Thứ 2, 06/05/2024, 19:46[GMT+7]

Đông Hưng. Về lại chợ khô.

Thứ 4, 15/09/2010 | 15:40:39
9,644 lượt xem
Xã có 2/5 làng đạt danh hiệu làng văn hoá, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,9%, xã không còn nhà tranh dột nát, gần 80% hộ dân là gia đình văn hoá. Trên mảnh đất anh hùng này, giáo dục- đào tạo được xác định là yếu tố đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng quê hương.

Phiên chợ chiều

Cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng- Duyên Hà ngày 1/5/1930 là cuộc đấu tranh đầu tiên của giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, mở đầu cho cao trào cách mạng năm 1930- 1931 và là một trong 5 cuộc biểu tình lớn của nông dân cả nước lúc bấy giờ hưởng ứng lời kêu gọi quần chúng cách mạng của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ chống lại sự tàn bạo của thực dân Pháp.

 

Đúng 7h sáng ngày 1/5/1930, hàng nghìn người ở nhiều vùng thuộc 3 huyện: Hưng Nhân, Duyên Hà, Tiên Hưng kéo đến nơi tập trung gốc Đa chợ Khô (xã Hoa Lư, huyện Đông Hưng bây giờ) tiến thẳng về phía thị xã Thái Bình đấu tranh trực diện với chính quyền tay sai đòi giảm sưu, giảm thuế, đòi dân chủ dân sinh, đồng thời hô vang khẩu hiệu “ngày 1/5 vạn tuế”. Khi cách thị xã khoảng 3 km, đoàn biểu tình bị địch đàn áp dữ dội, nhiều người bị bắt và kết án tù.

 

Tám mươi năm sau sự kiện lịch sử diễn ra trên vùng quê lúa Thái Bình năm xưa, chúng tôi có dịp về lại gốc Đa chợ Khô để chứng kiến sự đổi thay của vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Dường như ngọn lửa cách mạng vẫn sáng mãi và tiếp nối không ngừng.

 

Phiên chợ Khô tám mươi năm về trước không còn họp tại đó mà được rời cách xa chừng 1 km, nhưng dấu tích của gốc Đa chợ Khô vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi đi trên con đường quê đã được bê tông hoá sạch đẹp với những ngôi nhà cao tầng khang trang nằm san sát nhau, hai bên đường vào các thôn, xóm nhiều cây xanh rợp mát, cùng các dịch vụ buôn bán nhỏ tạo sự tấp nập sầm uất mà lòng dâng lên cảm xúc tự hào.

 

 Hoa Lư hôm nay khang trang hơn, màu xanh của những cánh đồng lúa bát ngát, của ngô, của mía tô điểm cho Hoa Lư thêm tươi đẹp. Nhớ lại mảnh đất này trước đây để trân trọng thêm những giá trị sống của hiện tại.

 

Trong chiến tranh, quân và dân Hoa Lư đã cống hiến xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc với trên 1.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, chiếm 28% dân số; 80% hộ gia đình có con tòng quân. Trong 2 cuộc kháng chiến, toàn xã có 152 liệt sĩ, 4 Mẹ Việt Nam anh hùng, 87 thương bệnh binh, 4 lão thành cách mạng...

 

Ngày đất nước cùng vang lên khúc hát khải hoàn, cũng là lúc mọi người cùng chung tay bắt đầu xây dựng lại quê hương sau bao năm bị bom đạn cày xới.

 

Sau hơn 20 năm đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã có bước cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn mới đang đà khởi sắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 đạt 11,3%, cơ cấu kinh tế đang chuyển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và thương mại dịch vụ, hiện nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 37,4%, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ: 62,6%, so với 5 năm trước tỷ trọng nông nghiệp giảm 12%; thu nhập trung bình đạt gần 1,4 triệu đồng/người/tháng.

 

Xã có 2/5 làng đạt danh hiệu làng văn hoá, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,9%, xã không còn nhà tranh dột nát, gần 80% hộ dân là gia đình văn hoá. Trên mảnh đất anh hùng này, giáo dục- đào tạo được xác định là yếu tố đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng quê hương.

 

Toàn xã hiện có 3 điểm trường (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đều được xây dựng mới khang trang, sạch đẹp. 100% trẻ em đủ độ tuổi được đến trường và tỷ lệ học sinh bậc tiểu học lên lớp đạt 100%, bậc trung học cơ sở trên 98%, chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh từng bước được nâng lên, đội ngũ giáo viên ngày càng được chuẩn hoá...

 

Có vẻ như ngại người đối diện nhận xét rằng mình không khách quan, nên hầu như trước khi trả lời một câu hỏi nào của chúng tôi, anh Bùi Văn Tuất- Bí thư Đảng uỷ xã Hoa Lư luôn mào đầu trước. Cũng thế, với câu hỏi yếu tố làm nên sự đổi thay mạnh mẽ của Hoa Lư hôm nay, anh lại tiếp tục “mào đầu” rồi trả lời như không cần suy nghĩ: “Đó chính là sự đoàn kết, nhất trí của cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, điều hành công việc.

 

Cán bộ đoàn kết thì dân mới tin”. Nhìn vào mắt anh, chúng tôi tin câu trả lời ngắn gọn nhưng đầy sức nặng đó, như tin vào sự chiêm nghiệm của người cán bộ có thâm niên mấy chục năm gắn bó với công tác địa phương này. Bởi vậy mà đến nay, Chi bộ Đảng Hoa Lư có 54/209 đảng viên có từ 40 năm tuổi Đảng trở lên. Họ là lực lượng luôn gương mẫu về đạo đức lối sống, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương giàu mạnh.

 

Diện mạo mới của Hoa Lư hôm nay đã và đang được đổi thay rõ rệt với những bước phát triển vượt bậc. Nhân dân Hoa Lư đang tiếp nối truyền thống cha ông, cống hiến những giọt mồ hôi, công sức để tô điểm thêm cho mảnh đất giàu truyền thống cách mạng mãi được nở hoa xanh tốt và xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp mà Đảng và Nhà nước trao tặng.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa