Thứ 4, 01/05/2024, 10:41[GMT+7]

Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam 19/8 Nhân lên cội nguồn sức mạnh, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh

Thứ 7, 19/08/2023 | 06:37:01
5,808 lượt xem
Trong cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay, nhân dân Thái Bình vẫn không quên những ngày gian khó nhưng rất đỗi hào hùng và vinh quang cách đây 78 năm - tháng 8/1945, cùng với nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vùng lên đấu tranh làm nên cuộc cách mạng “long trời, lở đất”, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Thành phố Thái Bình.

Truyền thống hào hùng

Trong không khí hào hùng của những ngày thu tháng tám, chúng tôi về xã Tân Học (Thái Thụy), quê hương cách mạng Thần Đầu - Thần Huống, một trong những địa phương đầu tiên của huyện Thái Ninh (trước đây) khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. 78 năm đã trôi qua song cụ Đinh Văn Tiệp, 93 tuổi đời, 71 năm tuổi đảng ở thôn Bắc vẫn nhớ như in những ngày cùng nhân dân tham gia cách mạng, đấu tranh giành chính quyền. Cụ kể: Dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến đầu những năm 40 của thế kỷ trước, nhân dân quê tôi bị bóc lột đến tận xương tủy, đói khổ tới cùng cực. Đỉnh điểm là nạn đói năm 1945 làm nhiều người trong xã chết đói, có gia đình chết cả nhà nên nhân dân càng nuôi chí căm thù, một lòng tin tưởng và đi theo cách mạng. Trung tuần tháng 8/1945, khí thế cách mạng của quần chúng sôi sục khắp nơi, đặc biệt sau khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Thái Ninh thắng lợi vào ngày 18/8/1945. Ngay tối hôm đó, hàng nghìn quần chúng nhân dân thuộc các làng khu 3 tổng (Thần Huống, Tân Bồi, Lễ Thần) đã tập trung ở Gồ Voi - Vũ Biên làm lễ tế cờ, phân công lực lượng chuẩn bị vũ khí, giáo, mác, gậy gộc, may cờ và tổ chức lực lượng bảo vệ cuộc mít tinh vào sáng ngày hôm sau. Sáng ngày 20/8/1945, hàng nghìn người dân cùng lực lượng tự vệ kéo về Gồ Voi dự mít tinh, nghe đồng chí Giang Đức Tuệ diễn thuyết kêu gọi quần chúng đứng lên đập tan chính quyền tay sai Nhật - Pháp, thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời khu 3 tổng do đồng chí Giang Đức Tuệ làm Chủ tịch. Ngày đó, tôi là Đội trưởng Đội thiếu niên của xã cũng tham gia vào đoàn biểu tình giành chính quyền, chưa bao giờ thấy khí thế hăng hái, sục sôi như vậy. Đoàn vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh!”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn!”, “Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng!” khiến đám tay sai khiếp đảm không dám chống cự.

Đình Phú Uyên (xã Tân Học, huyện Thái Thụy) - di tích lịch sử văn hóa, là nơi hoạt động cách mạng của cán bộ và du kích xã Thần Đầu trước đây.

Thái Bình là miền quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Tinh thần thượng võ, quật khởi chống ngoại xâm, chống áp bức cường quyền đã thấm sâu vào máu thịt, tâm can của mỗi người dân nơi đây. Sau ngày thành lập Đảng, ở Thái Bình đã nổ ra hai cuộc biểu tình “long trời, lở đất” của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà ngày 1/5/1930 và tại Tiền Hải ngày 14/10/1930, thu hút hàng chục nghìn quần chúng tham gia. Trải qua 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Thái Bình đã được luyện tôi trong gian khổ, hy sinh, “nếm mật nằm gai”, “bền gan vững chí”, một lòng sắt son theo Đảng chuẩn bị mọi điều kiện để sớm giành chính quyền cách mạng. Tháng 8/1945, khi thời cơ đã chín muồi, nhân dân khắp nơi trong tỉnh muốn vùng lên đập tan xiềng xích của thực dân phong kiến, tay sai. Mặc dù chưa nhận được mệnh lệnh khởi nghĩa của Trung ương nhưng nhận thấy thời cơ cách mạng đã đến, chiều ngày 18/8/1945, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp, bàn kế hoạch và quyết định khởi nghĩa trong toàn tỉnh với mục tiêu là chiếm các phủ huyện trước rồi tập trung lực lượng các địa phương kéo lên thị xã Thái Bình giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra đầu tiên ở Thái Ninh. Chiều ngày 18/8/1945, các lực lượng cách mạng của Thái Ninh được lệnh tiến vào phủ đường Thái Ninh, tập trung viên chức lại tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng. Thừa phái, lục sự đều xin quy phục lực lượng cách mạng và nộp con dấu, sổ sách. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên cổng phủ báo hiệu cuộc khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân. Sau đó, quần chúng khắp các địa phương trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền, chỉ trong 6 ngày từ 18 - 23/8/1945, chính quyền từ tỉnh, huyện đến các làng xã ở Thái Bình đã về tay nhân dân. Sáng ngày 25/8/1945, khoảng 10.000 quần chúng ở thị xã Thái Bình và đại biểu quần chúng các phủ, huyện đã về dự mít tinh lớn tại thị xã để chào mừng Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời và Tỉnh bộ Việt Minh ra mắt nhân dân.

Mùa thu tháng 8/1945 chính là “mùa thu vàng” của cả dân tộc Việt Nam và đã in hằn trong ký ức của nhiều nhân chứng lịch sử. Là người từng tham gia đấu tranh giành chính quyền tháng 8/1945, cụ Phạm Ngọc Đáp, 95 tuổi đời, 76 năm tuổi đảng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh phấn khởi chia sẻ: Cứ mỗi dịp mùa thu tháng tám, tôi lại thấy mình trẻ lại như thanh niên, đang hòa mình vào dòng người tiến về phủ Thái Ninh đấu tranh giành chính quyền. Chúng tôi là những thanh niên tiên tiến được giác ngộ cách mạng từ sớm, ai cũng đều quyết tâm đánh đuổi thực dân phong kiến nên cấp trên giao nhiệm vụ gì cũng hoàn thành, tích cực tham gia hoạt động cách mạng, vận động quần chúng đi theo cách mạng cùng đấu tranh giành lại độc lập. Với tôi mùa thu tháng tám của 78 năm về trước là mùa thu đẹp nhất, mùa thu của cách mạng, của ý chí kiên cường đứng lên đánh giặc cứu nước của toàn dân, toàn quân Việt Nam. Tôi luôn tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình, trọn đời đi theo Đảng, suốt đời học và làm theo Bác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước.

Vững bước đi lên

Phát huy tinh thần quật cường của Cách mạng Tháng Tám 1945, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, người Thái Bình vừa xả thân ở những trận chiến khốc liệt để giải phóng quê hương vừa dốc cạn  sức người, sức của chi viện cho các mặt trận. Đi trọn chặng đường 20 năm đánh Mỹ, Thái Bình luôn thực hiện “thóc thừa cân, quân vượt mức”. Lớp lớp con em Thái Bình ra trận với tinh thần “có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”.  Người ở lại hậu phương tay cày tay súng “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, làm nên “năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”. Thái Bình là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha năm 1966, vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Hàng chục vạn bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân quân du kích, dân công hỏa tuyến, người phục vụ kháng chiến đã hy sinh hoặc cống hiến một phần xương máu để giang sơn thu về một mối, góp phần tô thắm truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình.

Kế thừa và phát huy những tinh hoa, truyền thống yêu nước đó của các thế hệ cha ông, trên cuộc hành trình hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã năng động, sáng tạo khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Thái Bình đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới, bứt phá vươn lên trên hành trình thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Kinh tế liên tục đạt mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế không ngừng được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn luôn nằm trong nhóm cao của khu vực: năm 2021 tăng 7,25%; năm 2022 tăng 9,52% (đứng thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước); 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,77% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn bình quân cả nước, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng thứ 5/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó công nghiệp tăng 15,17% đứng đầu khu vực đồng bằng sông Hồng và thứ ba cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Thái Bình đã khẳng định được vị thế của mình, tiếp tục cho thấy xu thế phát triển, đồng hành cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực và bắt nhịp cùng sự phát triển chung của cả nước. Hình ảnh, uy tín của tỉnh được cải thiện và nâng cao rõ rệt, được Trung ương và các tỉnh, thành phố đánh giá là một điểm sáng cho sự nỗ lực vươn lên.

Cùng với nhân dân cả nước, người dân Thái Bình đang đón một mùa thu của đổi mới, của ấm no và hạnh phúc. Mỗi địa danh lịch sử trên “Quê hương năm tấn” vẫn còn lưu giữ những dấu tích của các cuộc cuộc đấu tranh giành chính quyền tháng 8/1945, minh chứng cho tinh thần yêu nước, những cống hiến xứng đáng của quân và dân Thái Bình cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng. Đây cũng là động lực quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tiếp tục phát huy cao độ truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương, nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, viết tiếp bản hùng ca vĩ đại 19/8 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Hình