Thứ 7, 24/05/2025, 18:39[GMT+7]

1970 năm ngày mất của Ðông Nhung Ðại tướng quân Vũ Thị Thục

Thứ 2, 29/04/2013 | 09:14:45
8,091 lượt xem
Ðúng vào ngày Quốc giỗ vua Hùng (10/3), tại vùng đất cổ Ða Cương linh thiêng, Ðảng bộ chính quyền, nhân dân và du khách thập phương dâng hương, tưởng niệm 1970 năm ngày mất của Bát nạn Ðông Nhung Ðại tướng quân Vũ Thị Thục - nữ anh hùng dân tộc, một trong số các tướng tài ba nhất của Hai Bà Trưng có công cứu nước, cứu dân từ buổi đầu công nguyên (43-2013).

Tiên La vào hội. Ảnh: Ngọc Linh

Lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta còn ghi rõ: Trong thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ nhất, khi Triệu Ðà xâm lược nước ta, chúng sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt. Năm 34 sau công nguyên chứng cử Tô Ðịnh sang làm Thái thú Quận Giao Chỉ và ban hành chính sách đô hộ tàn bạo, nhằm vơ vét tài nguyên và cướp bóc dân lành, nhân dân sục sôi căm thù.

Lịch sử đã ghi nhận: Trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của bà Vũ Thị Thục ở Tiên La, Ða Cương Hương (thuộc huyện Hưng Hà ngày nay). Thần Phả ghi rằng: bà Vũ Thị Thục, sinh giờ Dần, ngày rằm tháng 8 năm 17 (sau công nguyên) tại Phượng Lâu, Việt Trì (Phú Thọ). Xuất thân trong một gia đình nho học, mẹ là cụ Hoàng Thị Màu; bố là cụ Vũ Công Chất là thầy thuốc, thầy giáo tài, đức nổi tiếng cả vùng. Sinh thời, bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đẹp người, đẹp nết, giàu lòng nhân ái, yêu nước, thương dân.

Năm 18 tuổi, bà đính hôn với chàng trai Phạm Danh Hương, quận trưởng Nam Châu. Ðôi trai tài, gái sắc đang chờ ngày cưới thì tai họa ấp xuống. Tên Thái Thú Tô Ðịnh hám sắc, bạo tàn đã ép bà làm vợ. Bị bà từ chối, hắn đã giết cha và chồng chưa cưới của bà và cho quân lùng bắt bà. Không để rơi vào tay Tô Ðịnh, bà đã phá vòng vây, vượt sông Hồng về Tiên La nương thân, dựng cờ khởi nghĩa mang 4 chữ vàng “Bát Nạn tướng quân”.

Nợ nước, thù nhà bà đã hiệu triệu nhân dân, chiêu binh mãi mã chống quân xâm lược. Nghĩa quân của bà ngày càng lớn mạnh, trở thành một đội quân rất tinh nhuệ, binh lực ngày càng hùng mạnh, nhiều lần quân Ðông Hán tiến đánh Tiên La đều thua trận thảm hại. Năm 39 (sau công nguyên) Hai Bà Trưng quê ở Phong Châu đã dựng cờ khởi nghĩa kêu gọi các hào kiệt địa phương cả nước tụ nghĩa. Vì nghĩa lớn, Bát nạn tướng quân đã đem quân sĩ từ Ða Cương tham gia kháng chiến chống quân Ðông Hán.

Mùa xuân năm 40 của thế kỷ thứ nhất, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng toàn thắng, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất. Sau khi lên ngôi vua, Trưng Vương đã khao thưởng quân sĩ, ban phong Bát nạn tướng quân là: “Ngọc Hoa công chúa, Ðông Nhung Ðại tướng quân”, đứng đầu các tướng thời Trưng Vương, ban thưởng đất cả vùng Ða Cương - căn cứ nghĩa quân cũ làm đất thang mộc. Bị thua trận thảm hại, năm 41 (sau công nguyên) Vua Ðông Hán sai Mã Viện mang mấy chục vạn tinh binh sang đánh chiếm nước ta.

