Huyền thoại làng ven biển
rong chuyến điền dã mới đây, tôi được ông Nguyễn Đức Mân, cháu ruột lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh ở Thị trấn Diêm Điền kể cho nghe huyền tích về cái giếng cổ trong khuôn viên gia đình cụ cử Nguyễn Đức Tiết (thân phụ lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh) ở làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội (nay là xã Thị trấn Diêm Điền), chuyện kể rằng: hồi đầu thế kỷ XX, cái giếng nằm ngay mép bờ bãi bồi (nay đã cách xa chừng 200 mét), bên ngoài là nước mặn, bên trong nước lợ nhưng nước giếng vẫn trong xanh, điều lạ đáng nói là nước giếng không bị lợ, vẫn mát ngọt cho đến tận bây giờ. Ông Mân còn cho biết, người dân nơi đây vẫn còn lưu truyền những câu chuyện nghe như trong huyền thoại gắn liền với những lễ hội không kém phần đặc sắc của người dân nơi "đầu sóng, ngọn gió" như lễ tế thủy thần; tế Bà Chúa Muối; tục rước nước và múa Ông Đùng, Bà Đà...ở huyện ven biển Thái Thụy. Tương truyền, thời tiền Lý (Lý Nam Đế 503 - 548) những làng ven biển, ven sông hoặc nơi có hồ rộng ở vùng hạ lưu sông Diêm Hộ thường tổ chức bơi chải trong những ngày lễ hội truyền thống. Lưu truyền rằng: vào một đêm tối trời bỗng nhiên có hai chiếc thuyền rồng ở dưới sông Diêm Hộ nổi lên, quân trên thuyền reo hò ầm ĩ. Lý Bôn tưởng giặc đến đánh úp bèn vội hô ba quân nghênh chiến. Bất ngờ trên thuyền có tiếng hô to, tự xưng là Thuỷ Thần đến giúp đỡ Lý Bôn đánh giặc. Quả nhiên, ngày hôm sau, thủy binh của Lý Bôn đánh tan quân Lương. Cảm kích bởi tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà ngay đến Thủy Thần cũng sẵn sàng xung trận, Lý Bôn cho phép dân chúng tổ chức lễ hội bơi chải (có nơi tổ chức vào ban đêm) để tế Thuỷ Thần.
Lý Bôn (Lý Bí) người quê ở hương Thái Bình, xuất thân là một hào trưởng địa phương có tài văn võ song toàn. Theo sử cũ ghi: Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17-10-503). Khi Lý Bí 5 tuổi thì cha mất, 7 tuổi thì mẹ qua đời. Ông ở với chú ruột. Tương truyền, có một vị Pháp tổ thiền sư đã đem Lý Bí về chùa nuôi dạy. (Ngôi chùa đó chính là chùa Thái Bình Hưng Quốc ở thôn Quang Lang Đoài xã Thụy Hải ngày nay). Sau hơn 10 năm rèn sách chuyên cần, lại được vị thiền sư gia công chỉ bảo nên Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu, ít người sánh kịp. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương. Cũng theo sử cũ, Lý Bí đã từng ra làm quan cho nhà Lương, nhưng do bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác, nên ông bỏ quan, về quê, chiêu binh mãi mã chống lại chính quyền đô hộ. Tù trưởng ở Chu Diên (Hải Dương ngày nay) là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục, hết sức phục tài đức của Lý Bí nên đã đem quân nhập với đạo quân của ông. Năm 541, thứ sử Giao Châu Tiêu Tư vô cùng tàn bạo nên bị người dân oán giận. Cùng thời điểm ấy, biên ải có giặc Lâm Ấp quấy phá. Nhân dân Giao Châu lâm vào tình thế rất khổ cực. Lý Bôn làm quan cho chính quyền đô hộ nhưng bất bình nên bỏ về quê (Thái Bình nay) chiêu mộ nghĩa quân.Đầu năm 542, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, đã nổ ra chống lại ách đô hộ của nhà Lương. Nhân lúc lòng dân oán hận giặc Lương dâng trào, Lý Bí đã liên kết với hào kiệt ở các châu thuộc miền đất Giao Châu (nước Việt Nam xưa), đồng thời dấy binh chống nhà Lương. Theo sử cũ của Việt Nam thì: "thủ lĩnh Chu Diên (vùng Đan Hoài, nay thuộc ngoại thành Hà Nội) là Triệu Túc và con là Triệu Quang Phục, phục tài đức Lý Bí đã đem quân theo trước tiên, Phạm Tu cũng là một tướng tài của Lý Bí từ buổi đầu khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa thành công rất nhanh. Phải đối đầu với cuộc khởi nghĩa có sự liên kết giữa các địa phương, Tiêu Tư (thứ sử Giao Châu) khiếp hãi, không dám chống cự chạy trốn về Việt Châu (bắc Hợp Phố) và Quảng Châu. Cuộc khởi nghĩa nổi dậy từ tháng một năm 542, dài không quá 3 tháng đã kết thúc, nghĩa quân đã chiếm được châu thành Long Biên (Bắc Ninh). Sau những giờ phút kinh hoàng, chính quyền nhà Lương lập tức có phản ứng đối phó điên cuồng. Tháng 4 năm 542 vua Lương sai thứ sử Việt Châu là Trần Hầu, thứ sử La Châu là Nịnh Cư, thứ sử An Châu là Lý Trí, thứ sử ái Châu là Nguyễn Hán, từ hai phía bắc - nam Giao Châu cùng tiến đánh nghĩa quân Lý Bí. Chủ động đánh giặc, nghĩa quân Lý Bí tổ chức một trận tiêu diệt lớn ngay trên miền cực bắc Châu Giao. Trăm trận, trăm thắng, đến năm 544, nhằm tháng giêng, ông tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập trăm quan, lấy tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn xã tắc lưu truyền đến muôn đời. Lễ hội bơi chải xưa của làng Diêm Điền là cuộc đua thể hiện tài năng hết mình của các chàng trai thành thạo nghề sông nước để trình diễn cho Thuỷ Thần tham quan, cầu mong thần phù trợ trong công việc đi biển thuận lợi may mắn, mang lại cuộc sống no đủ cho dân làng, cũng là "món quà" dân lên Lý Nam Đế để tưởng nhớ công ơn của vị vua Tiền Lý đã có công lao dẹp tan giặc Lương, giữ yên bờ cõi. Trước đây, người dân vùng Diêm Hộ hết sức tôn trọng, duy trì tục lệ bơi chải. Theo truyền khẩu, nếu năm nào không tổ chức lễ hội bơi chải, ngay lập tức Thuỷ Thần nổi giận và năm đó thần sẽ về bắt người. Không biết tự bao giờ, người dân Diêm Điền vẫn còn lưu truyền câu tục ngữ: ”Sóng Cửa Trà (cửa sông Trà Lý), ma cửa Hộ (cửa sông Diêm Hộ)”. Theo tư liệu điền dã, làng Diêm Điền có chiều dài khoảng 1km và được bao bọc 3 phía bởi sông Cống Ngoại về phía tây, sông Cống Mới phía đông đặc biệt phía nam là dòng Diêm Hộ chảy qua trước làng rồi đổ ra biển. Tục bơi chải của làng gắn liền với nghề đi biển đánh bắt hải sản và vận tải đường biển nên người dân thường sùng bái Thủy Thần, thường niên mở hội tế lễ Thuỷ Thần. Theo các bậc tiền nhân kể lại rằng trước năm 1945 làng còn có chùa và đình, trước khi bơi phải đến tế Thuỷ Thần ở Đình Trung vào sáng ngày 10 tháng giêng hằng năm. Tục bơi chải quy định: cả làng gồm có 5 đội bơi đại diện cho 5 xóm (Xóm Hậu, Xóm Tiền, Xóm Tả, Xóm Hữu và Xóm Trung), mỗi đội 20 người có 9 cặp bơi, một người cầm lái và một nguời đánh mõ hô nhịp. Vật tế lễ dâng lên Thủy Thần là một con cá vược lớn còn tươi, đặt trên chiếc mâm đồng, phía duới trải tấm lụa màu trắng. Mỗi đội cử một đại biểu bưng lễ vật đặt trên bàn thờ. Người đại diện của mỗi xóm thường là bậc huynh trưởng, gia đình phải đủ con trai, con gái, phúc hậu (là con cháu của các bậc tiên hiền có công lao khai phá, lập xóm mở làng) với trang phục truyền thống, quần áo dài thụng màu xanh, đội khăn xếp màu đen, đi giày. Tham gia tế Thuỷ Thần gồm một chủ tế, 4 bồi tế, 12 quan viên. Chủ tế mặc áo dài màu xanh, khăn xếp màu đen, hai bên tả, hữu là hai hàng quan viên (là những vị trong ban hương chức của làng) và có 2 ông Tây xướng và Nam xướng. Các bồi tế lần lượt dâng hương, đăng, trà (2 lần), dâng Thanh chước (rượu) 4 lần và ông chủ tế đọc bài chúc văn thành kính mời Thuỷ Thần về chứng giám các lễ vật do lòng thành của dân làng dâng cúng và cầu mong thần phù trợ đắc lực cho trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, nhà nhà bình yên, no đủ, hạnh phúc…Sau khi tế xong các đội bơi đi xuống bến nơi có 8 thuyền chải có trang trí đầu rồng cách điệu ở phía mũi. Ở trên đình đốt vàng mã xong ở dưới bến chuẩn bị phất cờ và đốt pháo phát lệnh là các đội bơi vào cuộc. Khi tiếng pháo thứ 3 vừa nổ xong thì các thuyền bơi dàn hàng ngang trên sông Diêm Hộ lao như tên trong tiếng trống giục, tiếng hô cổ vũ vang dội của dân làng các xóm bên bờ. Các thuyền đua phải đi đúng 3 lượt mới kết thúc. Đội về nhất là được nhận một con cá vược và một xâu tiền thưởng. Các thành viên tham gia bơi được mời dự bữa cơm cúng Thành Hoàng đầu năm tại đình làng.
Trở về với Thụy Hải, địa danh "lân gia" với Diêm Điền, quê hương của nghề làm muối, nơi đây có hai ngôi đền đều mang tên Đền thờ Bà Chúa Muối. Hàng năm, nơi đây là địa điểm diễn ra các lễ hội, các trò chơi dân gian đặc sắc của một vùng quê biển với tục rước nước, trò gieo ống, múa ông Đùng bà Đà, đi kheo trên cạn đặc sắc. Bà Chúa Muối tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh, sinh tại trang Quang Lang, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Vân, nay là xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Thân phụ của bà là cụ Nguyễn Công Hiền, thân mẫu của bà là cụ Bằng Thị Màu chuyên nghề làm muối kiếm sống. Tuy sống trong cảnh đạm bạc, nhưng ông bà Hiền Màu rất mực thương nhau, tích đức, phùng thiện. Họ sinh được một người con gái, càng lớn, nhan sắc càng đẹp rực rỡ như trăng rằm, liền đặt tên con là Nguyệt Ảnh. Nguyệt Ảnh càng lớn, càng xinh đẹp. Nàng đẹp quá đến nỗi, cha mẹ nàng chẳng nỡ bắt con làm nghề phơi muối. Ông bà gom góp sắm cho con gái một chiếc thuyền buôn muối. Nàng bán muối rất có duyên, lại thảo tính, thương người, khi thấy người làng khó khăn, nàng thường hay xin cha mẹ lấy tiền chu cấp, do vậy, nàng được mọi người quý mến. Một lần, thuyền muối của nàng lên kinh thanh Thăng Long, ghé lại vào một ngày trời nắng oi ả. Nhưng, thuyên của nàng đi tới đâu là có đám mây che tới đó, quan quân thấy lạ vào tâu với vua Trần. Vua Trần Anh Tông cho vời nàng vào cung, ngắm nhìn tuyệt tác giai nhân, vua sủng ái và phong cho làm Đệ tam vương phi. Sống trong nhung lụa, Nguyệt Ảnh không nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà, nàng kể cho vua nghe về nỗi cực nhọc của diêm dân, vua Trần Anh Tông liền hạ chiếu xóa tô thuế cho dân làng Quang Lang. Lúc đó, Hoàng Hậu chưa có con mà Đệ tam vương phi đã có thai, nên nảy sinh lòng ghanh ghét, Hoàng Hậu tâu với vua rằng, nếu lấp ngòi Quang Lang thì Thái Tử sau này sẽ thành đấng Quân vương, vua nghe lời liền sai quân lấp ngòi. Nguyệt Ảnh nhớ nhà, xin vua cho về thăm quê, vừa về đến làng, Nguyệt Ảnh lâm bệnh trọng, rồi làng qua đời khi vừa nhìn thấy lũ trẻ chơi múa trò Ông Đùng, Bà Đà. Thương tiếc Đệ tam vương phi, vua Trần Anh Tông lệnh cho quân chúng làm lễ mai táng trọng thể và ban sắc phong: "Từ Y Thái hòa đệ tam cung phi linh ứng tôn thần". Vua còn ban nhiều vàng bạc và sắc cho dân Quang Lang lập phủ điện để thờ làm phúc thần, thường gọi là đền thờ bà Chúa Muối. Ngay cạnh đền thờ bà chúa Muối là chùa Hưng Quốc có tên là "Thái Bình Hưng Quốc Tự". Theo dân gian, chùa Hưng Quốc có từ trước thế kỷ thứ VI. Tương truyền, vào một buổi chiều tà, bà Lê Thị Oanh (thân mẫu Lý Bí) khi ấy đang bụng mang dạ chửa có việc về thăm nhà anh trai là Lý Thiên Bảo ở ấp Vạn Xuân (nay là xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy). Khi đi đến làng Quang Lang thì trời sắp tối lại gặp cơn mưa giông, bà liền vào chùa xin ở nhờ để tránh mưa và nghỉ qua đêm. Đêm đó, bà chuyển dạ và đã sinh con trai, đặt tên là Lý Bí. Khi Lý Bí lên 7 tuổi thì cả cha mẹ qua đời...
Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh