Thứ 3, 23/04/2024, 17:21[GMT+7]

Trò chuyện cùng bác sĩ Tạ Xuân Thảo

Thứ 6, 17/02/2023 | 09:59:51
11,769 lượt xem
Tháng 2/1979, khi đang giữ cương vị Phó Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Tạ Xuân Thảo được cấp trên điều động khẩn cấp cùng với thầy thuốc Nguyễn Văn Bản, Trưởng khoa Chấn thương, bác sĩ Ngọc Anh, bác sĩ Văn Thụ công tác tại Trường Đại học Y Thái Bình và các thầy thuốc Văn Đắc, Đức Tám, Văn Lập thành lập kíp phẫu thuật tăng cường lên mặt trận biên giới phía Bắc, trực tiếp là tỉnh Lai Châu để phối hợp cấp cứu, điều trị thương binh. 44 năm sau kỷ niệm ở trạm phẫu dã chiến Pa Tẩn, Lai Châu được bác sĩ Tạ Xuân Thảo kể lại.

Trạm phẫu dã chiến Pa Tẩn

Tháng 2/1979, bác sĩ Tạ Xuân Thảo đang trong đoàn công tác của ngành y tế điều tra di chứng vết thương chiến tranh chống đế quốc Mỹ ở Việt Nam, khi vừa về đến cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì một cán bộ của Bệnh viện gọi ông và bảo: “Anh về khẩn trương chuẩn bị tư trang cùng một số thầy thuốc của Bệnh viện và Trường Đại học Y Thái Bình thành lập kíp phẫu thuật dã chiến tăng cường lên biên giới phía Bắc”.

Mệnh lệnh lên biên giới chỉ ngắn gọn như vậy. Ngay trong chiều, bác sĩ Tạ Xuân Thảo đạp xe về trại giống lúa Đông Cơ (Tiền Hải) - nơi vợ ông, kỹ sư nông nghiệp Lý Thị Dung công tác cùng vợ chuẩn bị tư trang cần thiết, căn dặn vợ con để sáng thứ hai lên đường ra biên giới phía Bắc. Các thầy thuốc ai cũng sẵn sàng vững niềm tin khi được điều động lên biên giới. Đoàn hành quân bằng xe ô tô, chiều ngày 23/2/1979 đã có mặt ở Lai Châu. Hôm sau đoàn vượt đèo Pha Đin và trưa ngày 24/2 đoàn lên đến Pa Tẩn. Trạm phẫu dã chiến Pa Tẩn là mấy nhà bạt được dựng dưới chân đồi, mọi thứ cần thiết cho công tác cấp cứu, điều trị đều đơn sơ, chỉ có công việc và mệnh lệnh là không thể chần chừ. Ở gần trạm phẫu là các đơn vị bộ đội chốt quân trong các công sự chiến đấu.

Đêm đầu tiên ngủ ở trạm phẫu dã chiến Pa Tẩn, ông Thảo và các thầy thuốc vẫn nghe rõ tiếng súng nổ, tiếng đại bác từ các chốt tiền tiêu vọng về. Ngày hôm sau trạm phẫu bắt đầu công việc cấp cứu thương binh. Dẫu mặt trận biên giới Hoàng Liên Sơn ngày ấy, nay là Lai Châu và Sơn La không ác liệt như các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang... nhưng bộ đội, dân quân du kích ở các bản làng, các đồn biên phòng vẫn nhiều người hy sinh và bị thương, trạm phẫu liên tục phải tiếp đón và điều trị kịp thời. Mổ cấp cứu thương binh trong điều kiện thiếu trang thiết bị, trong ánh sáng yếu ớt nhạt nhòa của bóng điện công suất thấp nhưng trái tim các thầy thuốc dành hết cho các thương binh. Có trường hợp chiến sĩ bị thương sau 17 ngày mới được thu dung đưa về trạm phẫu, vết thương đã có chỗ hoại tử vẫn được bác sĩ Thảo và các thầy thuốc cứu sống kịp thời. Những ngày ở trạm phẫu dã chiến Pa Tẩn, thầy thuốc và thương binh cùng chung khó khăn thiếu lương thực, thực phẩm, cả tháng không được ăn miếng thịt, họa chăng mới có bữa có cá khô mặn chát, các thầy thuốc thay nhau tìm hái lá sắn để ăn. Nhờ tiếp phẩm của các đơn vị bộ đội từ phía sau chuyển đến, thương binh và bác sĩ có thêm chuối xanh, bí ngô để cải thiện, nhiều bữa các thầy thuốc xuống suối bóc rêu xanh về nấu canh...

