Thứ 4, 01/05/2024, 18:49[GMT+7]

Cựu chiến binh Trần Thái và ký ức khoác chiến bào

Thứ 6, 18/08/2023 | 16:40:07
6,453 lượt xem
Sinh ra ở thôn An Thái, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, gần một thế kỷ cuộc đời, cựu chiến binh (CCB) Trần Thái đã thấu cảnh quê hương, đất nước chìm trong lầm than, nô lệ và đói nghèo. Từ một người phải sống tha hương cầu thực và nương nhờ cửa Phật, ông được đi theo Đảng và Bác Hồ trở thành người chiến sĩ cộng sản, Chính ủy Sư đoàn 316 dạn dày trận mạc. Trong những ngày tháng Tám lịch sử này, CCB Trần Thái kỷ niệm 78 năm ngày ông trở thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn, song có mấy ai biết được cuộc đời ông trước đó đã hơn mười năm nương bóng nơi cửa Phật.

Tác giả trò chuyện cùng cựu chiến binh Trần Thái.

Tha hương từ tuổi ấu thơ

Ở tuổi 97 nhưng CCB Trần Thái vẫn có trí nhớ mẫn tiệp. Có dịp ngồi nghe ông trải lòng về cuộc đời và sự nghiệp ông đi theo Đảng làm cách mạng mới thấy ở ông phẩm chất trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Ông mồ côi cha mẹ khi ở tuổi lên mười, năm 12 tuổi được chú dắt đi tha hương rồi gửi ông lại nhà chùa ở xã Thượng Hiền (Kiến Xương). Hai năm sau, ông theo thầy chùa phiêu dạt lên tỉnh Bắc Giang và thầy chùa gửi ông ở lại với Đại đức Bùi Trọng Thành (bí danh Xương Thanh Sử), trụ trì chùa Thọ Xương. Ngày ngày chú tiểu Trần Thái không những được thầy chùa răn chỉ Phật pháp mà còn dành tình cảm riêng chỉ bảo về lý tưởng của Đảng và Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trần Thái kể lại, hầu như không mấy ngày chùa Thọ Xương vắng khách. Mỗi lần Đại đức đón khách là một lần thầy chùa gọi giao việc cho chú tiểu Trần Thái nhiệm vụ cảnh giới trước cửa chùa. Thầy chùa dạy ông rất kỹ khi cảnh giới thấy khách khả nghi là người không tốt thì gõ chuông liên hồi, còn nếu là các Phật tử lành thì thản nhiên để họ tĩnh tâm thỉnh Phật và sau mỗi buổi cảnh giới cho thầy chùa, chú tiểu Trần Thái đều được thầy khen là làm rất tốt công việc. Hơn ba năm sau nương nhờ cửa Phật chùa Thọ Xương, chú tiểu Trần Thái mới được Đại đức cho biết, chùa Thọ Xương là cơ sở cách mạng của tỉnh Bắc Giang. Đại đức là một đảng viên cộng sản, những người khách thường đến nơi cửa Phật không phải là những phật tử bình thường mà đó chính là nhà văn Tô Chiêu Dương và nhà văn Hoàng Ngọc Trác, là lớp đảng viên năm 1930 của tổ chức đảng của tỉnh Bắc Giang lấy cơ sở nhà chùa để tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gây dựng phong trào cách mạng ở tỉnh Bắc Giang. Ông Trần Thái được giáo hóa và tiếp thu lý tưởng của Đảng, được Đảng giao nhiệm vụ từ những ngày mặc áo cà sa ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ký ức khoác chiến bào

CCB Trần Thái nhớ lại: Trước ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền 19/8/1945 diễn ra, ông được Đại đức Bùi Trọng Thành động viên: “Con ở chùa giúp thầy đã được lâu rồi, nay thầy nói cho con biết, con không chỉ giúp cho nhà chùa luôn sạch sẽ, tịnh tâm để Phật tử đến nơi này thỉnh Phật mà mấy năm qua con đã làm được nhiều việc tốt cho tổ chức đảng, con đã được hiểu biết một phần về Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm nay con đã mười tám tuổi rồi, thầy chùa muốn con đem chí trai ra phục vụ lý tưởng của Đảng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Thầy chùa muốn con cởi áo cà sa để khoác chiến bào ra trận. Con có đồng ý không? Thầy chùa đã may cho con bộ quần áo này, để ngày mai con gia nhập Vệ quốc đoàn cùng với những người đồng chí con nhé!”. Ông Trần Thái chính thức cởi áo cà sa chia tay Đại đức để khoác áo chiến bào đêm hôm trước ngày 19/8/1945. Ngày 19/8/1945, ông Trần Thái nhập ngũ là chiến sĩ Vệ quốc đoàn thuộc Trung đoàn 48. Hai năm sau ngày trở thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn, năm 1947 ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong một trang nhật ký đời binh nghiệp của mình, CCB Trần Thái viết:

“Cởi áo cà sa, khoác chiến bào
Ngừng chuông niệm Phật
cầm dao diệt thù
Chữ tu ba bẩy đường tu
Nguyện đem xương máu đền bù nước non
Nước còn chùa cảnh vẫn còn
Tượng tô càng đẹp
chuông dồn tiếng vang...”


Vào quân đội, ông được hoạt động vùng hậu địch các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, từng tham gia lực lượng tự vệ thành Hà Nội, tham gia giải phóng Thủ đô và vinh dự tham gia chiến dịch “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ là những năm tháng ông Trần Thái cùng đơn vị tăng cường chi viện cho chiến trường nước bạn Lào. Ông tự hào cùng đồng đội, phối hợp với quân giải phóng nhân dân Lào giải phóng tỉnh Phongsaly và bắt sống tỉnh trưởng Bun Thậm. Sau tết Mậu Thân năm 1968, ông Trần Thái vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Suốt 7 năm chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, ông đã cùng đồng đội thực chiến ở hàng trăm trận chiến đấu lớn nhỏ từ chiến trường Khe Sanh ác liệt đến trận đánh cuối cùng ngày 30/4/1975 miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Tham gia giải quyết hậu quả chiến tranh chống Mỹ, tháng 10/1977, Chính ủy Trung đoàn 148 Trần Thái được điều động ra biên giới phía Bắc tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Cuối năm 1979, trên cương vị Chính ủy Sư đoàn 316 ông được Nhà nước và Quân đội cho nghỉ hưu.

97 tuổi đời, CCB Trần Thái đã nếm trải những gian khó, hiểm nguy khắp chiến trường phía Bắc và phía Nam, chiến trường nước bạn Lào, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ của dân tộc, qua cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc, cùng đồng đội lập nhiều chiến công. Gia tài của sư thầy “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” nay là một tổ ấm hạnh phúc, con cháu trưởng thành. Ông vinh dự, tự hào được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi đảng, 34 năm quân ngũ với 16 huân, huy chương các loại, trong đó có Huân chương Độc lập và tấm Huân chương cao quý của nước bạn Lào trao tặng.

Nguyễn Công Liêm
Thành phố Thái Bình