Thứ 4, 24/04/2024, 05:22[GMT+7]

Đồng chí Nguyễn Văn Năng: Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Thái Bình đầu tiên

Thứ 2, 26/09/2022 | 08:57:58
15,291 lượt xem
Đồng chí Nguyễn Văn Năng (1902 - 1964) - người con của làng Thượng Phú, tổng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh, nay là thôn Thượng Phú, xã Đông Quan (Đông Hưng) là một trong những người đầu tiên đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cứu nước, cứu dân của đồng chí Nguyễn Ái Quốc vào Thái Bình. 3 lần bị địch bắt, 13 năm tù đày, chịu mọi cực hình tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn giữ phẩm chất sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tích cực hoạt động, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam và tỉnh Thái Bình.

Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Năng lưu giữ nhiều tư liệu quý.

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nhưng lại được đến trường bởi vậy cậu học trò Nguyễn Văn Năng rất chăm chỉ học hành. Khi học tại Trường Tiểu học thị xã Thái Bình, Trường Thành Chung (Nam Định), học trò Nguyễn Văn Năng đã nghiên cứu sách báo, thơ văn yêu nước tiến bộ và tài liệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, do đó sớm được giác ngộ, trở thành thanh niên yêu nước. Tháng 3/1926, dù còn trẻ nhưng Nguyễn Văn Năng đã cùng bạn bè tổ chức lễ truy điệu cho cụ Phan Chu Trinh với hàng nghìn người tham gia gây tiếng vang lớn. Nguyễn Văn Năng và các bạn bị đuổi học nhưng lại được đồng chí Nguyễn Công Thu - một trong những hội viên đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từng tập huấn chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy biết, tìm gặp và giác ngộ lý tưởng cách mạng. Ông đã viết đơn xin gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trở thành một trong những người đầu tiên ở Thái Bình tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc, đồng chí Nguyễn Văn Năng tích cực tuyên truyền lý tưởng cách mạng cho học sinh, bạn bè bằng nhiều hình thức, nhiều người trong số đó đã xin tham gia vào Hội.

Để góp phần nâng cao dân trí, tuyên truyền tinh thần yêu nước cho học sinh, tạo cơ sở hợp pháp để tổ chức hoạt động cách mạng, năm 1927, ông cùng bạn bè mở Trường tư thục Minh Thành, thành lập Chi bộ Minh Thành - chi bộ thanh niên đầu tiên tại Thái Bình mà ông là Bí thư Chi bộ. Trong 2 năm 1926 -1927, ông về quê nhà Thượng Phú gây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây, ông đã tập hợp đông đảo quần chúng tuyên truyền, vận động nhân dân bài trừ các các hủ tục lạc hậu, cải cách xã hội theo nếp sống mới, khẳng khái vạch mặt tri phủ Thái Ninh gian ác Trần  Mạnh  Hoan, tạo điều kiện cho các phong trào đấu tranh tại khu vực xã Hội Phú, xã Đông Tân phát triển mạnh mẽ.

Tại Đại hội đại biểu Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Thái Bình tổ chức tại Trường tư thục Minh Thành, đồng chí Nguyễn Văn Năng được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Thái Bình - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Thanh niên Thái Bình. Năm 1930, đồng chí được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng khi đang bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo.

Cuối năm 1944, Đoàn Thanh niên cứu quốc phủ Thái Ninh được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Năng được bầu làm Phó đoàn; được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ chỉ đạo các tổ chức Việt Minh của tỉnh, chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Thực hiện lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc và lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thái Bình đã quyết định khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Chiều ngày 18/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên nổ ra ở phủ Thái Ninh, đến ngày 23/8/1945 chính quyền từ tỉnh, huyện, xã đã về tay nhân dân. Thái Bình trở thành một trong số ít tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Nguyễn Văn Năng đảm nhận nhiều trọng trách lớn: Ủy viên thường trực UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Thái Bình, đại biểu Quốc hội khóa I, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thái Bình, Hội trưởng Hội Văn hóa Thái Bình, Giám đốc Sở Lao động Liên khu III; Thanh tra Bộ Lao động, Vụ trưởng Vụ Bảo hộ lao động, Bộ Lao động...  Trên cương vị nào đồng chí cũng nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngày 26/10/1964, người chiến sĩ cộng sản kiên trung rời cõi trần, hưởng thọ 63 tuổi.

Cùng với những chiến sĩ cộng sản kiên trung của quê lúa Thái Bình như: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Văn Phúc..., đồng chí Nguyễn Văn Năng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đóng góp và làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước và cách mạng kiên cường của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đồng chí Tống Hồng Phong, Chủ tịch UBND xã Đông Quan
Để tri ân và cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, năm 2007, xã đã đầu tư xây dựng khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Năng tại thôn Thượng Phú. Năm 2012, khu tưởng niệm được UBND tỉnh cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ xã đều tổ chức dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân sâu sắc công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Năng. Noi gương đồng chí Nguyễn Văn Năng, phát huy tinh thần cách mạng, Đảng bộ, chính quyền xã tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành công nông thôn mới. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 67 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2%. Xã đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực thực hiện các tiêu chí để phấn đấu trở thành đô thị loại V trước năm 2025.

Đồng chí Tống Văn Vinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Thượng Phú, xã Đông Quan
Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Năng xây dựng cạnh đình làng Thượng Phú. Đình làng là nơi cất giấu tài liệu, nơi đồng chí Nguyễn Văn Năng hoạt động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của cách mạng, của Đảng, nơi dân quân du kích xã Hội Phú hoạt động, tập trung xuất phát đi biểu tình giành chính quyền. Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Năng gồm nhà bia và nhà lưu niệm. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, ngày sinh của đồng chí, các thế hệ giáo viên, học sinh Trường THCS Minh Thành (thành phố Thái Bình), các trường học trên địa bàn xã đều đến tham quan, dâng hương, nói chuyện truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương, về tấm gương của nhà giáo, nhà thơ, nhà cách mạng kiên trung Nguyễn Văn Năng.

Ông Nguyễn Quang Kiệm, cháu đồng chí Nguyễn Văn Năng
Dòng họ Nguyễn chúng tôi ở Thượng Phú nói riêng, cả nước nói chung tự hào vì có một người chiến sĩ cộng sản cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Con trai đồng chí Nguyễn Văn Năng là đồng chí Nguyễn Quang Phục noi theo cha đi theo cách mạng trở thành người lãnh đạo quần chúng tiến vào phủ Thái Ninh giành chính quyền sớm nhất trong cả tỉnh. Chúng tôi rất cảm ơn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Đông Quan đã xây dựng khu tưởng niệm làm nơi lưu giữ hình ảnh, tư liệu quý về bác tôi, về phong trào cách mạng của địa phương, có nhà bia để con cháu họ Nguyễn cũng như người dân địa phương đến thắp hương tỏ lòng thành kính. Hàng ngày tôi đều tới dâng hương, quét dọn, tỉa cây để khu tưởng niệm lúc nào cũng sạch đẹp, trang nghiêm. Lớp hậu duệ của dòng họ Nguyễn ở Thượng Phú luôn tự hào về lớp cha anh đi trước, ra sức thi đua học tập, lao động, công tác, đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.


 Hiếu Nghĩa