận tuyến/ Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang/ Trang sử vàng chống Mỹ cứu nước/ Sáng ngời tên những cô gái Việt Nam”. Ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, non sông về một mối, dịp ấy Báo Thái Bình đã đăng bài thơ:

“Những hạt thóc đi từ đất Thái Bình
Qua Quảng Trị, Thừa Thiên vào Hàm Tân, Xuyên Mộc...
Thóc dạt dào như đất nước dạt dào tiềm lực
Mỗi bước thóc vào, trăm bước quân đi”.

Tôi đã thật hạnh phúc được hầu chuyện nhà văn, nhà báo Bút Ngữ gạo cội về văn chương và báo chí của làng báo Thái Bình. Được nghe và được ghi chép lại chuyện nghề báo những năm Thái Bình “hạt gạo chia ba”.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)