Thứ 3, 16/04/2024, 17:13[GMT+7]

Làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp

Thứ 3, 27/09/2022 | 22:23:23
17,857 lượt xem
Xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp, bằng ý chí, nghị lực và sự nỗ lực phấn đấu, anh Lại Hợp Quang, thôn Đông Đồng Hải, xã Đông Vinh (Đông Hưng) là gương điển hình trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp. Anh là 1 trong 7 hội viên nông dân của Thái Bình vinh dự tham dự hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022.

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Lại Hợp Quang thu từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm.

Đã có thâm niên 15 năm làm cán bộ Tổng công ty Giấy Việt Nam với thu nhập ổn định nhưng anh Quang lại quyết định xin nghỉ việc về quê hương lập nghiệp. Năm 2010, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, anh mạnh dạn xin đấu thầu hơn 1ha đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá truyền thống, trồng thêm cây ăn quả để có thêm thu nhập, giảm bớt ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. 

Anh chia sẻ: Khó khăn nhất với tôi khi lập nghiệp là quyết định sẽ trồng cây gì và nuôi con gì để cho hiệu quả kinh tế cao bởi vốn đầu tư với mình quá lớn. Sau khi tìm hiểu từ bạn bè, người thân, tôi sang Hải Dương học tập kinh nghiệm chăn nuôi từ những mô hình thành công, đồng thời tìm mối liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm với một số doanh nghiệp. 

Trên diện tích đất của mình, anh Quang xây dựng 1.000m2 chuồng nuôi lợn, 2.000m2 chuồng nuôi gà thương phẩm, trong đó dùng mái che cao, chống nóng giúp cho không khí luôn thông thoáng, lắp đặt hệ thống phun sương, làm mát, máng ăn, nước uống tự động theo công nghệ của nước ngoài. Nhờ vậy đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh. Anh dùng chế phẩm vi sinh xử lý chất thải trong chăn nuôi bán cho các nhà vườn có thêm nguồn thu nhập.   

Chia sẻ về quyết định thành công của mình, anh Quang cho biết: Năm 2019 là thời điểm các hộ chăn nuôi lợn trong cả nước gặp khó khăn, thiệt hại nặng nề vì bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng với tôi lại là cơ hội để mình đổi đời. Từ 50 con lợn nái ban đầu, tôi dành toàn bộ vốn tích góp nuôi lợn và vay mượn thêm 500 triệu đồng đầu tư mua lợn nái, nâng tổng đàn lợn nái lên 100 con, quy mô lợn thịt khi đó lên tới hơn 1.000 con. Gia đình đã phá dỡ toàn bộ tường bao chuồng nuôi cũ và thiết kế lại chuồng trại để chăn nuôi lợn thịt. Trong thời gian này, tôi thực hiện tốt khâu phòng dịch, hạn chế người ra vào trang trại, xử lý thật kỹ nguồn chất thải chăn nuôi và thường xuyên bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi nên đàn lợn được bảo đảm an toàn, không bị dịch bệnh. Năm đó, gia đình tôi thắng lớn, mỗi con lợn khi xuất bán tôi lãi bình quân 2 - 3 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí thu về gần 4 tỷ đồng.    

Hiện nay, anh Quang giảm quy mô chăn nuôi, phát triển mô hình theo hướng thân thiện môi trường, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Anh đã liên kết cùng một số hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh chăn nuôi lợn thịt cho các doanh nghiệp ở Hải Dương, Hà Nội và đưa sản phẩm vào một số siêu thị lớn. Mỗi năm, gia đình xuất bán từ 50 - 80 tấn lợn thịt, từ 2.000 đến 2.500 con gà thương phẩm, sau khi trừ chi phí thu về 1,2 - 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Năng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hưng đánh giá: Hội viên Lại Hợp Quang là người dám nghĩ, dám làm, đã mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình đem lại thu nhập cao. Anh Quang đã kết nối với nhiều hội viên nông dân khác trên địa bàn huyện chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi, liên kết bao tiêu sản phẩm. Anh cũng là người rất nhiệt tình, trách nhiệm với các phong trào của hội, tích cực ủng hộ xây dựng nông thôn mới và các hoạt động của địa phương. Nhiều năm liền, anh Quang được bình chọn là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Tiến Đạt