Thứ 5, 21/11/2024, 23:44[GMT+7]

Thái Bình đất học

Thứ 6, 01/03/2024 | 15:19:11
17,446 lượt xem
Xưa và nay, miền quê Thái Bình từng vẫn được tôn vinh là quê lúa, đất nghề, đất chèo, quê hương của nhà bác học Lê Quý Đôn và nhiều bậc danh gia sáng láng khoa danh, lẫy lừng võ công văn nghiệp. Trải hơn nghìn năm, học phong truyền đời nổi trội và Thái Bình vẫn từng được tôn vinh là đất học.

Đường giao thông xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ). Ảnh tư liệu

Dưới thời Nho học, kể từ năm 1075 đến năm 1919, với 185 khoa thi đại tỷ (thi Hội và thi Đình), cả nước kén chọn được gần 3.000 người đỗ đại khoa (từ Phó bảng đến Trạng nguyên) thì Thái Bình chiếm hơn 120 người. Đó là chưa kể những người đã học hành thi đỗ ra làm quan ở đất Bắc như trường hợp Nguyễn Cần người huyện Quỳnh Phụ thi đỗ và làm đến chức Hữu thị lang bộ Công, thời nhà Minh. Thuở xa xưa, vùng đất nơi “hải giác thiên nhai” kề Biển Đông, xa kinh thành Thăng Long, không có trường thi Hương mà truyền thống học hành, khoa cử như vậy là rất đáng tự hào.

Nếu kể từ trường hợp Tiến sĩ Đặng Nghiêm người làng An Để (Vũ Thư) là trường hợp đỗ đại khoa sớm nhất tỉnh (năm 1185), đến Phó bảng Trịnh Hữu Thăng người làng Bách Tính (Vũ Thư) đỗ khoa cuối cùng (năm 1919), thì mệnh mạch học hành khoa cử của Thái Bình thời Nho học đã trải hơn 800 năm.

Đọc lại các sách đăng khoa lục, xem xét số người lấy đỗ ở mỗi khoa, dễ nhận thấy một điều là trong nhiều khoa thi, nhất là từ thời Lê sơ (thế kỷ XV) trở về sau, người Thái Bình thường chiếm tỷ lệ đỗ đạt cao. Có tới hơn 10 khoa thi người Thái Bình chiếm tỷ lệ đỗ từ 30 - 50% tổng số người đỗ đạt. Đặc biệt, khoa thi Nhâm Thân (1752), cả nước lấy đỗ 6 người, Thái Bình có 4 người. Đó là: Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn (Hưng Hà), Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục (Quỳnh Phụ), Tiến sĩ Nghiêm Vũ Đẳng (Thái Thụy) và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huyên (Vũ Thư). Trong số hơn 120 nhà khoa bảng của Thái Bình có 2 Trạng nguyên, 2 Tam nguyên và hàng chục Hội nguyên, Đình nguyên, Giải nguyên.

Thời Nho học, Thái Bình có nhiều gia đình, dòng họ khoa bảng tạo thành “đất học”, thành những làng khoa bảng. Có thể kể đến những làng khoa bảng nổi tiếng như: An Bài, Địa Linh, Đông Linh, Tô Xuyên, Tô Đê, Dục Linh, Thượng Phán, Hải An (Quỳnh Phụ); Phúc Hải, Hải Triều, Nham Lang, Phú Hiếu, Phúc Khê, Nhữ Thủy (Hưng Hà); Ngoại Lãng, An Để, Hoàng Xá, Bách Tính, Dũng Nghĩa, Thuận An (Vũ Thư); Phúc Khê, Kha Lý, Luyến Khuyết, Vũ Nghị, An Tiêm (Thái Thụy); Hoàng Xá, Yên Lũ, Cổ Quán, Nguyên Xá, Kinh Lũ (Đông Hưng); Tri Lai, Kim Thanh, Phương Lai, Đồng Thanh (thành phố Thái Bình); An Bồi, Thanh Nê, Lại Trì (Kiến Xương); Trình Phố, Đại Hoàng (Tiền Hải)...

Trong số các làng khoa bảng kể trên có tới 6 trường hợp hai cha con, 5 trường hợp hai anh em, 4 trường hợp 2 ông cháu và nhiều trường hợp hai, ba chú cháu cùng đỗ đại khoa. Có lẽ, nổi trội hơn cả là trường hợp dòng họ Đỗ ở làng An Bài, huyện Quỳnh Phụ liên tiếp 5 đời có sáu cha con, anh em, ông cháu nối tiếp nhau thi đỗ đại khoa. Từ đường dòng họ Đỗ ở An Bài còn giữ được đôi câu đối:

“Toàn tộc lục đại khoa liên đăng ngũ thế

Nhất môn tam Hoàng giáp hựu trúng tam khôi”

Nghĩa là:

“Toàn họ có 6 người đỗ đại khoa liền trong 5 đời

Một nhà có 3 Hoàng giáp lại thêm một người trúng Tam khôi”

Một trong những truyền thống đáng chú ý của người dân Thái Bình trong lịch sử là đói nghèo mà hiếu học. Các giai thoại còn lưu truyền về hàng chục ông Trạng, ông Nghè, ông Cống là những con nhà nghèo lam lũ, hiếu học thành danh.

Đa phần các trí thức đại khoa của Thái Bình đều đã thực hiện được hoài bão lập công, lập ngôn, lập danh ở từng lĩnh vực khác nhau trong xây dựng và giữ gìn đất nước. Nhiều nhà khoa bảng của Thái Bình đã trở thành những danh nhân đất Việt hoặc có trước tác về các lĩnh vực sử học, văn học, luật pháp… Tiêu biểu như: Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm, Đoàn Huệ Nhu (thời Lê sơ); Nguyễn Tông Quai, Bùi Sĩ Tiêm, Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Thục (thời Lê Trung Hưng); Nguyễn Quang Bích, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Can Mộng (thời Nguyễn)…

Trong số hơn 120 vị đại khoa của Thái Bình có tới hơn 30 người từng làm chánh sứ, phó sứ hoặc tham gia các đoàn sứ bộ ở các triều đại sang phương Bắc. Điển hình như Tiến sĩ Nguyễn Mậu (Thái Thụy) sang sứ nhà Minh giải quyết thành công việc cắm mốc biên giới vào giữa thế kỷ XV. Cũng vào thế kỷ XV, Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (Hưng Hà) sang sứ nhà Minh học được nghề dệt chiếu gon đưa về làng được dân gian truyền tụng là ông Trạng chiếu và Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm (Thái Thụy) vì ứng đối văn chương tài ba mà vua Minh đã khen là sánh ngang với những hiền tài của Trung Hoa thời Tam đại (Hạ, Thương, Chu). Nguyễn Tông Quai, Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Thục, Đoàn Nguyễn Tuấn (thế kỷ XVIII), Nguyễn Quang Bích (thế kỷ XIX)... đều là những sứ thần nổi tiếng đương thời được người nhà Thanh phục nể.

Lĩnh vực giáo dục có các nhà giáo nổi tiếng, giàu tài năng, phẩm hạnh được sử sách lưu danh như: Quách Đình Bảo (Thái Thụy); Nguyễn Bảo (thành phố Thái Bình); Đỗ Nhân An (Quỳnh Phụ); Nguyễn Tông Quai (Hưng Hà); Hoàng Vinh, Nguyễn Quang Bích (Tiền Hải); Doãn Khuê, Nguyễn Doãn Cử (Vũ Thư)...

Trong khá nhiều bản hương ước cổ của các làng ở Thái Bình đã dành chương mục riêng có tên là “Sự học”, quy định nghĩa vụ của cha mẹ phải cho con đi học, có các hình thức giúp đỡ con em nhà nghèo đi học. Hầu hết hương ước của các làng đều quy định ngôi thứ trong làng đối với người có học vị...

Từ sau khi thực dân Pháp bình định xong Bắc kỳ vào năm 1883, nền giáo dục Nho học vẫn được duy trì nhưng đã bị sa sút dần. Từ năm 1902 về sau, các trường Pháp - Việt lần lượt được mở ra ở Thái Bình. Vào những năm 1920, các phủ huyện của Thái Bình (trừ huyện Tiền Hải) đều có một trường tiểu học kiêm bị. Các trường làng ở Thái Bình thời kỳ này đã góp phần đào tạo nhiều trí thức yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng và đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau khi đất nước giành độc lập, Thái Bình là một trong những địa phương đi tiên phong trong phong trào diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình. Cuối tháng 6/1948, Quỳnh Côi là huyện đầu tiên trong cả nước thoát nạn mù chữ, được Hồ Chủ tịch gửi thư, bằng khen và tặng phẩm, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất về công tác giáo dục.

Những năm 1945 - 1954, Thái Bình đã vượt qua nhiều gian khó, xây dựng một nền giáo dục cách mạng, dân chủ nhân dân; đã chiến thắng giặc dốt, bước đầu phát triển bậc học phổ thông, tạo điều kiện cho phát triển giáo dục ở giai đoạn sau.

Trong thời kỳ 1954 - 1975, sự nghiệp giáo dục của Thái Bình tiếp tục phát triển theo quy mô lớn, tốc độ nhanh, đủ cả các ngành học, cấp học với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và chiến đấu.    

Từ sau năm 1975, nhất là sau hơn 30 năm trên đường đổi mới, học phong ở Thái Bình tiếp tục được phát huy. Đến năm 1990, Thái Bình và Hà Nội là 2 tỉnh, thành đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành phổ cập cấp I cho trẻ em và xóa mù chữ cho người lớn. Năm 1999, Thái Bình cùng với Nam Định và Bắc Ninh được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Năm 2002, Thái Bình là tỉnh thứ 9 trong cả nước được công nhận phổ cập trung học cơ sở. Năm 2012, Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non đúng độ tuổi và là một trong 5 tỉnh được công nhận đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 277/286 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 và 286/286 xã, phường, thị trấn duy trì mức độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.

Kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học thành danh của đất học, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Thái Bình liên tục xuất hiện những học sinh giỏi ở các bậc học, ngành học, trong đó đa phần đã trở thành những người giàu tài đức, thành danh trong hầu hết mọi lĩnh vực ở các chặng đường cách mạng.

Gần một thế kỷ qua, dường như ở mọi thời kỳ, thời điểm người Thái Bình có học hàm học vị thường chiếm tỷ lệ cao ở hầu khắp các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Cũng như vậy, người Thái Bình thường chiếm tỷ lệ cao trong số cán bộ quản lý, lãnh đạo của các bộ, ban, ngành, cục, vụ, viện ở trung ương và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đó là một trong những minh chứng về truyền thống hiếu học, thành danh của đất học Thái Bình đã và đang được liên tục nhân lên. Chắc chắn là truyền thống quý báu này sẽ tiếp tục được kế thừa và phát huy rực rỡ hơn nữa trên những chặng đường tới.

Nguyễn Thanh
Vũ Quý, Kiến Xương