Thứ 5, 25/04/2024, 16:19[GMT+7]

Đất anh hùng không ngừng phát triển

Thứ 2, 01/05/2023 | 12:44:49
13,151 lượt xem
Phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường của các thế hệ đi trước, một lòng sắt son theo Đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân huyện Đông Hưng chung sức đồng lòng thi đua lao động sản xuất, lập nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, xây dựng huyện sớm có nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại.

Công ty TNHH May TS.VINA, xã Hà Giang (Đông Hưng) đầu tư máy móc hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Vùng đất anh hùng

Trong suốt thời kỳ đấu tranh cách mạng, đặc biệt là từ khi có sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Đông Hưng đã phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mọi hy sinh, gian khổ lập nhiều chiến công vang dội, góp phần cùng cả nước viết nên bản anh hùng ca của thời đại, ghi vào lịch sử dân tộc những trang vàng chói lọi.

Tháng 7/1929, Liên Chi bộ Đảng Cộng sản Thần Duyên (tiền thân của Đảng bộ huyện Đông Hưng) được thành lập. Có sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Đông Hưng đã tham gia nhiều cuộc biểu tình “long trời, lở đất” đấu tranh chống lại thực dân phong kiến, góp phần vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập của dân tộc. Nhiều tên đất, tên làng, tên xã đã trở thành “địa chỉ đỏ” như chợ Khô (Liên Hoa), nơi nông dân Tiên - Duyên - Hưng tập trung tham gia biểu tình ngày 1/5/1930; cây đa xã Hà Giang nơi cắm cờ Đảng năm 1930; chợ Bơn (Hồng Châu) nổ ra cuộc bãi thị của nhân dân (1939), Hồng Việt nơi tập trung của Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, Ty Thông tin, Ban Tuyên huấn…

Năm nay dù đã ở tuổi “thất thập” song ông Nguyễn Hữu Yến, xã Nguyên Xá vẫn nhớ như in những trận chiến đấu oanh liệt của làng Nguyễn xưa mà ông từng tham gia. Ông kể: Khi 2.000 tên địch đánh vào Nguyên Xá, tiếng kèn đồng của chiến sĩ du kích Nguyễn Huy Trù vang lên, nhân dân xông lên, hò reo náo động, quân địch hoảng loạn bỏ chạy như ong vỡ tổ. Pháo đài bất khả xâm phạm - làng kháng chiến Nguyên Xá vì thế vinh dự được Hồ Chủ tịch tặng cờ thêu 5 chữ: “Nguyên Xá - làng kiểu mẫu”.

Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đảng bộ và nhân dân Đông Hưng đã tiễn 60.000 con em lên đường đánh Mỹ; chi viện cho tiền tuyến 58.000 tấn lương thực, trên 5.200 tấn thực phẩm các loại. Trong 2 cuộc kháng chiến, 8.200 người con Đông Hưng đã anh dũng hy sinh, gần 2.600 người để lại một phần xương máu ở chiến trường, trên 2.500 người bị nhiễm chất độc hóa học... góp phần làm cho đất nước “nở hoa độc lập, kết trái tự do”. Kết thúc các cuộc kháng chiến, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Đông Hưng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đông Hưng đẩy mạnh phát triển, quy hoạch các cụm công nghiệp.

Đông Hưng ngày mới

Mảnh đất Đông Hưng anh hùng hôm nay đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Từ địa phương sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nay Đông Hưng đã quy hoạch 9 cụm công nghiệp, trong đó 7 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút được trên 160 dự án vào đầu tư và đăng ký đầu tư. 3 tháng đầu năm 2023 tiếp tục có 5 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã về khắp các làng quê tạo nên không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi. Toàn huyện có trên 750 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động địa phương. 

Ông Bùi Đức Dự, Giám đốc điều hành Công ty TNHH May Bình Minh - ATC cho biết: Công ty hiện có 3 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 1.300 công nhân, lương bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Công ty chú trọng đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng thị trường để tăng doanh thu, nâng thu nhập cho người lao động, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cấy lúa chất lượng cao, sản xuất theo vùng, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng sản phẩm đặc thù địa phương… Đến nay, địa phương đã có 17 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, 3 sao. Bên cạnh đó, Đông Hưng còn tập trung phát triển thương mại, dịch vụ với nhiều trung tâm giao dịch, mua bán, chợ đầu mối, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của địa phương. Năm 2022, bình quân thu nhập đầu người của huyện đạt 57,7 triệu đồng/năm. 3 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt trên 4.800 tỷ đồng, tăng 10,94% so với cùng kỳ năm 2022.

“Để tạo động lực giúp địa phương ngày càng phát triển, huyện đang đầu tư xây dựng xã Thăng Long, xã Đông Quan thành đô thị loại 5, chỉnh trang thị trấn Đông Hưng theo hướng văn minh hiện đại, hướng phát triển kinh tế theo trục giao thông kết nối quan trọng của tỉnh, của huyện; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thu hút doanh nghiệp lấp đầy các cụm công nghiệp trên địa bàn. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để về đích đúng lộ trình đề ra” - đồng chí Tô Xuân Thức cho biết thêm.



Thu Hiền