Thứ 4, 01/01/2025, 17:08[GMT+7]

Ngự sử Phạm Huy Quang - hào kiệt đất Phù Lưu

Chủ nhật, 04/12/2022 | 22:18:38
13,665 lượt xem
Ngọn cờ Cần Vương kháng Pháp của các văn thân sĩ phu phong kiến yêu nước giương lên trên mảnh đất Thái Bình đã chấm dứt cách đây 130 năm nhưng tên tuổi và sự nghiệp của họ đã được sử sách ghi chép và lưu truyền mãi mãi trong nhân dân. Một trong những anh hùng hào kiệt đó là Ngự sử Phạm Huy Quang ở làng Phù Lưu, huyện Đông Quan, nay là xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng.

Lãnh đạo xã Đông Sơn và hậu duệ dòng họ Phạm Huy nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của Ngự sử Phạm Huy Quang.

Phạm Huy Quang sinh năm 1846, lúc nhỏ tên là Phạm Huy Ôn. Năm 14 tuổi, Phạm Huy Quang theo học cụ đồ Phạm ở Cổ Dũng. Năm 1861, ông theo học tại Trường Đại tập Thành Nam do đốc học Định An là Doãn Khuê đỡ đầu và học thêm ở trường của Phó bảng Phạm Quý Đức (Quỳnh Côi). Tại đây ông làm bạn với Bang Tốn, Mai Quý Khanh, Công Chín, Đề Tề - những người sau này sát cánh cùng ông kháng Pháp ở Thái Bình. Năm 1863, ông theo học trường công ở Nam Định cũng do Doãn Khuê đỡ đầu và thi sát hạch năm 1864 được xếp loại giỏi. Ngay từ thời còn đi học ông đã thể hiện rõ là một người yêu chính nghĩa, ghét gian tà, trung thực, dũng cảm, kính thầy, mến bạn, ông được thầy Doãn Khuê trực tiếp giáo dục lòng yêu nước, thương dân từ sớm đã trở thành sĩ phu yêu nước, có tài, có đức. Thầy Doãn Khuê đã viết trong câu đối của mình nghĩa rằng “Ba ngàn dặm khó đầy được học trò ta/Trăm người ít ai bì kịp Phạm Huy Quang”. Năm 1868, triều đình mở khoa thi hương, Phạm Huy Quang dự thi và đậu cử nhân, đứng hàng thứ 5 trong danh sách cử nhân năm ấy. 

Năm Tự Đức thứ 22 (1869) ông được triều đình mời vào kinh đô nhậm chức Hàn lâm Cung Phụng tập sự ở viện Đô sát. Trước cảnh triều đình quan tham nhũng nhiễu ông xin chuyển về Đông đạo ngự sử Bắc Kỳ với dụng ý ngăn chặn bớt tệ nạn sâu mọt trong giới quan trường. Ở đây, ông điều tra và thấy quan lại trông coi kho dự trữ thóc chi tiêu không đúng chỗ nên đã bắt những kẻ phạm tội bồi thường cho nhà kho, sau đó ông lấy thóc chia cho dân vào những kỳ đói kém. Các vụ án hình bộ có điểm nào chưa rõ ông đều cho khai thông, xét xử đúng mức làm cho luật pháp được đề cao. Sau 2 năm tận tụy ông được thăng hàm Hàn lâm Điển bạ kiêm Giám sát ngự sử Bắc Ninh. 

Đứng trước mối họa mất nước, nhận thức rõ bản chất của triều đình nhà Nguyễn, ngay từ những năm còn làm Ngự sử Đông đạo, Phạm Huy Quang đã liên kết với nhiều văn thân yêu nước cùng chí hướng tổ chức những đội nghĩa quân ở một số nơi để chuẩn bị chống Pháp. Khi triều đình nhà Nguyễn nhu nhược cắt 6 tỉnh Nam Kỳ dâng cho giặc Pháp, âm mưu dùng danh lợi mua chuộc ông nhưng bị ông khước từ xin về quê mở trường dạy học. Năm 1885, hưởng ứng lời kêu gọi của chiếu Cần Vương, Phạm Huy Quang cùng Tạ Quang Hiện và các sĩ phu yêu nước chiêu mộ, huấn luyện binh sĩ, xây dựng thành lũy, đồn binh, mở xưởng sản xuất vũ khí ngay tại Phù Lưu để cung cấp cho nghĩa quân bảo vệ làng mạc, nhiều lần chặn đánh thắng quân địch. Một lần Ngự sử đi bàn kế hoạch đánh giặc, thực dân Pháp cho người mai phục và ám sát ông. 

Từ đường Phạm Huy Quang, xã Đông Sơn, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. 

Ngự sử Phạm Huy Quang hy sinh năm 1888 khi sự nghiệp kháng Pháp chưa thành công song dấu ấn phong trào đánh giặc do ông lãnh đạo tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của người dân Thái Bình những năm cuối thế kỷ XIX. Ông được con cháu dòng họ thờ tại một vị trí trang trọng trong ngôi từ đường dòng họ Phạm Huy. Từ đường đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 

Hiếu Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày