Thứ 6, 22/11/2024, 12:03[GMT+7]

Người thương binh tận tụy chữa bệnh cứu người

Thứ 4, 08/09/2010 | 14:07:23
2,198 lượt xem
Nhiều người đã nghĩ anh sẽ không qua khỏi bởi vết thương nặng nơi chiến trường, thế nhưng bằng nghị lực phi thường, với 10 lần mổ, Đào Viết Thoàn đã chiến thắng tử thần, trở thành một lương y chữa bỏng nổi tiếng đất Thái Bình. Anh là lương y Đào Viết Thoàn, 52 tuổi, ở thôn Đồng Ấu, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Anh Thoàn khám cho bệnh nhân bỏng.

Tháng 7/1975, chàng thanh niên quê lúa lên đường nhập ngũ, khi chiến tranh biên giới xảy ra, được điều về Quảng Ninh cầm súng bảo vệ biên cương Tổ quốc. Năm 1979, trong một trận chiến đấu, Thoàn bị thương rất nặng. Đằng đẵng 4 năm nằm điều trị ở Bệnh viện 103, đau đớn liên miên hành hạ anh cả ngày lẫn đêm. Anh bị chấn thương sọ não, vỡ bánh chè bên phải, gẫy xương sườn, mất toàn bộ hai cơ dép và hai cơ mông, mất một mắt trái... đó là những vết thương mà thương binh Đào Viết Thoàn phải chịu đựng.


Lúc đó, trong đau đớn, một câu hỏi cứ chập chờn ám ảnh anh. "Phải vươn lên thôi, gạt bỏ mọi khó khăn, nín lại nước mắt, cố gắng luyện sức khỏe và làm người có ích" - Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, đủ để anh nuôi chí bền và anh đã không phải là một hạt cát vô danh.

Suốt thời gian nằm điều trị tại Bệnh viện 103, để đỡ buồn chán, anh Thoàn đã tự mày mò đọc sách, học hỏi, tìm hiểu tài liệu để khi xuất viện có thể tiếp tục tự chữa vết thương ở chân cho mình. Cảm thông với chàng trai thương binh nặng, các bác sĩ đã cho anh biết loại thuốc sinh cơ nuôi thịt đang điều trị cho anh được chế ra từ bàn tay của sư cụ Thích Đàm Lương ở chùa Trắng (thôn Hữu Lê - Hữu Hòa - Thanh Trì - Hà Nội).

Sau đó, Thoàn xin phép bệnh viện, được đến chùa Trắng để đắp thuốc. Một thời gian, sư cụ nhà chùa thấy Thoàn vững tâm, cần mẫn, có nghị lực, có tố chất và năng khiếu để trở thành một lương y chữa bệnh cứu người, sư cụ đã nhận anh làm đệ tử, chữa khỏi cho anh và truyền dạy bí quyết chế thuốc, cách chữa bỏng và điều trị vết thương một cách hiệu quả nhất, hạn chế sẹo.

Năm 1987, Đào Viết Thoàn trở về quê sau 4 năm học sư cụ chùa Trắng, bằng đôi chân tập tễnh. Ở thể trạng như thế, anh hoàn toàn có thể ở lại trại điều dưỡng để hưởng sự chăm sóc đặc biệt của Nhà nước, nhưng anh nhớ đến lời Bác Hồ dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế". Sư cụ Thích Đàm Lương cũng đã truyền cả sự đức độ cho anh, giúp anh vững vàng hơn. Năm đó (1987), về quê, Thoàn đã gặp khó khăn lớn. Gia đình quá nghèo, con còn nhỏ, vợ chồng thương binh Đào Viết Thoàn đã được Nhà nước và địa phương quan tâm, xây dựng nhà tình nghĩa. Hai vợ chồng an tâm làm lụng, lao động sản xuất.

Ở vùng quê Thái Bình có nhiều trường hợp bỏng nặng, Đào Viết Thoàn đã tận tình cứu chữa, làm theo tâm nguyện của mình là phải giúp đỡ những bệnh nhân nghèo. Tiếng lành đồn xa, ở xã, huyện và tỉnh Thái Bình, hễ ai bị bỏng đều được giới thiệu đến lương y Thoàn.

Anh đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp tháo băng không bị dính, bôi thuốc mát không gây đau đớn cho bệnh nhân, vết thương, vết bỏng nhanh liền da, không để lại di chứng, tiết kiệm thời gian chữa trị, kinh phí cho người dân. Và anh thông cảm, chia sẻ với nỗi đau của người bệnh nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi, bố mẹ liệt sỹ, gia đình chính sách... Tổng số tiền làm từ thiện, giúp đỡ như: miễn phí điện, nước, giường nằm; miễn tiền thuốc, tiền công... là hơn 3 tỷ đồng.

Những năm gần đây, bệnh nhân ở khắp nơi  chẳng quản đường sá xa xôi tìm về "ông Thoàn bỏng" nhờ chữa trị, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng đã điều trị Tây y không khỏi. Mỗi khi trái gió, trở trời toàn thân anh Thoàn vẫn đau nhức, nhưng anh không lùi bước, không kêu ca, không từ chối bệnh nhân. Lúc anh đau mà có bệnh nhân đến, anh gác cơn đau của mình lại, chữa cho người bỏng trước, khi nhớ ra mình thì lúc đó, cơn đau của mình đã tạm lui.

 Dù nghèo, dù đau đớn, nhưng anh Thoàn và vợ vẫn cố gắng cho con cái ăn học. Hai vợ chồng lúc đó lại thơm lây. Chị Nguyễn Thị Hơn - vợ anh là cựu thanh niên xung phong, là người phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó, hết mực ủng hộ những việc chồng làm và giúp đỡ chồng trong suốt những năm tháng đau yếu.

Điều anh Thoàn tâm đắc nhất trong cuộc sống là lời dạy của sư cụ Thích Đàm Lương: "Muốn được hưởng phúc thì phải có đức, có tài, có tâm, có thiện. Ta mong con biết rồi, gắng học hỏi để giúp người".

Năm 2009, anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba. Phần thưởng động viên tinh thần đó, cũng thật ý nghĩa, để lương y Đào Viết Thoàn tiếp tục chiến đấu với khó khăn bản thân, cứu chữa bệnh nhân, phục vụ xã hội, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Anh Nguyễn Tiến Minh - Phó Chủ tịch UBND xã An Quý cho biết: "Anh Thoàn là một thương binh, một lương y tốt của xã nhà, chẳng những giúp nhiều bệnh nhân mà còn làm tốt các công việc xã hội ở địa phương"

Theo CAND Online

  • Từ khóa