Thứ 4, 01/05/2024, 12:57[GMT+7]

Đông Hoàng: Ngày ấy - bây giờ

Thứ 7, 02/09/2023 | 08:48:41
4,965 lượt xem
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân xã Đông Hoàng (Đông Hưng) anh dũng, kiên cường lập nhiều chiến công. Vùng quê cách mạng ấy giờ đây đang ngày càng khởi sắc, trở thành “điểm sáng” trong phong trào thi đua lao động sản xuất, đang tiến gần tới đích xã nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Chùa Thiên Phú, thôn Tống Khê, xã Đông Hoàng - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Địa chỉ đỏ

Những ngày thu tháng tám lịch sử, chúng tôi trở lại thăm chùa Thiên Phú, thôn Tống Khê - nơi diễn ra cuộc mít tinh quy mô lớn chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, nay là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ. 

Ông Phạm Bá Nhượng, thôn Tống Khê, 85 tuổi chia sẻ: Đầu tháng 6/1945, Ban Vận động Việt Minh đã tổ chức mít tinh tại chùa Thiên Phú để gây thanh thế cho Mặt trận Việt Minh. Cuộc mít tinh thành công, tỉnh đã chọn Thượng Tầm (Đông Hoàng) làm an toàn khu. Từ đó các đồng chí cán bộ tỉnh, huyện thường xuyên về an toàn khu họp bàn, chỉ đạo kháng chiến, vì vậy phong trào cách mạng ở Đông Hoàng càng có điều kiện phát triển với những sự kiện đi vào lịch sử như: Đội danh dự Việt Minh Đông Hoàng được chọn đưa thư cảnh cáo tới tri phủ Thái Ninh; tổ lò rèn bí mật ở Thanh Long (Đông Hoàng) luôn đỏ lửa, mọi người không quản đêm ngày sản xuất vũ khí trang bị cho lực lượng tự vệ và Việt Minh trong vùng; lực lượng vũ trang tuyên truyền của xã từ tối ngày 16/8/1945 đã kết hợp với đội tự vệ vũ trang Châu Giang tiến vào phủ lỵ 

Châu Giang thu toàn bộ vũ khí giao cho lực lượng cách mạng. Đông Hoàng còn là nơi Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp quyết định phát động tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh, nơi khởi nghĩa sớm nhất cả tỉnh. Từ chiều ngày 18/8/1945, nhân dân Đông Hoàng cùng nhân dân các xã lân cận có lực lượng tự vệ, vũ trang dẫn đầu đã tiến thẳng vào phủ Thái Ninh tập trung viên chức, lính cơ tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng. Với truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, sự hy sinh không tiếc máu xương, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Hoàng đã vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp”.

Cựu chiến binh Tô Hồng Sơn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ mô hình trồng cây ăn quả.

Vùng quê đổi mới

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, ngày nay cấp ủy, chính quyền xã Đông Hoàng tiếp tục khơi dậy tiềm năng, thế mạnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM nâng cao. 

Ông Bùi Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hoàng cho biết: Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng vụ, đưa cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị, thu nhập. Xã cũng đã xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 11ha, bà con cấy một giống lúa chất lượng, có bao tiêu sản phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã hiện có gần 20.000 con gia súc, gia cầm. Chăn nuôi đang phát triển theo hướng công nghiệp, an toàn sinh học, tiến tới thực hiện quy trình khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, phân phối. Để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thêm nguồn lực cho nền kinh tế, địa phương triển khai nhiều giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Hiện xã đã có 2 doanh nghiệp, một số cơ sở phát triển nghề truyền thống, làm mộc, cơ khí, xây dựng… tạo việc làm cho trên 2.000 lao động. Nửa nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã đạt 7,7%, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 68,8 triệu đồng (vượt mục tiêu cả nhiệm kỳ đề ra). 100% thôn, trên 90% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa.

Kinh tế phát triển, người dân tích cực góp sức xây dựng NTM, NTM nâng cao. Đổi thay dễ nhận thấy là đường giao thông nông thôn hầu hết được mở rộng, bê tông hóa, xe cơ giới lưu thông dễ dàng nhờ các gia đình hiến đất, phá dỡ công trình trên đất, góp công, ủng hộ hàng chục tỷ đồng. Các công trình: trụ sở xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng mới. Người dân các thôn còn tự nguyện đóng góp tiền lắp đèn điện thắp sáng đường quê, trồng và chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp. 

Ông Phạm Tiến Dũng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Tống Khê cho biết: Thôn tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tích cực đưa các loại con, cây có giá trị kinh tế cao vào nuôi, trồng, tham gia sản xuất ở cánh đồng lớn. Chủ nhật cuối tháng và dịp lễ tết, cán bộ, nhân dân trong thôn đều tự giác tham gia tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng, chăm sóc hoa, cây xanh trên các trục đường để đường sá phong quang, sạch đẹp. Vừa qua, nhân dân trong thôn đã đóng góp trên 50 triệu đồng lắp đèn điện chiếu sáng 460m đường để khép kín hệ thống chiếu sáng của cả thôn. 

Bà Phạm Thị Trầm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã chia sẻ: Ủy ban MTTQ xã, các đoàn thể đã làm tốt công tác dân vận, động viên nhân dân tham gia xây dựng NTM nâng cao bằng những hành động cụ thể, thiết thực như: thi đua làm kinh tế giỏi, đóng góp tiền, ngày công làm đường giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng; cựu chiến binh, phụ nữ thực hiện tuyến đường tự quản, tuyến đường hoa; chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; duy trì và nâng cao chất lượng các câu lạc bộ dân vũ, văn nghệ, thể thao… góp phần xây dựng NTM nâng cao.

Đến nay, Đông Hoàng đã thực hiện được 15/19 tiêu chí NTM nâng cao, các tiêu chí còn lại xã đang huy động nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện phấn đấu hoàn thành sớm để về đích trong năm 2023.

Đông Hoàng hôm nay.

Hiếu Nghĩa