Thứ 2, 12/08/2024, 14:28[GMT+7]

Người anh hùng trước giờ phút hy sinh

Chủ nhật, 01/09/2013 | 11:00:49
1,778 lượt xem
Trần Văn Tá sinh ngày 10/5/1924 tại xã Minh Khai (Vũ Thư) đã anh dũng hy sinh ngày 17/2/1951. Anh hy sinh giữa tuổi 27 đầy sức sống và để lại cho quê hương niềm tự hào về người xã đội trưởng kiên trung bất khuất giết giặc lập công đặc biệt xuất sắc, góp phần vào vinh quang của Minh Khai, xã Anh hùng thời kỳ chống Pháp.

Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng LLVTND của xã Minh Khai (Vũ Thư) . Ảnh: Thành Tâm

 

Ngày 8/2/1950, quân Pháp đánh chiếm Thái Bình. Thực hiện mưu đồ đen tối chiếm đóng lâu dài nước ta, chúng cắm hàng loạt bốt giặc ở các điểm trọng yếu trên tuyến đường số 10. Từ các bốt ấy, giặc Pháp và lính ngụy thường xuyên đánh “lén” vào các làng quanh bốt cướp tài sản, bắt thanh niên đi lính, hãm hiếp phụ nữ, ép dân lập tề theo chúng. Chi bộ Ðảng xã Minh Quang, Thư Trì (nay là xã Minh Khai, Vũ Thư) chủ trương phá tề, tiêu diệt bọn giặc cướp ngày. Ðược giao nhiệm vụ, Trần Văn Tá đã chỉ huy đội du kích đánh giặc chống càn.

 

8 giờ sáng ngày 21/4/1950 mặt trời vừa lên khỏi lũy tre tỏa nắng xuống đồng làng, tổ du kích của Trần Văn Tá gồm: Phạm Văn Rược, Phạm Văn Sa và Hoàng Văn Ðiển phục sẵn ở xóm Ðông, thôn Khê Kiều (Minh Khai) chờ giặc đến. Ðúng như kế hoạch Trần Văn Tá định sẵn: một toán lính gồm 27 tên ở bốt La Uyên mò vào làng Khê Kiều. Một tốp rẽ ngang đi vào xóm Ðông bắt người, cướp của... Một tên giặc rẽ dậu đi từ nhà này sang nhà khác đuổi bắt gà...

 

Trần Văn Tá vẫn kiên trì nép sau cánh cửa trong nhà ông Phạm Lâm. Tên địch chưa kịp vào nhà thì Trần Văn Tá xuất thần lao ra vung đại đao chém sả vai hắn. Nó không kịp chống đỡ kêu rống lên giẫy chết dưới chân anh. Trần Văn Tá tước khẩu súng trường, hai lựu đạn, 22 viên đạn. Cùng lúc đó tổ du kích hô xung phong, xông lên chém giặc ở đường cuối xóm. Hai tên lính ngụy bị thương nặng, bọn giặc tháo chạy bỏ lại 5 băng đạn súng trường và nhiều quân dụng. Ðêm ấy, quanh đống lửa hồng dưới trời cuối xuân, quân dân Minh Quang có cả các em thiếu nhi tưng bừng niềm vui mừng công, quây quần bên Trần Văn Tá và những người du kích hỏi chuyện chiến thắng, thầm phục tinh thần kiên trì, gan dạ, dũng cảm chiến đấu của các anh.

 

Tiếp chuyện nhân dân, Trần Văn Tá kể rằng: “Phục như thế đã nhiều lần mà giặc không vào, có lần chúng vào nhưng không trong tầm trận địa, anh em sốt ruột lắm. Tối qua họp tổ du kích tự nhiên trong tôi như có người mách bảo là mai giặc sẽ vào đấy. Thế là vụt lên trong đầu tôi một ước mơ chiến thắng! Chúng tôi lên phương án đánh... và đã thắng. Trận này, du kích và nhân dân không ai hy sinh, tôi mừng lắm”. Gà đã điểm sang canh, mọi người ra về, Trần Văn Tá và đội du kích còn ở lại lên kế hoạch cho trận đánh sau. Từ đó du kích xã Minh Quang có súng để thị uy bốt giặc và chống càn, du kích tự tin hơn, nhân dân phấn khởi, nhiều thanh niên hăng hái nhập du kích. Bọn giặc ở bốt La Uyên không nghênh ngang vào làng như trước. Sau đó Trần Văn Tá được cấp trên chọn đi báo cáo điển hình ở huyện, Quân khu 3 về thành tích gan dạ mưu trí dũng cảm lập công, mở đầu cho phong trào chiến tranh du kích ở Thái Bình.

 

Cuối năm 1950, Trần Văn Tá xung phong nhận nhiệm vụ của Ðảng vào bốt giặc La Uyên điều tra tình hình địch. Anh đã cùng với du kích Hoàng Văn Ðiển đóng giả làm dân thường vào bốt này làm phu, vừa lao động, vừa quan sát sự bố trí các vòm gác, nhà ngủ của bọn chỉ huy, các bức tường, cống rãnh... Anh thấy riêng khu nhà ở của vợ con lính ngụy là bọn giặc sơ hở nhất. Lúc  nghỉ giải lao Trần Văn Tá cùng Hoàng Văn Ðiển giả vờ đi uống nước rồi hòa vào những người đi chợ cùng về an toàn. Chiếc bản đồ có giá trị được anh vẽ lại từ trí nhớ, báo cáo với chi ủy Ðảng, đề xuất chủ trương đánh đồn. Sau này, được sự phối hợp của bộ đội huyện Thư Trì, trung đội du kích xã Minh Quang chỉ trong một đêm đã đánh tan đồn địch La Uyên, thu toàn bộ vũ khí và bắt sống giặc ở đồn này.

 

Sáng sớm ngày 16/2/1951, gần một tiểu đoàn địch đến từ ba hướng bao vây làng Thọ Lộc. Khi chúng tới đầu làng, anh cùng đội du kích xung phong và giật nổ đồng loạt các ổ mìn, 12 tên giặc chết ngay, đồng bọn tháo chạy giẫm phải chông. Bọn giặc phải khiêng cả người còn dính bàn chông và 12 xác chết về đồn. Ðịch bắn pháo tầm xa và tăng quân tiếp viện nhưng mãi đến 9 giờ chúng mới phá được hàng rào lũy đất vào làng. Trần Văn Tá chỉ huy du kích chiếm các ngách giao thông hào, bờ bụi rồi dũng cảm xông lên tấn công quân địch làm nhiều tên lính ngụy chết và bị thương. Do lực lượng địch quá đông, trận chiến đấu diễn ra không cân sức, Trần Văn Tá hạ lệnh cho du kích rút xuống giao thông hào, hầm bí mật. Riêng Trần Văn Tá và liên lạc của anh là Ðoàn Văn Xuyên phối hợp tiêu diệt hai lính ngụy nữa rồi mới chịu rút xuống hầm.

 

Trưa ngày 17/2/1951, qua lỗ viễn tiêu bí mật dưới hầm (nay là đường vào nhà ông Ðạc xóm 11, Thọ Lộc), tổ du kích phục dưới hầm cùng Trần Văn Tá gồm các anh: Cờ, Khoản, Ðóa, Chuẩn, Giảng... thấy bọn giặc nghỉ trưa, trên hầm bí mật chỉ còn lại hai thằng lính gác và một thằng tây đi lại nghênh ngang. Trần Văn Tá quyết định đẩy nắp hầm và bò tiếp theo bụi rậm. Anh đứng nép vào khe hai bức tường cổng nhà ông Tái. Hai thằng lính ngụy đã đi ra phía khác, còn thằng tây đi lại quanh vườn, vào nhà, ra sân. Lựa thời cơ anh nhảy đến chém tên quan ba Pháp, nó gục và chết khi anh bồi thêm mấy nhát báng súng vào đầu hắn. Tước khẩu tiểu liên và đạn của nó, anh luồn theo hàng dậu rậm nhà ông Ðộ bắn hai thằng lính gác đang dựa súng ăn trưa. Súng không nổ, hai thằng lính xô đến hô hoán định bắt sống anh. Anh dùng đại đao chém tiếp, quần nhau với bọn chúng hồi lâu...

 

Không thực hiện được ý đồ bắt sống, bọn giặc ở đầu xóm đến yểm trợ điên cuồng nhả đạn vào anh khi anh chưa kịp rút xuống hầm. Bọn giặc hèn nhát treo anh lên cổng nhà ông Tái chất rạ đốt cổng. Từ nhiều lỗ viễn tiêu ở các đường hầm bí mật, du kích ta được chứng kiến tinh thần kiên cường đánh giặc trước giờ phút hy sinh của anh. Ðêm ấy còn se lạnh, giặc đã rút khỏi làng nhưng từ xa quân thù vẫn bắn đạn pháo về trận địa này. Bất chấp hiểm nguy, đội du kích, đông đảo cán bộ nhân dân trong xã, những người thân đã tổ chức đưa thi hài anh về nơi yên nghỉ cuối cùng trong vô vàn thương nhớ và cảm phục.

 

Trần Văn Tá sinh ngày 10/5/1924 tại xã Minh Khai (Vũ Thư) đã anh dũng hy sinh ngày 17/2/1951. Anh hy sinh giữa tuổi 27 đầy sức sống và để lại cho quê hương niềm tự hào về người xã đội trưởng kiên trung bất khuất giết giặc lập công đặc biệt xuất sắc, góp phần vào vinh quang của Minh Khai, xã Anh hùng thời kỳ chống Pháp. Trần Văn Tá đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba năm 1969. Ngày 23/2/2010, anh được truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Pháp.

Minh Lệ

(Minh Khai, Vũ Thư)

  • Từ khóa