Chủ nhật, 24/11/2024, 13:21[GMT+7]

Lính cựu tỏa sáng trên mặt trận phát triển kinh tế

Thứ 5, 24/11/2022 | 09:30:51
15,639 lượt xem
Trở về từ chiến trường, nhiều cựu chiến binh (CCB) Thái Bình luôn gương mẫu tham gia phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Nhiều tấm gương CCB làm kinh tế giỏi được các cấp hội và hội viên ghi nhận, đánh giá cao.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Doanh bảo dưỡng máy móc để phục vụ sản xuất.

Ông Doanh “điền chủ”

CCB Nguyễn Hữu Doanh, thôn Cao Bạt Trung, xã Nam Cao (Kiến Xương) được người dân trong thôn gọi là “điền chủ” bởi dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tích cực tham gia lao động sản xuất, tích tụ hơn 13ha ruộng để cấy lúa hàng hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Là trưởng thôn từ năm 2009 đến nay, ông Doanh luôn được mọi người dân trong thôn tin tưởng và đánh giá là người nhiệt tình, trách nhiệm với hoạt động của địa phương. Ông đã đầu tư 4 máy cấy, máy gặt trị giá cả tỷ đồng làm dịch vụ cấy, gặt thuê cho người dân.

CCB Nguyễn Hữu Doanh chia sẻ: Mặc dù có ruộng trong tay nhưng đến năm 2011 tôi vẫn còn làm theo phương thức thủ công bởi đường giao thông nội đồng chưa phát triển, máy nông nghiệp không vào tới ruộng của gia đình. Thấm thía nỗi vất vả ấy, sau khi địa phương dồn điền đổi thửa, tôi quyết định vay vốn đầu tư mua máy cấy kéo tay, máy gặt và làm dịch vụ nông nghiệp. Sau gần 10 năm tôi đã có đủ vốn mở rộng sản xuất, tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn, đầu tư máy cấy, máy gặt công suất lớn. Vụ xuân năm 2022 áp dụng cấy mạ khay, tôi đã thu hơn 35 tấn thóc. Sau khi trừ chi phí thu về từ 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 - 4 lao động thời vụ. Thời gian tới, tôi sẽ đề nghị với UBND xã, huyện cho tích tụ thêm diện tích cấy lúa hàng hóa, đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cựu chiến binh Trịnh Văn Huỳnh, thu nhập tiền tỷ từ làm mô hình chăn nuôi tổng hợp.

Ông Huỳnh chăn nuôi thu tiền tỷ

Nhắc đến mô hình chăn nuôi tổng hợp của CCB Trịnh Văn Huỳnh, thôn Đà Thôn, xã Quỳnh Khê (Quỳnh Phụ), nhiều hội viên CCB phải khâm phục trước nghị lực vượt khó vươn lên của ông.

Năm 2001, ông Huỳnh dốc toàn bộ vốn tích góp để xây dựng mô hình tổng hợp rộng hơn 1ha chăn nuôi lợn thịt, gà thịt và các loại cá truyền thống. Khó khăn nhất với ông là thời điểm năm 2005 khi trong chuồng nuôi có hơn 100 lợn nái, lợn thịt nhưng đến tết Nguyên đán mà vẫn chưa xuất bán được, giá thành thấp, nếu cứ tiếp tục nuôi sẽ càng thua lỗ nặng hơn, ông phải bán cả tài sản của gia đình để cố gắng giữ lấy gia trại của mình. Kiên trì tìm đầu ra, những vụ nuôi sau, ông không chỉ bán lợn cho thương lái trong tỉnh mà còn bán cho những thương lái ngoài tỉnh, kết hợp nuôi lợn cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm giúp đầu ra được ổn định hơn. Năm 2020, khi người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi thì gia đình ông xuất bán được hơn 400 lợn thịt, hơn 1,2 vạn gà thịt, hơn 10 tấn cá các loại, thu về hơn 2 tỷ đồng.

CCB Trịnh Văn Huỳnh cho biết: Từ thành công năm 2020, tôi rút ra kinh nghiệm muốn chăn nuôi thành công thì khâu phòng, chống dịch là yếu tố quyết định đến thắng bại của người chăn nuôi. Sau khi tái đàn, tôi thuê riêng một kỹ sư nông nghiệp chuyên phụ trách khâu phòng dịch, chăm sóc đàn vật nuôi và hạn chế tối đa người ra vào khu chăn nuôi. Nhờ đó, những năm gần đây đàn lợn của gia đình phát triển tốt, đầu ra ổn định. Mặc dù số lượng đàn lợn nuôi có ít đi nhưng mỗi năm sau khi trừ chi phí tôi cũng thu về từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 5 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình của cựu chiến binh Nguyễn Quang Thu cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm.

Khiến đất hoang “nhả vàng”

Gia trại rộng hơn 1ha của CCB Nguyễn Quang Thu, xã An Tràng (Quỳnh Phụ) được xây dựng bài bản với hệ thống chuồng nuôi lợn khép kín, ao cá thương phẩm được cứng hóa bờ bằng bê tông và đầu tư hệ thống máy cho ăn tự động, máy sục khí hiện đại. CCB Nguyễn Quang Thu chia sẻ: Tôi nhập ngũ năm 1977 đến năm 1999 thì xuất ngũ về quê. Chứng kiến khu đất ruộng bị người dân bỏ hoang hóa thấy tiếc quá tôi đã làm đơn với chính quyền xã cho đấu thầu lại đầu tư làm mô hình chăn nuôi tổng hợp. Hiện nay, tôi có 500m2 chuồng nuôi lợn, gần 1 mẫu nuôi cá truyền thống, tận dụng mặt nước để nuôi ếch thịt và trồng thêm bưởi diễn để có thêm thu nhập. Sau khi trừ chi phí, mô hình của tôi thu về từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Từ ngày tôi ra đây làm kinh tế, nhiều hộ trong thôn cũng làm theo, khiến khu đất hoang hóa của địa phương ngày nào giờ đây trở nên có giá trị, đường đi lại thuận lợi, xe tải có thể đến tận các hộ chăn nuôi để thu mua sản phẩm cho nông dân. Tôi mong cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi sớm có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để họ yên tâm đầu tư xây dựng mô hình hiện đại, khoa học hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Không chỉ là những tấm gương làm kinh tế giỏi, ông Doanh, ông Huỳnh, ông Thu đều là những người nhiệt tình, trách nhiệm với công tác hội, tích cực ủng hộ xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách; nhiều năm liền được nhận bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Hội CCB tỉnh, hội CCB huyện vì những đóng góp tích cực trong công tác hội và phong trào địa phương.

Tiến Đạt