Thứ 4, 01/05/2024, 18:18[GMT+7]

Quê hương cách mạng Thượng Hiền: Vững bước phát triển

Thứ 7, 02/09/2023 | 09:20:10
8,347 lượt xem
Xã Thượng Hiền là vùng quê có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của huyện Kiến Xương. Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây luôn phát huy truyền thống xã anh hùng, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đình Đông, xã Thượng Hiền.

Dấu ấn lịch sử

Về Thượng Hiền những ngày này, người dân rất tự hào khi nhắc lại truyền thống hào hùng của 78 năm về trước. Theo Lịch sử Đảng bộ xã: Tháng 8/1945, sau khi được phổ biến về việc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, người dân ai cũng háo hức, mong chờ thời khắc tham gia. Nhiều người thức suốt đêm không ngủ, tháo vải ở bàn thờ may cờ đỏ sao vàng để tham gia khởi nghĩa. Lực lượng khởi nghĩa được chia làm 2 mũi tấn công với nhiều lứa tuổi, đi đầu là anh em tự vệ mang cờ đỏ sao vàng hùng dũng tiến về phủ lỵ Kiến Xương giành chính quyền. Tiếng trống rộn ràng hòa lẫn với những âm thanh của gậy gộc, giáo mác, nhân dân Dưỡng Thông (nay là xã Thượng Hiền) đã tiến về tập trung tại sân chợ Rãng. Sau khi chính quyền cách mạng đọc lệnh tổng khởi nghĩa, tuyên bố bãi bỏ chính quyền cũ, lập chính quyền cách mạng và lệnh cho lý dịch phải nộp sổ sách, triện đồng, quần chúng nhân dân, đội ngũ tự vệ của Dưỡng Thông đã bắt người làm tài chính của chính quyền địa phương bị thụt két phải thú tội trước nhân dân. Giành chính quyền thắng lợi, từ đây nhân dân Dưỡng Thông đã thực sự làm chủ quê hương và vận mệnh của mình.

Ông Bùi Quang Ân, thôn Tây Phú bồi hồi nhớ lại: Ngày đó tôi còn bé nhưng vẫn nhớ phong trào cách mạng ở địa phương có lúc lên lúc xuống, có những năm hệ thống tổ chức của Đảng bị địch phá vỡ, cán bộ, đảng viên bị khủng bố, bị bắt tù đày và phong trào bị đứt liên lạc; song nhờ đường lối chính trị đúng đắn của Đảng và lòng yêu nước của nhân dân nên phong trào cách mạng không bị dập tắt, vẫn tồn tại đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Thắng lợi của các cuộc đấu tranh không chỉ đem lại quyền lợi cho người dân trong xã mà còn nhanh chóng lan sang các xã khác. Phát huy truyền thống quý báu đó, người dân nơi đây tiếp tục cống hiến sức người, sức của trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ cho đến ngày toàn thắng. Ghi nhận những đóng góp của quân và dân Thượng Hiền, năm 2010 địa phương đã được phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp”.

Xã Thượng Hiền lưu giữ, bảo tồn cây gạo hàng trăm năm tuổi.

Đổi mới, phát triển

Từ khi bắt tay vào thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo các tầng lớp nhân dân tích cực phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng. 2 năm 2021 - 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt gần 290 tỷ đồng, tăng trưởng 10,02%/năm. Kinh tế phát triển toàn diện trên 3 lĩnh vực trụ cột: nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, dịch vụ. 

Ông Phạm Xuân Hợp, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thượng Hiền có nghề mây tre đan truyền thống nên người dân luôn có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Trong khi nhiều làng nghề bị suy giảm, khó khăn về đơn hàng nhưng làng nghề lại cho thu nhập bình quân của người dân từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng. Toàn xã có khoảng 75% số hộ làm nghề, trong đó có khoảng 300 hộ có thu nhập từ 15 - 25 triệu đồng/tháng. Điều đặc biệt của nghề này là không những tận dụng được nguồn lao động, nhất là người già và trẻ em mà dù là công nhân hay cán bộ, công chức vẫn tranh thủ hết giờ làm việc về nhà làm nghề. Nhiều hộ ban ngày đi làm công nhân tối vẫn về làm mây thu nhập từ 50.000 - 100.000 đồng/người/tối.

Chia sẻ về sự phát triển của làng nghề, ông Nguyễn Xuân Đại, thôn Tây Phú cho biết: Trước đây, bố tôi là người cung cấp nguyên liệu mây tre đan lớn nhất xã này, sau đó đã truyền lại nghề cho tôi. Là nghề truyền thống có từ lâu đời, lúc thăng lúc trầm nhưng chưa bao giờ người dân không có việc để làm. Mỗi người làm một công đoạn, như nhà tôi chuyên lấy nguyên liệu, mỗi tháng nhận khoảng 30 tấn nguyên liệu về phát cho dân sau đó thu sản phẩm lại rồi xuất đi. Do là hàng xuất khẩu nên phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài, nhưng ngay cả khi chững nhất như thời điểm hiện nay, bình quân mỗi tháng tôi cũng thu về 30 triệu đồng. 

Bà Phạm Thị Hiên, 73 tuổi, thôn Tây Phú cho biết: Nghề mây tre đan như là mạch sống của người dân và không thể tách rời trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con nơi đây. Mặc dù tuổi cao nhưng mặt hàng nào tôi cũng làm được, bình quân mỗi tháng tôi có thu nhập hơn 4 triệu đồng từ làm nghề. Đó là cái hay mà không phải làng nghề nào cũng có được.

Chủ tịch UBND xã Phạm Xuân Hợp khẳng định: Thu nhập từ nghề mây tre đan nên đã góp phần nâng cao đời sống của người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 61,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 30%, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,76%. Nghề phát triển kéo theo thương mại, dịch vụ phát triển, tạo diện mạo mới cho địa phương. Từ năm 2020 đến nay, Thượng Hiền đã xã hội hóa hơn 20 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình phúc lợi. Đặc biệt, nhờ phát triển nghề nên nhiều gia đình đã chuyển hướng không cấy, nhường ruộng cho những người chuyên làm nông nghiệp. Toàn xã hiện có 15 hộ tích tụ ruộng đất từ 3 - 20ha để hướng tới sản xuất lúa hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao. 

Với những lợi thế đó, Thượng Hiền sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực hoàn thành các tiêu chí để sớm về đích xã nông thôn mới nâng cao trong những năm tới.

Nghề mây tre đan tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người cao tuổi ở Thượng Hiền.

Thu Thủy