Thứ 7, 23/11/2024, 20:00[GMT+7]

Tự hào chiến sĩ Điện Biên

Thứ 3, 30/04/2024 | 16:20:14
7,598 lượt xem
Dù đã ở độ tuổi 90 nhưng trong tâm thức mỗi cựu chiến binh (CCB) đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ mà chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện vẫn vẹn nguyên ký ức về những năm tháng hào hùng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, “gan không núng, chí không mòn” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ông Lê Gia Tuấn, xã Hồng An (người bên phải) xúc động kể lại kỷ niệm những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

70 năm đã trôi qua nhưng với CCB Lê Gia Tuấn, thôn Nam Tiến, xã Hồng An (Hưng Hà) vẫn bồi hồi xúc động khi nhớ về những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở tuổi gần 90, khi đôi mắt đã mờ, đôi chân đã chậm nhưng giọng nói của ông Tuấn vẫn hào sảng, nhanh nhẹn. 

CCB Lê Gia Tuấn kể: Năm 1953, khi vừa tròn 16 tuổi, tôi được điều động từ một đơn vị thanh niên xung phong của tỉnh Phú Thọ tăng cường cho Đại đoàn 316. Đang ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, tôi được giao nhiệm vụ làm thông tin liên lạc. Việc thông tin liên lạc lúc đó trong điều kiện chiến sự hết sức khó khăn vì khu vực đóng quân của đơn vị tôi nằm sâu trong rừng, đường sá đi lại vất vả. Dù khó khăn gian khổ nhưng chúng tôi luôn hừng hực ý chí chiến đấu, quyết tâm bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt.

Cũng theo ông Tuấn, thông tin liên lạc trong các chiến dịch giữ vai trò rất quan trọng, quyết định sự thắng thua trong từng trận đánh. Trong chiến đấu mà không có thông tin thì mọi mệnh lệnh chỉ thị đều không thực hiện được, giữa các đơn vị không có sự hiệp đồng thống nhất, không phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn quân. Chính vì thế, khu vực nào đường dây bị đứt là lính thông tin phải có mặt để nối lại, bảo đảm mọi thông tin, lệnh, chỉ thị của cấp trên được truyền đi nhanh chóng và kịp thời, giữ bí mật để phục vụ công tác triển khai chiến thuật, phương án tác chiến.

Ông Phạm Văn Cư, xã Chí Hòa chia sẻ hồi ức chiến thắng Điện Biên Phủ bằng những bài thơ do chính ông sáng tác.

Trong các trận đánh của chiến dịch Điện Biên Phủ, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ thông tin đã nêu cao gương chiến đấu dũng cảm không quản hy sinh “vì mạch máu thông tin luôn vững chắc”. Nhiều chiến sĩ hữu tuyến điện, thông tin vận động tín hiệu đã hy sinh anh dũng để giữ vững liên lạc với các cứ điểm, nhiều chiến sĩ bộ đàm đã bám sát các mũi xung kích dù phải chịu thương vong trong khi làm nhiệm vụ. 

Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng khi được hỏi về những trận đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Tuấn hồ hởi chia sẻ: Trận đánh đồi A1 luôn in đậm trong trí nhớ tôi. Bởi khi đó, đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng tuyến 5 quả đồi phía Đông bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây, địch bố trí binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc. Đến 14 giờ ngày 6/5/1954, pháo ta bắn đồng loạt trong một tiếng đồng hồ vào đồi A1. Sau đó bắn vào sân bay khoảng 30 phút, tiếp đến bắn vào đồi pháo của địch ở Hồng Cúm gần một tiếng đồng hồ. Quân địch khi đó chống trả rất quyết liệt với hỏa lực mạnh, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Sau buổi tối đánh đồi A1, diệt được ụ súng của địch với tên gọi là “ụ súng thằng người”, các đơn vị rút về nơi đóng quân cách đồi A1 khoảng 700m, đến khoảng 5 giờ sáng ngày 7/5/1954 thấy rất nhiều quân địch đi ra ở khu vực đồi Độc Lập và kéo cờ trắng ra hàng. Với khí thế tiến công không ngại hy sinh, các đơn vị của ta đã làm chủ đồi A1 và các khu vực khác, góp phần cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. 

Chúng tôi tìm về xã Chí Hòa (Hưng Hà) tìm gặp chiến sĩ Điện Biên Phạm Văn Cư - người trực tiếp cầm súng chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 7 thập kỷ đã trôi qua, những hình ảnh về năm tháng chiến đấu ác liệt với địch giành giật từng tấc đất, từng đoạn hào, những cảm xúc đặc biệt hân hoan ngày vui chiến thắng vẫn còn đó trong ký ức người lính già.

Năm 1953, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Phạm Văn Cư xung phong nhập ngũ khi vừa tròn 16 tuổi và được biên chế về Đại đoàn 312. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ chiến đấu ở đồi D và tiến vào lòng chảo Điện Biên.

 CCB Phạm Văn Cư nhớ lại: Đồi D được thực dân Pháp xây dựng thành vị trí tiền tiêu của dãy đồi phía Đông, che chắn, bảo vệ sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và sân bay Mường Thanh. Chúng cho xây dựng công trình phòng thủ vô cùng vững chắc, lợi hại và bố trí một tiểu đoàn rất thiện chiến chiếm giữ. Phía quân ta xác định việc đánh chiếm dãy cao điểm phía Đông, trong đó có cao điểm D1 là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong đợt tấn công thứ hai của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đúng 17 giờ ngày 30/3/1954 các cỡ pháo của quân ta đồng loạt dội xuống đồi D1 và các cao điểm phía Đông khu trung tâm Mường Thanh. Trong vòng 30 phút chiến đấu, đơn vị chúng tôi đã chiếm được đồi D1, sáng hôm sau quân Pháp phản kích kết hợp với không quân hòng đánh chiếm lại cứ điểm, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt sau 2 ngày quân ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm đồi D1.

Thời điểm diễn ra chiến dịch, thời tiết bất lợi, mưa nhiều. Có những đoạn giao thông hào ngập nước, bộ đội ta phải dầm mưa, giành giật với địch từng mét giao thông hào với quân địch. 

Ông Cư kể thêm: Tôi được cử làm tổ viên tổ bộc phá ống với nhiệm vụ phá các lớp rào dây thép gai mở đường cho bộ đội ta tiến đánh vào sở chỉ huy tiêu diệt cứ điểm địch. Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ, tôi cùng anh em trong tổ trực tiếp đi trinh sát địa hình, nghiên cứu hướng và nhanh chóng lao lên quãng đường 30m tiếp cận hàng rào đặt ống bộc phá giật nụ xòe mặc cho mưa bom, bão đạn của quân thù tấn công. Một tiếng nổ đã phá tung hàng rào của địch chừng 5m, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tấn công. Sau 2 - 3 trận đánh, tôi bị thương nhưng rất mừng vì mình đã hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Khi biết tin thắng trận, quân ta làm chủ đồi Him Lam, đồi Độc Lập, chúng tôi vui sướng biết nhường nào. Anh em ôm chầm lấy nhau, ai cũng rơm rớm nước mắt, cùng hô vang “Hoan hô Bác Hồ, hoan hô Tướng Giáp” mà quên đi những đau đớn.

Hơn 70 năm trước, cũng như ông Tuấn, ông Cư, hàng trăm người con ưu tú của quê hương Hưng Hà dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng họ đã mang theo nhiệt huyết tuổi trẻ, truyền thống cách mạng của quê hương, xung phong lên đường tòng quân diệt giặc. Tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở hầu khắp chiến trường Điện Biên Phủ, họ đã cùng nhau “chia lửa”, vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng vĩ đại. 

Chiến tranh qua đi, người hiến dâng thân mình, hòa vào đất trời Tây Bắc, người trở về xây dựng quê hương. Hôm nay, những chiến sĩ Điện Biên khi ấy đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, sống cuộc đời giản dị, với tấm áo bộ đội đã bạc màu. Song, ở họ đều toát lên những phẩm chất cao đẹp nhất của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là tinh thần chiến đấu quả cảm, sự xả thân trọn vẹn cho mục tiêu, lý tưởng giải phóng dân tộc, mang lại độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.

Thanh Thủy