Thứ 2, 06/05/2024, 21:30[GMT+7]

Đồng Xâm “Cổ nghệ tinh hoa”

Chủ nhật, 12/11/2023 | 19:18:09
13,162 lượt xem
Đồng Xâm là một làng cổ, nay là xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương. Xưa nay, Đồng Xâm nổi danh không chỉ vì nghề chạm bạc mà còn là một địa chỉ văn hóa, văn nghệ dân gian được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến với danh xưng là một làng đa nghề, làng chèo, làng ca trù, có ngôi đền thiêng và lễ hội sầm uất, hội đủ các tinh hoa văn hóa của vùng châu thổ Bắc Bộ.

Ảnh: Khắc Duẩn

Thuở sơ khai, làng Đồng Xâm chỉ có những người thợ làm nghề đồng doa, sửa chữa các đồ bằng đồng. Từ chuyên môn với nghề đồng doa, người Đồng Xâm đã nhạy bén phát triển thành nghề thủ công mỹ nghệ, chạm khắc đồ gia dụng, đồ thờ bằng đồng, bịt đồng vào các đồ sứ, đồ gốm quý và tiến tới chế tác các đồ trang sức bằng vàng, bạc theo các kỹ nghệ chạm, đậu, trơn để rồi sớm trở thành làng nghề kim hoàn nổi danh. Sản phẩm của Đồng Xâm được đi bán khắp nơi và đã sớm xuất hiện tại kinh kỳ. Cách đây nhiều trăm năm, thợ bạc Đồng Xâm đã đi thập phương hành nghề. Phố Hàng Bạc (Hà Nội) là nơi thợ bạc Đồng Xâm đến mở cửa hàng cửa hiệu từ thuở mới hình thành.

Đến cuối thế kỷ XVII, nghề kim hoàn ở Đồng Xâm đã phát triển thành nhiều phường thợ. Mỗi phường thợ thường giỏi về làm một công đoạn (trơn, đậu, chạm). Thợ làm ở công đoạn nào thì nắm bắt thấu đáo những kỹ xảo của công đoạn ấy và ít hiểu biết về xảo thuật của các công đoạn khác. Chính vì vậy mà tính bí truyền của nghề này ở Đồng Xâm luôn được đề cao.

Từ thế kỷ XVIII, có những nghệ nhân chạm bạc của Đồng Xâm đã được triệu về kinh thành Thăng Long phục vụ triều đình. Họ chuyên khảm, chạm, nạm, bịt vàng, bạc trên những đồ thờ như ngai thờ, mũ thờ, tranh thờ, lư hương... trong các tẩm điện và nhiều loại vật dụng trong cung đình hoặc tư thất của các hoàng thân, quốc thích như bàn ghế, hòm tráp, khay chén, tranh tứ bình, tứ quý; các đồ trang sức như: trâm lược, vòng nhẫn, hoa tai, xà tích, cối giã trầu, bình vôi...

Đến thời Nguyễn, thợ kim hoàn của Đồng Xâm đã được điều vào kinh đô Huế. Ngoài việc chế tác các đồ vàng bạc phục vụ cho giới quan chức và tầng lớp quý tộc, những người thợ Đồng Xâm còn được giao cho chế tác các sản phẩm dùng làm quà biếu, quà tặng cho các khách nước ngoài hoặc dùng cho việc đi ngoại giao với các nước. Nhờ tài hoa của mình, nhiều nghệ nhân kim hoàn của làng Đồng Xâm đã được ban phẩm tước. Vào thời Tự Đức (1848 - 1883), nghệ nhân Lưu Quang Chế được vào cung sửa ngai vàng và làm đồ trang sức cho hoàng cung, được ban hàm bát phẩm và được ban phong bốn chữ: “Cổ nghệ tinh hoa” (tinh hoa nghề cổ).

Dưới thời Pháp thuộc, nhiều mặt hàng chạm bạc của Đồng Xâm được đưa sang bán ở hầu hết các nước thuộc Đông Nam Á, sang Pháp và một số nước Tây Âu. Năm 1939, đã được trưng bày tại hội chợ triển lãm ở Pari. Nhiều gia đình có tay nghề cao và có điều kiện kinh tế đã chuyển cư đến các thành phố lớn trong nước để mở cửa hiệu kim hoàn. Ở Hà Nội có mấy cửa hiệu kim hoàn mang tên Đồng Xâm I, Đồng Xâm II... Nhiều người thợ của làng này vì vốn liếng không nhiều thì đi hành nghề lưu động ở các vùng quê. Không ít người tìm đến những bản mường của các tỉnh thuộc Việt Bắc, Tây Bắc làm nghề hoặc bán sản phẩm, được đồng bào các dân tộc thiểu số rất ưa dùng.

Xưa nay, khách sành chơi hàng vàng bạc đều đánh giá thợ Đồng Xâm khéo tay. Hàng bạc Đồng Xâm dáng thanh thoát, chạm chuốt tinh xảo, đường ve, nước vuốt chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ như hạt kê, sợi tóc, có độ chênh bong cao, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng dù là khó tính nhất. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có những nghệ nhân nổi tiếng. Những năm cuối thế kỷ XX trở lại đây nhiều nghệ nhân đã được tặng danh hiệu bàn tay vàng hoặc nghệ nhân ưu tú.

Hàng chạm bạc Ðồng Xâm nổi trội so với hàng bạc của những nơi khác ở các kiểu thức khác lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các đồ án trang trí tinh vi mà cân đối, lộng lẫy mà nổi rõ chủ đề chính, ở thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Ðặc trưng của sản phẩm Ðồng Xâm là sự điêu luyện, tinh tế và hoàn hảo tới mức tối đa. Tài hoa của nghệ nhân Ðồng Xâm có thể đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng đồ chạm bạc của những khách hàng am tường mỹ nghệ kim hoàn nhất.

Cho đến nay, nhiều cổ vật là những sản phẩm chạm bạc, đồng của nghề kim hoàn Đồng Xâm còn được bảo lưu khá phong phú. Năm 1938, nhân am thờ tổ nghề được tiến hành đại tu, các phường bạc ở Đồng Xâm đã tiến cúng một bộ sưu tập đồ thờ trong am bằng vàng, bạc tổng số 20kg do chính tay những người thợ trong phường làm ra như đỉnh, lư hương, ống hoa, hạc, giá đặt kiếm, tranh tứ quý, chúc bản bằng bạc có gắn rồng cuốn bằng vàng ròng...

Khám gian đặt tại tòa hậu cung đền Đồng Xâm đáng được xem là một bảo tàng độc đáo về nghề chạm bạc, đồng, sắt ghi lại dấu ấn về ngón nghề của các nghệ nhân làng này. Hệ thống cánh cửa khay soi chỉ kép ở ba gian trung tâm của tòa điện hậu cung được chạm thủng với đề tài bát bửu, hoa văn, dây lá, chữ triện trên 12 ô cửa tạo cảm giác lâng lâng, thoát tục cho du khách trước khi bước qua ngưỡng cửa vào hậu cung. Khám gian được phong kín bằng những lá đồng chạm thủng các đề tài tứ linh, tứ quý, lưỡng long chầu nguyệt... Ánh sáng của những ngọn nến trong khám gian đủ để làm rõ những nét chạm trổ hào hoa, tỏa ra một quầng sáng huyền ảo, linh thiêng, buộc du khách phải tĩnh tâm ở chốn thâm cung tĩnh mịch. Trong khám thờ đặt tượng Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) và Hoàng hậu Trình Thị. Cả hai pho tượng đều được đúc bằng đồng, khảm vàng, thiếp bạc. Trong khám còn bảo lưu được kiếm vàng, búa sắt, thường truyền ngôn là những bảo vật của Triệu Vũ Đế để lại.

Các sản phẩm chạm bạc Đồng Xâm vốn đa phần là đồ cao cấp, thuở trước chủ yếu phục vụ cho giới thượng lưu. Những năm sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nghề kim hoàn rơi vào bế tắc. Hầu hết các phường thợ không hoạt động được. Dụng cụ hành nghề hư hao dần. Nhiều thợ đã bỏ nghề. Trong kháng chiến chống Pháp, một số thợ chuyển sang nghề hàn, gò đồng và hoạt động cầm chừng.

Từ sau năm 1954, những người thợ Đồng Xâm đã quy tụ lại, dốc tâm phục hồi nghề truyền thống của làng. Những năm 1960 - 1975, các HTX chạm bạc ở Đồng Xâm lần lượt được thành lập và sản xuất những mặt hàng gia công như: gạt tàn thuốc lá, cây đèn, hộp con giống... Thời gian này hàng chạm bạc của Đồng Xâm chủ yếu xuất sang các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Nhưng do giá thành và nhu cầu của bạn hàng nên những sản phẩm được chế tác bằng bạc ròng, vàng ròng cực kỳ hiếm. Thay thế vào đó là những hàng cốt đồng mạ bạc. Lượng bạc mạ nhiều hay ít thường là theo đơn đặt hàng. Từ khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, thị trường xuất khẩu khủng hoảng trầm trọng thì làng nghề chạm bạc Đồng Xâm càng bi đát hơn. Các HTX chuyên nghề này bị giải thể, phần đông thợ kim hoàn không còn việc làm. Lớp thợ lành nghề cao tuổi đã ít có cơ hội để truyền nghề và thưa vắng dần. Việc sản xuất các loại “hàng chợ” giả bạc để bán được theo túi tiền của người tiêu dùng đã phần nào làm tổn thương danh giá hàng chạm bạc cổ truyền của Đồng Xâm.

Từ nửa cuối những năm 1980 trở đi, nghề chạm bạc Đồng Xâm từng bước được chấn hưng. Một số hộ trong làng đã dồn vốn, vay vốn thành tổ hợp hoặc doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng kim hoàn. Do nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu tăng nên chủng loại, mẫu mã của các mặt hàng kim hoàn ngày thêm đa dạng. Ngoài những mặt hàng chạm, khảm bạc, đồ trang sức đắt tiền thì những mặt hàng mạ bạc, dát đồng, chạm đồng cũng có sức tiêu thụ cao, thích hợp với các đối tượng tiêu dùng. Sản phẩm dát đồng với những bộ tranh tứ bình, tứ quý, những chữ Hán: phúc, lộc, thọ, chí, tâm, nhẫn... mềm mại trên nền hoa văn chạm, dát tinh xảo, có sức tiêu thụ cao. Để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, những người thợ Đồng Xâm đã sáng tạo những mẫu mã mới làm phù hiệu đại hội, huân, huy chương... đã và đang được khách hàng nhiều nơi về đặt hàng. Sản phẩm của Đồng Xâm đã được xuất khẩu sang các thị trường Đức, Pháp, Thái Lan, Đài Loan, Lào...

Thuở trước, ở làng Đồng Xâm ngoài nghề chạm bạc còn có một số nghề thủ công khác khá nổi tiếng trong vùng như dệt tơ lụa, rèn, đúc kim loại, thợ mộc, thợ may, đặc biệt là nghề ca công với nhiều thế hệ nghệ nhân chèo, ca trù nổi tiếng.

Đền Đồng Xâm thờ Triệu Vũ Đế cùng với đền thờ Tổ nghề chạm bạc và đền thờ Trình Thị Tổ nghề ca công cùng với hệ thống thiết chế tôn giáo tín ngưỡng cổ kính của Đồng Xâm là minh chứng và cũng đang là một trong những thế mạnh của một làng nghề chạm bạc “Cổ nghệ tinh hoa”, làng văn hiến đa nghề có nhân khang vật thịnh truyền đời đang trên đà phát triển ở thời kỳ hiện tại.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

  • Từ khóa