Khi tiếng súng trên biên giới tạm ngưng, Trung Quốc rút quân, kíp bác sĩ tại trạm phẫu dã chiến Pa Tẩn của bác sĩ Tạ Xuân Thảo được rút về Bệnh viện huyện Mường Lay. Tại đây, các thầy thuốc tiếp tục nhiệm vụ tiếp đón và cấp cứu thương binh đồng thời giúp Bệnh viện nâng cao trình độ tay nghề cho các thầy thuốc ở đây.

Tháng 6/1979, bác sĩ Tạ Xuân Thảo và các đồng nghiệp kíp phẫu hoàn thành nhiệm vụ, trở lại Thái Bình công tác.

Bác sĩ Tạ Xuân Thảo, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh (người thứ nhất bên trái) giới thiệu và hướng dẫn sử dụng máy đo khí máu cho đồng nghiệp (ảnh chụp năm 1995).

Luôn đau đáu lời Bác dạy: “Lương y phải như từ mẫu”

Sinh ở xã Tây Giang (Tiền Hải), năm 1954 ông Thảo theo học Trường Cán bộ y tế Hà Nội và được điều động lên công tác ở ngành y tế khu tự trị Việt Bắc. Vừa làm vừa theo học nâng cao, đến năm 1968 ông học xong Trường Đại học Y Hà Nội, tiếp tục được điều động trở lại ngành y tế khu tự trị Việt Bắc, công tác ở đó đến năm 1977 thì được điều động về công tác ở ngành y tế Thái Bình. Ông đã trải qua nhiều cương vị công tác ở ngành y tế Thái Bình, từ Phó Trưởng khoa Ngoại, Trưởng đoàn công tác tăng cường biên giới phía Bắc, tham gia đoàn chuyên gia y tế giúp nước bạn Angiêri các năm 1988 đến năm 1990, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ năm 1993. Năm 2000 ông nghỉ hưu.

Có dịp được nghe bác sĩ Tạ Xuân Thảo kể về những tháng ngày tham gia cứu chữa thương binh tại trạm phẫu dã chiến Pa Tẩn và nghe ông trải lòng trong suốt 46 năm theo nghề y mới hiểu thêm về tâm đức của ông. Ông luôn đau đáu lời Bác dạy: “Lương y phải như từ mẫu”. Ông tâm sự, giọng nghẹn ngào: Mới đó thôi mà các đồng nghiệp của tôi - bác sĩ Bản, bác sĩ Ngọc Anh, bác sĩ Đắc, bác sĩ Lập, y sĩ Tám cùng đoàn công tác với tôi ở trạm phẫu dã chiến Pa Tẩn năm 1979 đã trở thành người thiên cổ rồi, cuộc đời vô thường lắm. Làm bác sĩ thì cũng đến cõi là ra đi thôi.

Dừng câu chuyện thật lâu, bác sĩ Thảo chia sẻ: Y đức - một trong những quy chuẩn của đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp là những quy tắc để hướng dẫn cho các thành viên ứng xử và hoạt động một cách trung thực, phục vụ cho lợi ích của nghề nghiệp và vì thế ngày còn công tác, trong mọi hoạt động nghề nghiệp, tôi yêu và gắn bó với cơ quan, yêu quý đồng nghiệp, luôn thực hiện công việc với chất lượng cao, tuân thủ pháp luật và phục vụ người bệnh tốt nhất có thể. Với tôi, y đức thực hiện nhiệm vụ là tòa án lương tâm, trách nhiệm xã hội.

Bác sĩ Tạ Xuân Thảo tâm niệm: “Sâu y lý - giàu y đức - giỏi y thuật” là phương châm của người thầy thuốc và tâm huyết “Nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt, so với những nghề khác có khác biệt rất lớn. Là thầy thuốc thì phải có lương tâm, trách nhiệm với người bệnh, đoàn kết với đồng nghiệp. Phải học hỏi kinh nghiệm với các bậc tiền bối, đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm cho những người đi sau để đạt được kiến thức và kỹ năng tốt nhất chữa trị cho người bệnh. Đối tượng mà người thầy thuốc tiếp xúc hàng ngày chính là những người có vấn đề về sức khỏe, những người bệnh, luôn mong mỏi sự giúp đỡ của người thầy thuốc. Họ tin tưởng vào tài năng, lòng nhân ái của người thầy thuốc sẽ cứu chữa họ khỏi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần”.

Bởi vậy, với thầy thuốc Tạ Xuân Thảo, dù đã bước vào tuổi 86 nhưng ông vẫn thấm sâu phương châm của người thầy thuốc và khuyên các đồng nghiệp trẻ khi họ đến thăm về “Sâu y lý - giàu y đức - giỏi y thuật”.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)