Danh gia Đoàn Nguyễn Thục
Khoa thi Nhâm Thân niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752), Đoàn Nguyễn Thục thi đỗ Hoàng giáp. Khoa thi này đáng được coi là một hiện tượng độc đáo, là một dấu son rất đáng tự hào về truyền thống khoa bảng của Thái Bình. Cả nước có hơn 2.000 sĩ tử dự kỳ thi Hội nhưng chỉ có 6 người thi đỗ thì vùng đất nay thuộc Thái Bình có 4 người. Đó là Lê Quý Đôn người làng Phú Hiếu, nay thuộc huyện Hưng Hà đỗ đầu với học vị Tam nguyên Bảng nhãn; Đoàn Nguyễn Thục là người đỗ thứ hai với học vị Hoàng giáp; tiếp theo là Nghiêm Vũ Đẳng người làng Kỳ Nhai, nay thuộc huyện Thái Thuỵ và Nguyễn Xuân Huyên người làng Hoàng Xá, nay thuộc huyện Vũ Thư đỗ đồng Tiến sĩ.
Sau khi thi đỗ, Đoàn Nguyễn Thục được bổ dụng nhiều ngạch quan trong triều, ngoài trấn, được chúa Trịnh Sâm rất tin dùng. Ông đã từng được giao cho kiếm báu, làm giám quân các đạo Hưng Hóa, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Sơn Tây đánh dẹp các cuộc bạo loạn trong phong trào nông dân vào nửa cuối thế kỷ XVIII. Nhiều nguồn sử liệu cho biết ông là người cương trực, uy phong khẳng khái, làm quan trong triều luôn giữ được khí tiết.
Năm 1771, Đoàn Nguyễn Thục được triều đình Lê - Trịnh cử làm chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang triều cống nhà Thanh. Thời trước, người được cử làm chánh, phó sứ phải là người không chỉ có tài trí bang giao mà còn phải là người thông kim, bác cổ và giàu sở trường xướng họa, ứng đáp văn chương. Mười năm trước đó, Lê Quý Đôn cũng từng đã làm phó sứ sang triều cống và đã được quan quân nhà Thanh nể phục. Việc đi sứ đối với Đoàn Nguyễn Thục cũng như nhiều danh sĩ khác là dịp để thực thi hoài bão “lấy văn chương tăng thế nước” và ông đã toại nguyện hoài bão này. Những bài thơ xướng họa với quan lại nhà Thanh và sứ thần các nước ở Yên Kinh đã được chép lại thành tập mang tên “Đoàn Hoàng giáp phụng sứ tập”. Bài Tiễn Triều Tiên quốc sứ Doãn Đông Thăng, Lý Trí Trung là một trong những bài đã được dịch và giới thiệu khá rộng rãi:
Phiên âm tiếng Việt:
Việt điện sơn xuyên giảng biện thần,
Tha hương kim hạnh ấp thanh trần.
Tằng chiêm đại tiết vi tinh đẩu,
Cánh địch nam trì huyến phụng lân.
Lữ huống hữu tâm giai thượng hữu,
Văn quang vô địa bất đồng luân.
Tương phùng mạc nhạ phân tiêu tảo,
Cố quốc mai hoa kim hựu xuân.
Dịch giả Đoàn Trọng Hân đã dịch thơ:
Đại Việt sứ thần sang Bắc quốc,
Tha hương năm tháng hóa phong trần.
Đức cao tiết trọng xem sao Đẩu,
Khí rạng Nam trời đất phượng lân.
Lữ khách có tình thêm bạn quý,
Văn chương tâm ý chẳng hề phân.
Hữu duyên thiên ý hồi xa cách,
Cố quốc mai vàng ngập tiết xuân.
Sử gia Phan Huy Chú đã chép một số bài của Đoàn Nguyên Thục vào mục Văn tịch chí của sách “Lịch triều hiến chương loại chí” và đánh giá là: “Lời thơ phong nhã, rèn luyện, thanh tao, phóng khoáng… Tả cảnh hồn nhiên, nhẹ nhõm và siêu thoát, đáng gọi là danh gia”, đồng thời luận định: “Ông học vấn rộng rãi, phong thể khí độ chững chạc, dọc ngang văn võ, việc gì cũng làm được… Ông tiến lui có lẽ phải, không khuất tất để cầu cạnh. Tiết tháo cương trực như thế càng làm cho người đời hâm mộ”.
Đoàn Nguyễn Thục đã trải các chức quan: Đông các hiệu thư hành Ngự sử, Ngự sử, Đô ngự sử, tước Quỳnh Xuyên bá. Năm 1774, ông nhận chức Đốc thị Nghệ An. Do thế sự nhiễu nhương, triều thần lục đục nên Đoàn Nguyễn Thục xin cáo quan về trí sĩ ở quê được hơn một năm sau thì qua đời.
Khi luận đàm về thân thế và sự nghiệp của Đoàn Nguyễn Thục, đã một thời, có người thường mang định kiến là ông đã từng tham gia đánh dẹp nông dân khởi nghĩa. Cũng như một thời có người đã cho rằng việc Lê Quý Đôn đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân là một tì vết trong chân dung của một danh nhân. Cần phải thấy rằng, ở Việt Nam thế kỷ XVIII là thế kỷ nông dân khởi nghĩa. Vào những thập niên nửa sau thế kỷ XVIII, chính sử đã chép là “khắp nơi giặc dã nổi lên như ong”. Bản thân các vua Lê, chúa Trịnh cũng thường phải đích thân đi “dẹp loạn” thì các văn thần võ tướng làm sao có thể đứng ngoài cuộc. Đương nhiên, lịch sử từng đã rất công bằng, sòng phẳng tôn vinh cả lãnh tụ khởi nghĩa và người cầm quân đánh dẹp khởi nghĩa đều là danh nhân như các trường hợp Hoàng Công Chất và Lê Quý Đôn hoặc trường hợp Phan Bá Vành và Nguyễn Công Trứ.
Đoàn Nguyễn Thục là bạn làm quan đồng triều với Đại tư đồ Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du và hai người đã kết tình thông gia. Đoàn Nguyễn Thục đã gả con gái của mình cho Nguyễn Du. Con trai của Đoàn Nguyễn Thục là Đoàn Nguyễn Tuấn (anh vợ Nguyễn Du), thi đỗ Hương cống nhưng không ra làm quan, ở làng Hải An dựng một cái chòi cao giữa vườn đặt tên là Phong nguyệt sào (ổ gió trăng) tụ tập các danh sĩ về xướng họa văn chương và từng đã cưu mang, che chở Nguyễn Du trong những năm tháng loạn lạc. Nguyễn Du cũng đã nương náu 10 năm ở tư dinh của Đoàn Nguyễn Thục, mà “ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào” để thai nghén Truyện Kiều. Sau một thời tao loạn, mỗi người mỗi ngả, Nguyễn Du thì về quê rồi ra làm quan ở triều Gia Long, từng đi sứ sang triều cống nhà Thanh, còn Đoàn Nguyễn Tuấn thì tìm đường vào Huế yết kiến Tây Sơn và được trọng dụng. Khi Quang Trung lên ngôi, Đoàn Nguyễn Tuấn cũng được cử sang sứ nhà Thanh.
Một sự trùng lặp ngẫu nhiên là Đoàn Nguyễn Thục, con trai là Đoàn Nguyễn Tuấn và con rể là Nguyễn Du đều là sứ thần ở ba triều đại. Sự kỳ thú là ba triều đại này đối lập, lật đổ nhau và cả ba cha con đều là những danh gia đã đóng góp những áng văn chương truyền đời trong dòng thơ bang giao của nước nhà. Có lẽ, đó là một sự kỳ thú riêng có về “Người Thái Bình - đất Thái Bình”.
Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)
Tin cùng chuyên mục
- Về nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình 09.12.2024 | 10:13 AM
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
Xem tin theo ngày
- Nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh