Chủ nhật, 24/11/2024, 12:47[GMT+7]

Nông dân Thái Bình: Viết tiếp trang sử hào hùng

Thứ 6, 01/09/2023 | 06:24:53
5,759 lượt xem
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nông dân Thái Bình luôn phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, hăng hái tham gia chiến đấu, tích cực thi đua lao động sản xuất, góp phần cùng cả nước giành độc lập dân tộc. Những cuộc biểu tình của nông dân Thái Bình đã trở thành bản đại hùng ca của thế kỷ XX. Đó là niềm kiêu hãnh, tự hào khích lệ các thế hệ nông dân tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng quê hương phồn vinh, phát triển.

Mô hình nuôi ong mật của ông Vũ Đình Văn, tổ 9, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình).

Truyền thống vẻ vang

Cùng với cuộc đấu tranh của nông dân cả nước, phong trào đấu tranh của nông dân Thái Bình trước Cách mạng Tháng Tám diễn ra sôi nổi, rộng khắp bằng những cuộc biểu tình “long trời lở đất”. Cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà và đỉnh cao là cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930 ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã thể hiện tinh thần đấu tranh oanh liệt của nông dân Thái Bình. Mặc dù bị thất bại nhưng hai cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà và nông dân Tiền Hải là đỉnh cao của cao trào cách mạng ở Thái Bình những năm 1930 - 1931. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nông dân Thái Bình đã giương cao ngọn cờ cách mạng, kề vai sát cánh cùng nông dân cả nước kiên định một lòng đi theo Đảng. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hãy đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”, nông dân Thái Bình đã hăng hái sản xuất, chiến đấu phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của dân tộc với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Lớp lớp những thế hệ nông dân đã đổ mồ hôi, xương máu, tích cực lao động sản xuất, làm nên kỳ tích 5 tấn thóc/ha đầu tiên toàn miền Bắc của Thái Bình, góp phần cùng quân dân cả nước giành độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sau thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nông dân Thái Bình cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Góp sức xây dựng quê hương

Kế thừa và phát huy những truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương, những năm qua, hội viên, nông dân Thái Bình đã khẳng định vai trò chủ thể trong phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tập trung xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh; huy động trí tuệ, sức lực của hội viên, nông dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, làm giàu cho quê hương; đặc biệt là tổ chức hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. 

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, toàn tỉnh có trên 263.300 hội viên đăng ký tham gia phong trào “Nông dân thi đua, sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Qua bình xét hàng năm, số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt 72% so với hộ đăng ký. Hàng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 9.800 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động... trị giá 45 tỷ đồng. 

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân tích cực, vượt khó mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. 

Trong đó, nông dân Vũ Đình Văn, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) là một điển hình. Bằng sự linh hoạt, dám nghĩ, dám làm, ông Văn đã làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương với mô hình nuôi ong, trồng đào và nuôi cá trân châu. 

Ông Văn chia sẻ: Từ niềm đam mê với cá trân châu, tôi đã lặn lội đi khắp nơi để học hỏi cách nuôi cá. Khi thu nhập từ việc nuôi và bán cá trân châu bắt đầu ổn định, tôi chi 2,5 tỷ đồng để mua 2 mẫu đất ở xã Tân Hòa (Vũ Thư) và đầu tư xây trang trại mở rộng quy mô sản xuất. Với diện tích hơn 1.100m2, mỗi tháng gia đình cung cấp ra thị trường 30.000 - 40.000 con cá trân châu. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Hội viên, nông dân xã Thụy Liên (Thái Thụy) hiến đất để mở rộng đường giao thông.

Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, những năm qua, hội viên, nông dân Thái Bình cũng phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. 5 năm qua, hội viên, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp 357,7 tỷ đồng, hàng triệu ngày công lao động làm mới, sửa chữa đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, hiến 475.154m2 đất xây dựng công trình công cộng... Các cấp hội đã xây dựng được hàng trăm mô hình hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao ở các địa phương. 

Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Đồng cho biết: Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, người nông dân và cộng đồng dân cư được xác định giữ vai trò là chủ thể, nòng cốt. Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân đóng góp sức người, sức của xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới. 5 năm qua, cán bộ, hội viên, nông dân đã ủng hộ 14,85 tỷ đồng, hiến 125.000m2 đất nông nghiệp tương đương 13,125 tỷ đồng, 3.135m2 đất thổ cư tương đương 1,54 tỷ đồng… tạo điều kiện địa phương đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, làm cho diện mạo quê hương ngày càng văn minh, hiện đại.

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: Nông dân Thái Bình luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, lao động cần cù, sáng tạo, luôn có khát vọng vươn lên làm giàu, không cam chịu đói nghèo, ngày càng thể hiện rõ vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phát huy vai trò trung tâm đoàn kết, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của hội viên, nông dân tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức hội sẽ không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân. Tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, nâng cao năng lực làm chủ của nông dân. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào trong nông dân; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, nông dân.

Hội viên nông dân xã Thụy Liên (Thái Thụy) hiến đất để mở rộng đường giao thông.

Mạnh Cường - Nguyễn Triệu