Sen hoa chân định
Ngoài đình, đền, chùa Am xưa làng Lại Trì còn có văn từ (thờ Khổng Tử và tạc bia ghi tên những người đỗ đạt) đàn tư võ, đàn thiên rông… Các thiết chế tín ngưỡng đó đều được xây dựng trên các gò đất cao giữa làng… Xa xưa là những ngôi nhà nhỏ, mái rạ, sau dần được tu bổ khang trang đẹp đẽ, có tường hoa bao quanh, có cây cổ thụ, có hoa viên với hồ sen tươi mát… làm phong cảnh làng đẹp thêm.
Theo các tài liệu khảo cứu, Lại Trì là tên cổ xưa, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 làng Lại Trì chia thành các thôn Bạch Đằng, Đống Đa, Mê Linh và Lam Sơn (tên các địa danh lịch sử của nước). Năm 1955 lập xã Vũ Tây với 3 thôn Bạch Đằng, Đống Đa, Mê Linh còn Lam Sơn về xã Vũ Sơn. Năm 2003, xã Vũ Tây chia nhỏ thành 9 thôn với tên gọi: Tiền Phong, Quang Minh, Hợp Tiến, Bình Sơn, Đồng Tâm, Thống Nhất, Hoa Nam, Đại Hải, Vân Hồng… Mới đây xã Vũ Sơn lại hợp nhất với xã Vũ Tây thành xã Tây Sơn nhưng người Vũ Tây vẫn không quên cái tên Lại Trì có từ buổi đầu mở làng.
Người làng Lại Trì kể rằng: “Trì” là sông nước, là ao hồ… Lại Trì có nghĩa là nhiều sông, ao, hồ. Làng Lại Trì nằm trên một gò đất cao, xung quanh là nước, có một dòng nước chảy xoáy từ phía Đông sang phía Tây, nhờ đó mà dân làng có nước sạch ăn uống. Có người lại bảo làng Lại Trì giống hình con rùa (Kim Quy) từ sông Trà Lý bò lên, đầu quay về hướng Nam. Ngày mới lập làng, người dân sống bằng nghề chài lưới và cấy lúa. Nghề chài lưới đánh bắt cá làm cả năm, còn nghề cấy lúa chỉ làm vào mùa khô. Những người có công mở làng là các tổ họ Vũ, Bùi, Trần, Hà, Nguyễn. Ngày nay ngôi mộ ngũ tộc (5 họ) vẫn được dân làng gìn giữ, tu bổ. Đồng đất làng Lại Trì rộng. Người dân trong làng xưa đã từng so sánh “Nhất Lại Trì, nhì Động Trung” (làng Động Trung nay là hai xã Vũ Trung, Vũ Quý). Làng Lại Trì có nhiều xứ đồng, trong đó có đồng “hoa sen” rộng tới hàng vài chục mẫu, thửa ruộng nào cũng có hình cánh sen.
Việc thờ Nam Hải Đại vương là gắn với nghề sông nước của dân làng thuở ban đầu, còn việc thờ Quốc sư và thân mẫu của người được kể rằng: Thân mẫu và Quốc sư Dương Không Lộ lúc còn hàn vi làm nghề đánh cá, một lần qua sông Bến (làng Lại Trì) thấy phong cảnh ở đây kỳ thú lại tiện nghề sông nước nên ở lại đây, sau khi mất dân lập đền thờ. Đền thờ Quốc sư phong cảnh rất đẹp, chính giữa cửa đền có dải nước sâu hình trái bầu, liên tục như dải hồ lô. Trước mặt đền có dải đất hình đàn tỳ bà, bên cạnh là thửa ruộng hình thanh kiếm. Bên kia sông trước đền có gò đất hình con rùa, một dải đất hình con rắn… đều chầu vào đền. Thân mẫu Quốc sư thờ ở chùa Am.
Truyền ngôn, nơi thờ thân mẫu có hình vỏ trấu như một chiếc thuyền, có người bảo là vật dụng của cha mẹ Quốc sư, có người nói đây là di ảnh của nghề nông, nghề trồng lúa nước của dân làng. Cách chùa Am khoảng 400 - 500m có một phiến đá rộng hơn 3m2 cắm thẳng đứng trên gò. Phía đầu phiến đá có một vết lõm, giống hình ngón chân và một lỗ hổng như lỗ xỏ quai dép, phía cuối phiến đá lại có hình gót chân và một dải chéo như chiếc quai dép. Dân trong vùng gọi phiến đá đó là “chiếc dép của đức thánh”. Cách Lại Trì khoảng 3km tại làng Trình Hoàng, xã Vũ Lễ, có một phiến đá giống phiến đá ở Lại Trì nhưng không có vết chéo dài, người ta bảo đó là chiếc dép đứt quai của đức thánh Dương Không Lộ. Ngoài đình, đền, chùa Am xưa, làng Lại Trì còn có “Văn từ” (thờ Khổng Tử và tạc bia ghi tên những người đỗ đạt) đàn tư võ, đàn thiên rông… Các thiết chế tín ngưỡng đó được xây dựng trên các gò đất cao giữa làng… Xa xưa là những ngôi nhà nhỏ, mái rạ, sau dần được tu bổ khang trang đẹp đẽ, có tường hoa bao quanh, có cây cổ thụ, có hoa viên với hồ sen tươi mát… làm phong cảnh làng đẹp thêm. Làng Lại Trì có sông Bơi, con sông nhỏ trong đồng, vào mùa hội bao giờ cũng có bơi trải ở đây nên dân làng gọi sông Bơi. Trên bờ sông Bơi, có bến Ngự. Ngày hội dân làng rước Thánh từ đền thờ ra ngồi xem bơi ở đây nên có tên bến Ngự, bến được xếp bằng đá. Trước cửa đền có giếng sâu, thành giếng xếp bằng đá ong, nước giếng rất trong, xưa dân làng thường lấy nước về ăn. Theo dân làng kể thì làng ngày xưa có tới 9 giếng nước như thế, dân thường gọi “Cửu Tĩnh”, nay chỉ còn một giếng. Làng Lại Trì thường mở hội vào trung tuần tháng 9, tập trung từ ngày 10 - 12/9. Dân trong vùng truyền rằng: “Nhất vui là hội Lại Trì/Đêm thì xem hát, ngày thì xem bơi”… Hội Lại Trì không chỉ có hát, có bơi trải mà còn có các trò chơi dân gian như đánh cờ bỏi, tổ tôm điếm, tam cúc điếm, có hát xẩm, biểu diễn xiếc. Buổi tối ở sân đình có hát ả đào (ca trù). Tại chùa có hát chèo, đọc kinh, kể hạnh… nhưng nét đặc biệt của hội làng Lại Trì là tế và bơi trải.
Lễ hội làng Lại Trì xưa nay vẫn duy trì lễ tế bánh dày vào buổi tối. Bánh được làm rất tinh khiết, người làm bánh chú ý từ khâu chọn gạo đến khâu lấy nước ngâm gạo nên bánh làm ra dẻo, thơm. Lễ tế bánh dày vào buổi tối nhưng dân làng tham gia rất đông. Bơi trải là trò chơi đặc sắc của hội Lại Trì, năm nào vào hội cũng có bơi trải. Dân làng giải thích tục bơi trải gắn với nghề sông nước của Quốc sư và cũng phản ánh lễ hội nông nghiệp của làng. Cuộc thi bơi trải diễn ra suốt 3 ngày, làng có 8 giáp cứ hai giáp một trải. Tiền đóng trải do nhân dân trong giáp bỏ ra, trải đóng bằng gỗ dổi, dài 14m, rộng 1m, có sức chứa 23 người, gồm một người lái, một người cầm cờ hiệu, một người tát nước và 10 đôi trai gái ngồi hai bên để bơi. Đoạn sông mà các trải dự thi dài 3km, nay đã được lát đá, kè bờ hai bên sông, mỗi trải bơi ba vòng, xếp các trải về nhất, nhì, sau ba ngày cộng lại để ăn giải. Giải nhất 10 vuông lụa đào, giải nhì 5 vuông. Những ngày thi bơi, các trải đều được thưởng tiền. Ngày nay hội Lại Trì vẫn duy trì thi bơi trải, ngoài các thôn trong xã còn có sự tham gia của thôn Lam Sơn, xã Vũ Sơn (cũ). Bơi trải xưa nay vẫn là một trò chơi hấp dẫn trong hội.
Thời nhà Trần (1226 - 1400), làng Lại Trì đã có người nổi danh nhưng hiện làng không có ghi chép nào để lại. Thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) làng đã có người thành đạt ra làm quan. Vào thời vua Minh Mệnh (1820 - 1840) làng đã trích ra 15 mẫu ruộng làm ruộng “học điền” cho người cấy thuê lấy hoa màu rước thầy về làng mở trường dạy học. Thời Pháp thuộc, thân phụ của Chủ tịch Trường Chinh, Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) đã từng là thầy giáo của làng. Những người đỗ tú tài, cử nhân được làng cấp cho 5 sào ruộng (trong khi mỗi suất đinh chỉ được cấp 3 sào) để cày cấy, gọi là ruộng “biểu điểm”. Những năm đầu thế kỷ XX làng đã mời thầy về dạy chữ Quốc ngữ, nhiều người học xong trường làng đã đỗ đạt và được bổ dụng vào làm ở các công sở. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh