Thứ 6, 27/12/2024, 21:34[GMT+7]

Người Thái Bình trên Buôn Tría

Thứ 7, 27/04/2024 | 15:34:32
9,784 lượt xem
Khi mặt trời vừa ló dạng, trên Buôn Tría thuộc xã Buôn Tría, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã bừng lên sinh khí của một ngày mới. Trên các ngả đường, người buôn bán, người bươn bả ra đồng, học sinh nô nức đến trường nhộn nhịp, huyên náo. Ngày mới ở Buôn Tría bây giờ là thế, không còn cảnh hoang sơ, đìu hiu một thuở.

Bí thư Đảng ủy xã Buôn Tría Đào Quang Lâm (người bên trái) trao đổi về giống lúa năng suất 12 tấn/ha.

Quá khứ gian nan

 Xã Buôn Tría có 961 hộ với 3.334 nhân khẩu thì có đến 80% người quê Thái Bình vào lập nghiệp từ trên 40 năm trước. Ông Nguyễn Tôn Đẫm, 85 tuổi, quê xã Liên Giang (Đông Hưng) là những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này năm 1977 kể: Lúc ấy hoang sơ lắm, đường mòn toàn đá sỏi, cuộc sống của bà con thiếu thốn đủ đường, phải sống trong những căn lán tạm bợ, chắp vá. Những người từ Đông Hưng, Thái Thụy, Hưng Hà… đến với vùng đất mới rộng lớn nhưng toàn “rừng thiêng, nước độc”, vắng dấu chân người.

 Một thời chưa xa, khi nhắc đến đất này, người ta nghĩ ngay đến sự nghèo khó. Người dân quanh năm phải oằn mình lo miếng cơm manh áo mà nghèo đói đeo bám mãi; cứ quanh quẩn nhặt nhạnh, mùa nối mùa đắp đổi mưu sinh mà cái nghèo đằng đẵng không dứt ra được. Xa quê, chỉ mong ước được một lần về thăm đã là điều quá sức tưởng tượng, bởi đường xa cách trở, đi xe đạp ra huyện đón xe về tỉnh, rồi lên xe khách chạy ba ngày ba đêm mới về tới Thái Bình. Ngày ấy, đi kinh tế mới đồng nghĩa với việc ra đi biền biệt, điện thoại không có, thư từ cũng cả tháng mới về đến quê nên ly hương thì khoan nghĩ đến ngày về! 

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trọng Biết là người gốc xã Phú Lương (Đông Hưng) vẫn đậm giọng Thái Bình tâm sự: Hẳn muôn người trên đất Buôn Tría còn hằn trong ký ức những năm tháng sinh tồn lo miếng ăn qua ngày, còn rùng mình nhớ lúc vượt núi khe ngược xuôi kiếm kế sinh nhai và cả những tháng ngày chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, nắng rát, mưa dầm… Ngày ấy, kết cấu hạ tầng, đường sá xập xệ, dân cư thưa thớt, suốt dọc tỉnh lộ 687 đi qua, chỉ thấy những bóng nhà gỗ xiêu vẹo, lởm chởm, những vườn tược, nương rẫy hắt hiu, vàng úa… 

Rời vùng quê đất chật người đông, cái đói nghèo còn mang theo vào miền đất mới hoang sơ, rừng rú với những cơn mưa rừng xối xả. Lại còn nơm nớp lo sợ khi bóng ma Fulro luôn rình rập đời sống bình yên của người dân trên đại ngàn Tây Nguyên ngày ấy. Ðói rét, gian khổ với nỗi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn đến quay quắt, không ít người bỏ về hoặc tìm đi nơi khác. 

Năm tháng dần trôi, các thế hệ người Thái Bình quyết không bỏ cuộc, cùng đoàn kết, vượt lên gian khó. Rồi họ sinh con đẻ cháu, bám trụ trên mảnh đất mà mình đã chọn để lập nghiệp, mưu sinh. Biết bao gian nan, hiểm nguy nhưng không thể khuất phục được những con người quê lúa vốn bền gan, vững chí, can trường. 

Thành quả từ tâm huyết, đồng lòng dốc sức

Bắt nhịp cùng dòng chảy đổi mới, nhất là sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII, đội ngũ lãnh đạo Buôn Tría đã lo trước nghĩ sau, bám sát chỉ đạo của huyện, tỉnh, vận dụng thực tiễn tìm đường hướng, cách làm với quyết tâm, vượt lên khó khăn để dựng xây, kiến thiết quê hương.

Những ai đã đến Buôn Tría vài năm trước đây, nay có dịp trở lại đều dễ dàng nhận thấy sự đổi thay nhanh chóng, toàn diện nơi vùng đất khắc nghiệt về khí hậu nằm phía Tây huyện Lắk. Ấn tượng nhất là kinh tế tăng trưởng, hạ tầng kết nối, nông thôn khởi sắc. Đảng bộ và hệ thống chính trị biết kiến tạo, linh hoạt, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển; khơi thông, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nút thắt, đi lên trong tâm thế vững vàng, tự tin. 

Bí thư Đảng ủy xã Đào Quang Lâm sinh sinh năm 1976, ở xã Đông Quan (Đông Hưng), hai tuổi cùng bố mẹ vào Buôn Tría. Vốn là cán bộ thanh tra trầm tĩnh, kiệm lời nhưng khi được gợi mở về bước đi, cách làm của địa phương đã hào hứng, sôi nổi hẳn. Anh khẳng định: Dù còn những lực cản nhất định trên bước đường đi tới nhưng Đảng bộ và nhân dân Buôn Tría không cam chịu nghèo khó, chủ động, sáng tạo, cố kết cộng đồng, đoàn kết để gặp chướng ngại biết cách vượt qua, gặp hoạn nạn thì cùng sẻ chia, đùm bọc. Bởi thế, từ trong gian khó, những người ra đi từ “quê hương năm tấn”, cùng với người bản địa Ê Đê, M’Nông về lập nghiệp bên dòng Krông Ana nắm chặt tay, xốc lại đội ngũ, cùng nhìn về một hướng, xây đời sống mới. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Buôn Tría cho thấy tinh thần, khả năng chủ động, tích cực, quyết liệt, dám đột phá, dám làm, gặt hái những giá trị tích cực, thực chất, tiến những bước vững chắc trên chặng đường phát triển, hội nhập. Những thành tựu đạt được thời gian qua có dấu ấn đậm nét về vai trò của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt trong đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn từ chủ trương tới hành động, vun đắp và nuôi dưỡng tâm huyết, khát vọng vươn lên như chưa bao giờ vơi cạn. 

Kinh tế của Buôn Tría duy trì tốc độ tăng trưởng 6,33%; cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp chiếm 70 - 75%, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm 25 - 30%. Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ với 100% thôn, buôn, 90% đường, mương nội đồng được bê tông hóa; bình quân thu nhập đạt 41 triệu đồng/người/năm, cao hơn 12 triệu đồng so với mức bình quân của huyện và tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Buôn Tría trở thành xã đầu tiên của huyện Lắk hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2020. 

Thế mạnh nổi trội của Buôn Tría là trồng lúa nước. Xã hiện có 920ha được gieo sạ các giống ST24, ST25, Đài thơm 8 và Đài thơm thế hệ mới; năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt 12 tấn (1 ha khu vực Trung Bộ là 10.000m2 ). Gia đình anh Nguyễn Văn Thi, quê xã Phú Lương (Đông Hưng) có 15ha. Anh cho biết, trung bình 1 héc-ta bán được 200 triệu đồng, chi phí hết 50 triệu đồng, còn lãi 150 triệu đồng. Như vậy với 15ha, doanh thu sẽ là 3 tỷ đồng, lãi khoảng trên 2,2 tỷ đồng mỗi năm. 

Còn anh Nguyễn Trọng Trù cũng quê xã Phú Lương, hiện ở thôn Liên Kết 1 phấn khởi cho biết, gia đình anh có 4ha lúa nước. Năm nay, năng suất đạt 11 tấn/ha. Với giá lúa tươi hiện tại, thương lái mua từ 7.200 - 7.500 đồng/kg thì 1 héc-ta cho thu khoảng 75 - 80 triệu đồng, trừ chi phí có lãi khoảng 55 - 60 triệu đồng/ha.

Anh Trù nói ở đây có bao nhiêu tiền là giàu thì anh không biết nhưng thu nhập trung bình mỗi gia đình 500 - 700 triệu đồng/năm là bình thường. Không thể đong đếm mồ hôi, nước mắt của những người quê Thái Bình đã bao năm đổ xuống vùng đất này nhưng thành quả của họ đã nhìn thấy rõ, làm thay đổi những phận người năm xưa xuôi Nam đi mở đất 

Về xã Buôn Tría hôm nay, từ buôn Tría, thôn Đông Giang 1, Đông Giang 2, Hưng Giang, Tân Giang, Liên Kết 1, Liên Kết 2, Liên Kết 3, từ những bản làng tới những khu tái định cư đều trải dài một màu xanh của lúa, cà phê, cây trái bạt ngàn, xanh thẳm; ở đâu cũng nhận ra vùng đất đang vươn mình trỗi dậy, đầy triển vọng. Những thành quả đó được dựng xây bằng bàn tay, khối óc, bằng tâm huyết, vươn tới không ngừng. 

Trả lời câu hỏi vì sao Buôn Tría có bước chuyển mau lẹ, đúng hướng, Bí thư Đảng ủy xã Đào Quang Lâm tâm đắc: Đoàn kết thực chất là yếu tố hàng đầu; kế đến là dân chủ được thực hiện đầy đủ; sau đó là mọi chủ trương, đường hướng, mục tiêu phát triển đều phải được bắt nguồn từ thực tiễn, tất cả vì cuộc sống của người dân. 

Bí thư Đảng ủy xã Đào Quang Lâm là minh chứng về sự trưởng thành của thế hệ kế tiếp người Thái Bình trên đất Lắk. Thông minh, ham học hỏi lại chịu khó, anh được tôi luyện, trui rèn từ thực tiễn nên hiểu rõ từng đường làng, hàng cây, mỗi hộ dân đến từng con đập, dòng kênh dẫn nước về đồng. Thành quả là thế nhưng khi nhắc đến nỗi vất vả của người trồng lúa, anh vẫn nghẹn ngào bật lên: “Từ bàn tay xưa cấy trong gió bấc. Chân lội bùn sâu dưới trời mưa phùn” đấy anh ạ! Buôn Tría tiếp tục chủ động biến tiềm năng thành nguồn lực, hóa giải các nguy cơ, năng động, tự lực, tự cường. 

Điều đó cho thấy hiện rõ bước đi, cách làm với tầm nhìn của đội ngũ cán bộ hầu hết là người quê gốc Thái Bình đã khơi lên khát vọng bên dòng sông Krông Ana vẫn muôn đời thao thiết chảy... 

Nguyễn Văn Chiến 

(Tạp chí Xây dựng Đảng tại Tây Nguyên)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày