Thứ 6, 26/04/2024, 17:57[GMT+7]

Khát vọng vươn lên của những người lính cựu

Thứ 2, 26/12/2022 | 08:07:51
11,704 lượt xem
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, bám đất quê hương vươn lên làm giàu, sống thủy chung, nghĩa tình với đồng chí, đồng đội - đó là những hành động và phẩm chất tốt đẹp của các doanh nhân cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải.

Vùng bãi biển Đông Hoàng đẹp hoang sơ, bốn mùa sóng vỗ và lao xao gió hát trên những tán cây đầu rừng ngập mặn. Đưa chúng tôi đi thăm “đại bản doanh” của doanh nhân CCB, thương binh hạng 1/4 Vũ Văn Tưởng, ông Đỗ Xuân Biên, Chủ tịch Hội CCB xã Đông Hoàng không ngớt lời ca ngợi bản lĩnh và sức sáng tạo đối với hội viên của mình. Từ chuyện ngày đầu ông Tưởng ra vùng bãi triều thăm dò chất đất, độ mặn nước biển, dùng cỏ trồng để đánh giá điều kiện sinh tồn của một số loại cây đến chuyện ươm cây giống, ngụp lặn khuya sớm với thủy triều để trồng rừng ngập mặn. Những chuyện mà ngày đầu CCB Vũ Văn Tưởng làm khiến nhiều người ngỡ ông bị khùng vì chưa thấy ai dám làm cái việc khó khăn và ẩn chứa nhiều rủi ro thất bại như vậy. 

Nói về ý tưởng làm giàu của mình, CCB Vũ Văn Tưởng chia sẻ: Sau khi rời trung tâm điều dưỡng thương binh nặng về địa phương, tôi kinh qua nhiều nghề từ xe ôm, chăn nuôi, buôn bán nhưng thực sự không thành công và cũng không phù hợp với điều kiện kinh tế, sức khỏe. Một lần đứng trước biển, nhìn cả vùng đất bãi rộng dài không một bóng cây, trong đầu lóe lên ý nghĩ trồng cây chắn sóng bảo vệ đất quê hương kết hợp khai thác gỗ và thủy hải sản làm kế sinh nhai. Vậy là tôi quyết định đi tìm hiểu kiến thức trồng rừng ngập mặn, chọn lọc loài cây phù hợp về ươm giống và trồng.

Khởi nghiệp từ con số không, đến nay, sau gần 30 năm, CCB Vũ Văn Tưởng đã trồng, chăm sóc, khai thác 30ha rừng phi lao, 40ha rừng ngập nước với các loại cây như bần, vẹt, mắm, sú. Cũng trên diện tích rừng ngập mặn, mỗi năm ông ươm từ 3 - 4 vạn cây giống cung cấp cho các địa phương ven biển từ Quảng Ninh tới Đà Nẵng trồng chắn sóng. Khai thác gỗ từ rừng ngập mặn và bán cây giống, bình quân mỗi năm ông thu lãi hơn 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, CCB Vũ Văn Tưởng còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống cho 8 lao động của địa phương từ hoạt động ươm cây giống, trồng và khai thác rừng ngập mặn.

Việc sử dụng máy thu hoạch ngao giúp doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Đình Thường và bà con ngư dân đỡ vất vả và cho năng suất thu hoạch cao gấp 10 lần thu hoạch thủ công.

Cũng là bám biển làm giàu nhưng doanh nhân CCB Nguyễn Đình Thường ở xã Đông Hoàng (Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân CCB huyện Tiền Hải) lại chọn cho mình hướng đi phát triển trang trại nuôi trồng và khai thác thủy hải sản. Ông là một trong những người dân miền biển Tiền Hải đầu tiên mạnh dạn đầu tư cải tạo bãi triều, vây thả ngao nuôi thương phẩm. Nghề nuôi ngao được nhiều người ví như mang tiền “đổ xuống biển” cũng đầy rủi ro vì thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đòi hỏi người ta phải có bản lĩnh, kinh nghiệm và nhất là kiến thức về sinh trưởng, phát triển của dòng nhuyễn thể này. Với khí chất của người lính Cụ Hồ và trai miền biển, CCB Nguyễn Đình Thường đã dám xông vào nơi khó để làm giàu. Từ một vài héc-ta nuôi ban đầu, đến nay ông là chủ của 3 khu nuôi ngao tại xã Đông Minh (Tiền Hải), xã Thái Đô và xã Thái Thượng (Thái Thụy) với tổng diện tích hơn 50ha, doanh thu bình quân hàng năm đạt 2,7 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 600 triệu đồng. Ngoài đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, CCB Nguyễn Đình Thường còn thành lập đội khai thác với 4 tàu hoạt động dịch vụ đánh bắt ngao. Ông cho biết: Quá trình nuôi ngao đã chịu nhiều rủi ro, đến khi thu hoạch nếu khai thác chậm, gặp thời tiết bất thuận có thể dẫn tới thất thu và công việc khai thác thủ công thì quá vất vả. Trước thực trạng đó, tôi quyết định đầu tư tàu khai thác ngao bằng máy cho năng suất cao vừa phục vụ thu hoạch ngao của trang trại vừa hỗ trợ bà con có đầm bãi ở các địa phương của 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy.

Nói đến tấm gương CCB có khát vọng vươn lên làm giàu ở xã Đông Hoàng không thể không nhắc tới doanh nhân CCB Trần Văn Tuấn, chủ gia trại sản xuất, kinh doanh giống gia cầm. Ông đã chủ động liên kết với các trung tâm giống gia cầm lớn khắp cả nước để chuyển giao công nghệ, nhập trứng, con giống về ươm cung cấp cho nông dân trong tỉnh. Ngoài ra ông còn dày công sưu tầm các giống gà, ngan, vịt thuộc dòng đặc sản của địa phương để nuôi, nhân giống vừa bảo tồn gen gia cầm quý vừa tạo cơ hội làm giàu cho nhiều người chăn nuôi. Mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 8 - 10 vạn con giống gia cầm các loại, CCB Trần Văn Tuấn thu về gần 1 tỷ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi từ 250 - 300 triệu đồng.

Ông Đỗ Xuân Biên, Chủ tịch Hội CCB xã Đông Hoàng cho biết thêm: Chúng tôi luôn tự hào về tinh thần vượt khó, lao động sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh và cũng rất tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, chia sẻ với cộng đồng của các doanh nhân CCB. Họ là những tấm gương sáng về giữ gìn phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ và truyền cảm hứng cho nhân dân địa phương vươn lên phát triển kinh tế làm cho quê hương giàu đẹp, đổi mới từng ngày.


Khắc Duẩn