Ðông Nhung Ðại tướng quân Vũ Thị Thục thống lĩnh quân tiên phong sát cánh cùng Hai Bà Trưng đánh trả quân Ðông Hán. Thế giặc rất mạnh, Hai Bà Trưng phải lui về xã Hát Môn (Phúc Thọ) và trong trận quyết chiến đã anh dũng hy sinh vào ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (năm 43 sau công nguyên) Ðông Nhung Ðại tướng quân Vũ Thị Thục lui về vùng Ða Cương Hương tiếp tục kháng chiến.

Quân Ðông Hán đã tập trung toàn bộ lực lượng bao vây ép nghĩa quân. Sau 39 ngày đêm giao chiến ác liệt; vào một buổi sáng, khi Bát Nạn Vũ Thị Thục đang đi thị sát trên sông thì quân địch vây kín, bà đã mở đường máu chạy về đến Gò Kim Quy (thôn Tiên La, xã Ðoan Hùng - Hưng Hà ngày nay).

Theo truyền thuyết khi bà chạy đến Gò Kim Quy thì tử tiết hiển linh, bà nằm xuống đất, mối xông phủ kín người, quân giặc chạy đến không thấy xác của bà đâu. Nơi bà nằm, bây giờ là “cung cấm” trong đền Tiên La, nhân dân đã lập Ðền để đời đời khói hương thờ cúng, tưởng nhớ công đức Bát nạn công chúa, quần thể di tích cấp Quốc gia: Ðền Tiên La, đền Buộn, đền Rẫy ghi dấu kháng chiến kiên cường vùng đất Ða Cương gần 2000 năm trước.

Ðông Nhung Ðại tướng quân Vũ Thị Thục được dân gian phong là một trong ba vị Thánh mẫu Việt Namon>. Ðược nhân dân thờ phụng tại nhiều đền thờ ở khắp miền Tổ quốc. Ngày nay trong dân gian còn lưu truyền những bài chầu văn ca ngợi công đức của bà: “Hàng năm 17 tháng ba/ Ai về đến huyện Hưng Hà/ Tới thăm lễ hội đền bà Thục Nương”.

1970 năm đã trôi qua, đền thờ và mộ phần của nữ Ðại tướng vẫn còn đó và được đời đời con cháu và nhân dân hương khói, giữ gìn. Mảnh đất Tiên La nơi bà xây dựng trang ấp làm căn cứ địa để huấn luyện binh sĩ... nay đã đổi thay cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Gò Kim Quy xưa được tọa lạc bên bờ sông Tiên La lịch sử với kiến trúc uy nghi, lộng lẫy, từng bước xứng tầm với công lao to lớn của người nữ anh hùng dân tộc, trở thành một trong những điểm nhấn du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh của huyện Hưng Hà.

Theo phong tục cổ truyền và thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, định lệ hàng năm ngày 10/3 âm lịch là ngày khai mạc và tổ chức lễ hội Ðền Tiên La, nằm trong quần thể di tích lịch sử quốc gia thờ Ðông Nhung Ðại tướng quân tại hai xã Ðoan Hùng và Tân Tiến. Ðây là dịp để các thế hệ người dân, đồng bào, du khách thập phương về thắp hương tưởng niệm, tỏ lòng tri ân nữ anh hùng dân tộc. Thông qua đó giáo dục lòng yêu nước niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất chống giặc ngoại xâm của phụ nữ Việt Namon>, của dân tộc Việt Namon> anh hùng.

 

Phạm Viết Thanh

(Phường Trần Hưng Ðạo, TP. Thái Bình)

  • Từ khóa

Đỗ Đỉnh - 8 năm trước

Anh hùng vậy mà k đc đặt tên đường? Thật đáng tiếc

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày