Chủ nhật, 24/11/2024, 12:57[GMT+7]

Người thương binh nặng trồng rừng chắn sóng

Thứ 6, 18/08/2023 | 16:54:39
8,901 lượt xem
Sinh ra và lớn lên trên quê hương xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải. Ký ức tuổi thơ của Vũ Văn Tưởng còn in đậm dấu tích sự tàn phá của biển, trời đối với cuộc sống con người qua mỗi mùa bão tố. Cũng như mọi cư dân miền biển, anh hiểu rất rõ tác dụng của rừng ngập mặn, rừng chắn sóng đối với việc bảo vệ đê biển và khai thác nguồn lợi thủy sản.

Cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng (người thứ ba từ trái sang) giới thiệu kỹ thuật ươm giống cây bần Myanmar.

Những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, tình hình biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc rất căng thẳng. Cũng như những thanh niên cùng trang lứa, tháng 8/1978, Vũ Văn Tưởng xung phong nhập ngũ. Hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới, anh được bổ sung vào Tiểu đoàn 25, trực thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7 chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam thuộc tỉnh Tây Ninh. Tháng 12/1978, trong một trận chiến đấu ác liệt, Vũ Văn Tưởng bị thương nặng được chuyển về tuyến sau điều trị. Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ thương tật 81% và chuyển anh về Đoàn an điều dưỡng Quân khu 3. Đầu năm 1981, anh được chuyển về Đoàn an dưỡng thương binh nặng tỉnh Thái Bình. Cuối năm 1981, Vũ Văn Tưởng xây dựng gia đình với cô thôn nữ Đặng Thị Hin cùng quê. Năm 1984, thực hiện chủ trương của tỉnh, đồng thời theo nguyện vọng của gia đình, chị Đặng Thị Hin lên Đoàn an dưỡng thương binh nặng xin đón chồng về dưỡng thương tại nhà.

Được chính quyền địa phương, gia đình và bà con làng xóm quan tâm giúp đỡ, sức khỏe của Vũ Văn Tưởng dần hồi phục. Anh thường xuyên tập luyện, điều trị vết thương, tích cực lao động ổn định kinh tế gia đình và nuôi dạy con khôn lớn.

Năm 1994, xã Đông Hoàng có chủ trương cho đấu thầu đất bãi biển để trồng rừng chắn sóng, Vũ Văn Tưởng bàn với vợ và hai bên gia đình góp vốn tham gia. Phần lo cho sức khỏe của chồng, phần vì không có vốn nên lúc đầu chị Hin kiên quyết không đồng ý. Vũ Văn Tưởng kiên trì thuyết phục vợ và bố mẹ hai bên, nói rõ mục đích việc trồng rừng chắn sóng và lý do anh tham gia là để rèn luyện sức khỏe, đồng thời có thêm thu nhập. Biết tính chồng đã định làm gì là quyết làm cho bằng được nên chị Hin đồng ý. Thế là Vũ Văn Tưởng vay mượn bạn bè, người thân được 20 triệu đồng chung vốn mua phi lao về trồng trên vùng đất bãi được quy hoạch. Trong hai năm 1994 - 1995, tổ của anh trồng được 140 vạn cây. Không phụ công người trồng, hàng phi lao đã bén rễ và phát triển xanh tốt.

Nhưng rồi “người tính không bằng trời tính”, trung tuần tháng 8/1996, cơn bão số 4 (tên quốc tế là Niki) đổ bộ vào tỉnh Thái Bình đúng vào lúc triều cường đã cuốn phăng gần 20ha phi lao mới hơn một năm tuổi. Tiếc công, xót của, các thành viên trong tổ bỏ cuộc. Quyết không nản chí, Vũ Văn Tưởng vận động người cháu gọi anh bằng ông tiếp tục đầu tư mua phi lao về trồng mặc cho bố mẹ và vợ can ngăn. Ròng rã nửa năm trời, hai ông cháu trồng được gần 7 vạn cây. Do có kinh nghiệm sau thất bại và cũng có thể do “trời thương” nên rặng phi lao cứ thế lớn lên, tươi xanh theo năm tháng.

Hàng ngày ra chăm sóc phi lao, Vũ Văn Tưởng phải đi qua khu rừng ngập mặn. Nhận thấy nguy cơ rừng bị tàn phá do không có người bảo vệ, năm 2001, anh báo cáo đề xuất và được UBND xã đồng ý cho thành lập tổ bảo vệ gồm 4 người do Vũ Văn Tưởng làm tổ trưởng. Từ ngày có tổ bảo vệ, rừng ngập mặn của xã Đông Hoàng phát triển xanh tốt, bà con trong xã được hưởng lợi từ việc đánh bắt các loài thủy sinh, không còn hiện tượng chặt phá cây hoặc đào hồ nuôi tôm trong rừng ngập mặn.

Do có kinh nghiệm trồng rừng chắn sóng và bảo vệ rừng ngập mặn, năm 2006, Vũ Văn Tưởng được Chi cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao 2kg hạt giống cây bần Myanmar về ươm thử. Đây là giống bần thân to, bộ rễ chắc khỏe bám chặt vào lòng đất, lá to, dầy, khép tán, cây có sức chống chịu tốt trong mọi điều kiện thời tiết. Nếu việc nhân giống thành công, chẳng những có đủ giống bần cung cấp cho các dự án trồng rừng ngập mặn của tỉnh Thái Bình mà còn có khả năng cung cấp cho các tỉnh trong cả nước.

Tuy là việc làm mới nhưng được sự hướng dẫn của các kỹ sư ngành lâm nghiệp tỉnh cùng với việc nghiên cứu tìm hiểu trên sách báo, anh chọn vùng bãi triều dầy phù sa, đắp thành bờ bao để hạt không bị trôi mỗi khi thủy triều lên, xuống. Đợi thủy triều ròng kiệt, anh mang hạt gieo như nông dân gieo mạ. Hạt nẩy mầm chừng một tháng thì bứng cây cho vào bầu đặt dưới lòng ao để cây phát triển tự nhiên. Kết quả, hạt giống nảy mầm với tỷ lệ cao, cây phát triển tốt. Số lượng giống bần anh ươm trồng được khoảng 15ha, trong đó có 10ha đất ngập mặn của xã Đông Hoàng. Số còn lại chuyển sang trồng tại huyện Thái Thụy theo quy hoạch của ngành lâm nghiệp tỉnh. Cây bần Mianma trồng từ 4 - 5 năm thì ra hoa, kết quả. Vũ Văn Tưởng chọn những quả già, hạt mẩy đem ươm thử. Lúc đầu chưa thành công; đến lứa thứ hai, thứ ba hạt nảy mầm đều, cây phát triển sau một năm cao khoảng 1,3 - 1,5m đem trồng là tốt nhất.

Việc Vũ Văn Tưởng ươm thành công giống bần Mianma đã lan tỏa sang các địa phương trong khu vực và cả nước, nhiều tỉnh liên hệ đặt mua. Mỗi năm, anh ươm và cung cấp ra thị trường hàng vạn cây giống, năm cao nhất tới 7 vạn cây.        

Hiện nay, Vũ Văn Tưởng làm chủ “rừng” phi lao có chiều dài 3km, chiều rộng từ 50 - 70m với khoảng 3 - 4 vạn cây, tạo thành “con đê mềm” ngăn bão tố và sóng biển dọc bờ biển xã Đông Hoàng đã đến kỳ thu hoạch cũng phải đến “bạc tỷ” nhưng anh chưa muốn bán. Anh còn làm tổ trưởng bảo vệ 140ha rừng ngập mặn của xã và mỗi năm ươm từ 1 - 3 vạn cây bần giống cung cấp cho các địa phương, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động.

Là thương binh nặng nhưng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Vũ Văn Tưởng đã kiên trì rèn luyện sức khỏe, tích cực lao động phát triển kinh tế, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội do chính quyền và các đoàn thể tổ chức. Năm 2019, Vũ Văn Tưởng là đại biểu của tỉnh Thái Bình đi dự hội nghị thương binh tiêu biểu toàn quốc, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Bình lần thứ 4 (26/3/1962 - 26/3/2022), anh được Tỉnh ủy vinh danh là 1 trong 60 gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sơ kết một năm thực Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (năm 2022), Vũ Văn Tưởng được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen. Anh thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Nguyễn Văn Hán
Cựu chiến binh thành phố Thái Bình