Chủ nhật, 24/11/2024, 12:58[GMT+7]

Thương binh làm kinh tế giỏi

Thứ 6, 21/07/2023 | 15:22:49
7,837 lượt xem
Với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, những thương binh, cựu chiến binh (CCB) trở về với cuộc sống đời thường đã chiến thắng bệnh tật, vượt khó làm giàu, vươn lên trong cuộc sống.

Cơ sở chế biến thủy hải sản của thương binh Tạ Thị Hạnh (người bên phải) tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn huyện.

“Cô Hạnh sứa”

Nhắc đến “cô Hạnh sứa”, có lẽ người dân khu 8, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy không ai là không biết. Bà Hạnh, người chiến sĩ Trường Sơn quê lúa làm giàu từ nghề chế biến hải sản trên quê hương. Nếu như một phần thân thể không để lại nơi chiến trường thì Tạ Thị Hạnh là cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, mang nét đẹp rắn rỏi của người con gái miền biển. Thương tật đến 61% khiến bà không khỏi đau đớn mỗi khi thời tiết thay đổi, nhưng có lẽ vì thế nên bà vẫn luôn tự nhủ với bản thân phải không ngừng nỗ lực vươn lên làm giàu, đóng góp xây dựng quê hương.

Là chủ cơ sở chế biến hải sản, bà Hạnh đã đem các sản phẩm truyền thống của quê hương đi khắp mọi miền của Tổ quốc, liên kết bao tiêu sản phẩm với hơn 20 đơn vị từ Bắc vào Nam giúp thương hiệu nước mắm Diêm Điền ngày càng vươn xa. Trên cương vị là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Thái Thụy, bà đã vận động các nhà hảo tâm xây dựng nhà tình nghĩa cho hội viên, hàng năm tổ chức trao quà cho CCB có hoàn cảnh khó khăn, thăm viếng hội viên qua đời. Những hoạt động ấm áp nghĩa tình của CCB Tạ Thị Hạnh đã lan tỏa và thu hút đông đảo hội viên CCB tham gia phong trào của hội. Nhiều năm liền, CCB Tạ Thị Hạnh được Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam khen thưởng vì những đóng góp tích cực cho công tác hội. 

CCB Tạ Thị Hạnh cho biết: Vợ chồng tôi đều là những chiến sĩ mang thương tật do chiến tranh, chúng tôi luôn động viên nhau mỗi khi đau ốm và đồng hành cùng nhau trên chặng đường xây dựng và phát triển quê hương. Tâm nguyện lớn nhất đời tôi chính là đưa các sản phẩm quê hương Diêm Điền vươn ra thế giới, để không chỉ mỗi người dân ở Thái Bình mà cả những người con đi làm ăn xa xứ cũng được thưởng thức hương vị quê hương.

Cựu chiến binh Trần Xuân Hữu thu gần nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi trồng thủy sản.

Ông Hữu nuôi cua

Có lẽ người dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải không còn xa lạ với khu nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Trần Xuân Hữu, thôn Hoàng Môn. Ngoài cá song, cá vược, ông Hữu còn nổi tiếng nhờ nuôi ngao giống và thành công với mô hình nuôi cua biển thương phẩm của mình. Xuất ngũ năm 1976, CCB Trần Xuân Hữu trở về địa phương để làm kinh tế. Chứng kiến những bãi bồi ven biển cỏ mọc hoang hóa, ông đã mạnh dạn vay vốn người thân, quật lập nên trang trại có diện tích hơn 2ha với 9 ao nuôi thả để đầu tư phát triển sản xuất. 

CCB Trần Xuân Hữu cho biết: Tôi nuôi cá vược, cá song, ngao giống và cua biển để có thể hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế mỗi khi được mùa nhưng mất giá. Đặc biệt, tôi thành công nhất với mô hình nuôi ngao giống và cua biển. Với hơn 1ha ao nuôi, vừa qua tôi thả hơn 200 triệu đồng tiền ngao giống, đến hết tháng 6 xuất bán ngao giống thu về gần 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 200 triệu đồng. Mấy năm qua, tôi cũng dày công nghiên cứu, học hỏi và tìm hướng nuôi cua biển. Quá trình nuôi cua tuy cũng có lần thất bại nhưng cơ bản đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Mấy vụ cua gần đây tôi nuôi thành công, giá xuất bán ra thị trường từ 200.000 - 250.000 đồng/kg đối với cua thịt và 250.000 - 300.000 đồng/kg cua gạch. Sau khi trừ chi phí, tôi thu về gần 500 triệu đồng/năm, mô hình của tôi cũng tạo việc làm ổn định cho 4 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Thương binh Đào Trọng Chiến (người áo trắng) vui thú tuổi già bên những chậu lan của gia đình.

Ông Chiến xây dựng

Đến thăm CCB Đào Trọng Chiến, thôn Nguyễn Trãi, xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình trong những ngày hè, chúng tôi thấy người lính già đang cẩn thận chăm sóc những chậu hoa lan của mình. Mới nghỉ công việc xây dựng và bàn giao bến bãi cho người thân quản lý được hơn một năm nay, ông Chiến giờ đây chọn cho mình lối sống vui thú điền viên bên gia đình. 

CCB Đào Trọng Chiến kể: Là thương binh hạng 1/4, di chứng chiến tranh ở mắt và tay khiến tôi gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt. Nhưng với quyết tâm của người lính, tôi cố gắng lao động, dạy bảo con cháu trong gia đình đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế. Từ hai bàn tay trắng, tôi đã vay mượn người thân, bạn bè để đầu tư xây dựng bến bãi vật liệu xây dựng, mua máy để sản xuất gạch không nung. Thời điểm hưng thịnh, cơ sở của tôi thu về cả tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 15 lao động. Hai năm trở lại đây, do tác động của đại dịch Covid-19, cơ sở của tôi có thu hẹp sản xuất nhưng vẫn duy trì việc làm cho 7 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Tôi luôn căn dặn các con dù có khó khăn đến mấy cũng cố gắng xoay sở, giữ lấy chữ tín trong công việc thì khách hàng mới luôn gắn bó với mình. Sản phẩm gạch không nung của gia đình nhờ đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng nên sản xuất đến đâu bán hết đến đó.

Những người lính như bà Hạnh, ông Hữu hay ông Chiến đều đã từng “vào sinh ra tử”, để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường ác liệt. Giờ đây, khi đất nước ngày càng đổi mới và phát triển, họ kiên cường vượt qua nỗi đau của thể xác, mạnh dạn phát triển kinh tế, tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tiến Đạt